Cơ chế tài chính - ngân sách cho TPHCM chưa đủ rộng
Tại TPHCM, trong những năm tới, ba lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn và ổn định là giao thông, môi trường và thủy lợi. Trong ảnh: Thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự án giao thông trọng điểm của TPHCM. Ảnh: VĂN NAM |
Cần thêm cơ chế để bứt phá
Ngày 10-6 tới là thời điểm bắt đầu có hiệu lực thực hiện của Nghị định 48/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TPHCM để áp dụng từ năm ngân sách 2017. Theo đó, một số quy định về quản lý ngân sách và huy động các nguồn tài chính cho đầu tư phát triển dành cho TPHCM đã được nới rộng hơn so với trước đây.
Chẳng hạn, TPHCM được ứng trước ngân sách cho những dự án hạ tầng, sau đó đấu giá quyền sử dụng đất để hoàn trả ngân sách hoặc vốn vay; TPHCM dựa vào khả năng cân đối ngân sách địa phương tham gia thực hiện các dự án PPP theo các hoạt động góp vốn để hỗ trợ xây dựng công trình, thanh toán cho nhà đầu tư cung cấp dịch vụ theo hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - cho thuê), hợp đồng BLT (xây dựng - cho thuê - chuyển giao), hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Trong trường hợp những dự án quy mô lớn trong lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi vượt khả năng cân đối ngân sách địa phương thì UBND TPHCM sẽ lập dự toán kèm đề nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ từ ngân sách trung ương...
Tuy nhiên, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn, lãnh đạo các sở quản lý về kế hoạch đầu tư, tài chính tại TPHCM cho rằng thực tế mong muốn của TPHCM không chỉ dừng lại ở những cơ chế tài chính ngân sách như Nghị định 48 nói trên, mà cần phải có thêm cơ chế, chính sách cụ thể hơn để thành phố phát triển bứt phá. Trong điều kiện xã hội phát triển liên tục và luôn phát sinh nhiều cái mới cần có sự thay đổi để thích ứng, dự kiến TPHCM sẽ còn tiếp tục kiến nghị trung ương nhiều chính sách mở khác liên quan đến đất đai, vốn, thuế..., tương thích với một đô thị năng động như TPHCM.
Tiếp tục đề xuất... nới áo
TPHCM sẽ kiên trì đề xuất trung ương sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, kiến nghị cho thành phố được thí điểm những cơ chế, chính sách mới đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP).
Nhìn lại bài học kinh nghiệm về phát triển hạ tầng đồng bộ trong những năm qua, trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, UBND TPHCM cho rằng: TPHCM sẽ kiên trì đề xuất trung ương sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, kiến nghị cho thành phố được thí điểm những cơ chế, chính sách mới đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP). Đặc biệt là đối với những dự án đường sắt đô thị có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, thời gian kéo dài trong khi hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng thường xuyên thay đổi, làm cho quá trình quản lý dự án phát sinh nhiều vấn đề cần xử lý, tốn nhiều kinh phí và thời gian.
Về cơ chế tài chính hỗ trợ TPHCM đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ trong những năm tới, ba lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn và ổn định là giao thông, môi trường và thủy lợi, UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ tiếp tục bố trí nguồn ngân sách trung ương dành cho các dự án chống ngập thuộc Quyết định 1547/QĐ-TTg và Quyết định 752/QĐ-TTg (đây là những quyết định quy hoạch các dự án chống ngập và thoát nước cho TPHCM). TPHCM cũng muốn được phân cấp mạnh hơn về thẩm quyền và trách nhiệm trong sử dụng các nguồn vốn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng đô thị.
Cụ thể hơn, TPHCM muốn được áp dụng miễn tiền thuê đất đối với phần diện tích đất phục vụ cho công trình xây dựng bến bãi (bao gồm khu vực đậu, đỗ xe; khu vực dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; khu bán vé; khu vệ sinh công cộng; khu rửa xe; khu vực hàng hóa; khu vực bố trí mảng xanh và đường giao thông nội bộ) thuộc danh mục bến bãi giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố đã được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, TPHCM cần được ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm của các vùng kinh tế trọng điểm, tập trung vốn cho công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống logistics trong các vùng kinh tế trọng điểm có sự kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng, bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh (giao thông, cảng, bến và kho bãi) và mạng thông tin quản lý (tài chính, ngân hàng, hải quan, thuế).
TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho thành phố cơ chế đặc thù về phân cấp nguồn thu phù hợp với quy mô đô thị lớn trong khuôn khổ cho phép của pháp luật hiện hành. Cụ thể như sau: cấp lại cho thành phố một phần số thu các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu (dự kiến các mức 8 - 10 - 12% trong tổng thu) và thực hiện trong 10 năm để tạo điều kiện cho thành phố bổ sung nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng; cho phép thành phố nghiên cứu cơ chế phụ thu thuế đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn thành phố phù hợp với tình hình thực tế và nguồn thu này không phải điều tiết về trung ương và không đưa vào tính cân đối ngân sách vào đầu thời kỳ ổn định; phân cấp cho thành phố được thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý và phân chia tỷ lệ phần trăm thành phố được hưởng là 50% đối với khoản thu này; phân chia tỷ lệ phần thu lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập quỹ của các doanh nghiệp nhà nước trung ương đại diện chủ sở hữu cho ngân sách thành phố được hưởng là 50%.
Để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng trên địa bàn TPHCM trong lúc quỹ đất của thành phố đang trở nên hạn hẹp, thành phố kiến nghị trung ương chấp thuận cho thành phố áp dụng cơ chế khấu trừ nguồn tăng thu thuế của dự án (hình thành trong tương lai). Việc xem xét, quyết định sẽ được Bộ Tài Chính tham mưu Chính phủ trên từng dự án cụ thể.
Nhận định về cơ chế khấu trừ nguồn tăng thu thuế của dự án, UBND TPHCM cho rằng hiện nay, trên địa bàn thành phố, có nhiều dự án PPP tiềm năng mà hiệu quả tài chính của dự án sẽ đến từ doanh thu hình thành trong tương lai, tạo ra nguồn tăng thu thuế đáng kể từ dự án cho ngân sách nhà nước.
Ví dụ, khi thực hiện dự án BT xây dựng con đường dẫn vào cảng hàng hóa thì doanh thu trong tương lai của cảng hàng hóa sẽ gia tăng dẫn đến nguồn thu ngân sách địa phương từ thuế thu nhập của doanh nghiệp cảng sẽ tăng đáng kể. Giả sử, khi chưa có con đường dẫn vào cảng, doanh thu của cảng chỉ ở mức 1.000 tỉ đồng/năm, tương ứng nguồn thu ngân sách từ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp cảng chỉ ở khoảng 200 tỉ đồng. Khi hoàn thành xây dựng con đường, doanh thu của cảng dự báo sẽ tăng lên 2.000 tỉ đồng, tương ứng nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên 400 tỉ đồng. Như vậy, nếu được áp dụng cơ chế này đối với các dự án phù hợp, sẽ góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết được bài toán hạ tầng khu vực. Ngoài ra, so với cách trực tiếp trả tiền từ ngân sách, còn giúp thành phố giảm được việc phải điều tiết về trung ương phần lớn số thu thuế từ dự án này, giúp rút ngắn thời gian hoàn vốn dự án.
Thành phố thông minh nên cần nguồn tài chính thông minh
Cách đây năm năm, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 được kỳ vọng ... |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/