TPHCM cần thêm cơ chế tài chính để phát triển hạ tầng
Xây dựng tuyến metro số 1 tại TPHCM. (Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn). |
Cụ thể, UBND thành phố kiến nghị Chính phủ tiếp tục bố trí nguồn ngân sách trung ương dành cho danh mục công trình trọng điểm, phân cấp mạnh hơn cho thành phố về thẩm quyền và trách nhiệm trong sử dụng các nguồn vốn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng đô thị.
TPHCM cũng muốn áp dụng chính sách miễn tiền thuê đất đối với phần diện tích đất phục vụ cho công trình xây dựng bến bãi (bao gồm khu vực đậu, đỗ xe; khu vực dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; khu bán vé; khu vệ sinh công cộng; khu rửa xe; khu vực hàng hóa; khu vực bố trí mảng xanh và đường giao thông nội bộ) thuộc danh mục bến bãi giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt.
TPHCM kiến nghị được ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng: công trình giao thông trọng điểm của các vùng kinh tế trọng điểm; tập trung vốn cho công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống logistics trong các vùng kinh tế trọng điểm, có sự kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh (giao thông, cảng, bến và kho bãi) và mạng thông tin quản lý (tài chính, ngân hàng, hải quan, thuế...).
“Chính phủ cần xác định lại tỷ lệ điều tiết cho ngân sách địa phương đảm bảo tương ứng với vai trò đóng góp của ngân sách từng tỉnh, thành phố, tạo nguồn lực cho các tỉnh, thành phố tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, giữ ổn định tỷ lệ này đến hết năm 2020”, theo báo cáo về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ của UBND thành phố gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành ngày 23-5 vừa qua.
Đi vào chi tiết, chính quyền thành phố kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho thành phố cơ chế đặc thù về phân cấp nguồn thu phù hợp với quy mô đô thị lớn trong khuôn khổ cho phép của pháp luật hiện hành.
Cụ thể, trung ương cấp lại cho thành phố một phần số thu các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu (dự kiến các mức 8 – 10 – 12% trong tổng thu) và thực hiện trong 10 năm để tạo điều kiện cho thành phố bổ sung nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, cho phép thành phố nghiên cứu cơ chế phụ thu thuế đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế, nguồn thu này không phải điều tiết về trung ương và không đưa vào tính cân đối ngân sách vào đầu thời kỳ ổn định.
Phân cấp cho thành phố được thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý và phân chia tỷ lệ thành phố được hưởng là 50% đối với khoản thu này. Phân chia tỷ lệ phần thu lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập quỹ của các doanh nghiệp nhà nước trung ương đại diện chủ sở hữu cho ngân sách thành phố được hưởng là 50%.
Thời gian qua, TPHCM tập trung phát triển hạ tầng giao thông đường bộ với nhiều công trình trọng điểm hoàn thành giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, giao thông đường thủy tăng khả năng vận tải hàng hóa qua các cảng biển.
Đáng chú ý, thành phố sẽ phát triển đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị với 8 tuyến metro, 3 tuyến xe điện hoặc monorail trong những năm tới. Còn giao thông hàng không, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã được thành phố kiến nghị trung ương chấp thuận cho phép sử dụng khu đất phía Tây (khoảng 21 ha) để đầu tư nâng cao năng lực khai thác sân đỗ tàu bay, đường lăn và nhà ga nhằm nâng công suất lên 40-50 triệu hành khách/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, thành phố cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng các lĩnh vực khác như vận tải hành khách công cộng, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi, chống ngập, phát triển nhà ở, bảo vệ môi trường, cấp nước sạch, hạ tầng thương mại dịch vụ, thông tin truyền thông, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hạ tầng y tế… với số vốn đầu tư rất lớn.
Điểm lại giai đoạn 2011-2015, UBND thành phố cho biết tổng vốn đầu tư toàn xã hội thành phố giai đoạn 5 năm 2011-2015 là 1.192.482 tỉ đồng, tăng bình quân mỗi năm 9% và chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố.
Và theo thông tin được TBKTSG Online đăng tải trước đây, tổng nhu cầu vốn phát triển hạ tầng tại TPHCM trong vòng 5 năm tới (2016-2020) lên đến 203.117 tỉ đồng.