|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cơ chế đặc thù để TP HCM bứt phá: Tiền và người!

21:23 | 04/09/2017
Chia sẻ
Theo Thành ủy TP.HCM, TP là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nhưng đang tụt hậu dần vì nhiều vướng mắc và cả những sức ép.

Trong dự thảo báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Thành ủy TP.HCM đã cho thấy sự quyết tâm bứt phá để TP trở thành đầu tàu kinh tế “khỏe mạnh” nhất cả nước khi đưa ra hàng loạt đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù. Trong đó, đáng chú ý là cơ chế tự chủ về tài chính và biên chế bộ máy hành chính.

Nghịch lý từ những con số biết nói

Theo Thành ủy TP.HCM, hiện nay TP có tỉ lệ nộp thu ngân sách về trung ương cao nhất cả nước (80% tổng thu nhập trên địa bàn), tuy nhiên có mức chi ngân sách quá thấp, không đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.

Tỉ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP ngày càng bị cắt giảm, từ 33% năm 2003 đến giai đoạn 2017-2020 chỉ còn 18%. Trong khi đó, TP đóng góp đến 27,8% ngân sách cả nước năm 2016. Nghĩa là trong khi TP đóng góp đến 21,6% GDP và 27,8% tổng thu ngân sách cả nước và có dân số chiếm 9,1% dân số cả nước thì chỉ được hưởng có 4,8% ngân sách cả nước dành cho các địa phương.

Theo TP.HCM, công thức này rõ ràng không phù hợp với nguyên tắc phát triển bền vững, nuôi dưỡng nguồn thu, đầu tư cho phát triển tương xứng với đóng góp và quy mô dân số của TP trong hiện tại để TP có thể tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho ngân sách chung cả nước trong tương lai. Mức chi này cũng không thể tạo điều kiện để TP phát triển nhanh, bền vững mà làm cho các vấn đề ngày càng khó giải quyết hơn.

Đặc biệt, với mức chi ngân sách như hiện nay, TP bị quá tải và lạc hậu về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Năm 2016, mật độ đường chỉ đạt 1,98 km/km2 (dưới quy chuẩn 10-13,3 km/km2). Nếu đường giao thông được xây dựng với tốc độ tăng trung bình như hiện nay thì phải mất từ 167 đến 230 năm nữa TP mới đạt được quy chuẩn mật độ đường đô thị…

co che dac thu de tphcm but pha tien va nguoi
Với mức chi ngân sách như hiện nay, TP bị quá tải và lạc hậu về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Trong ảnh: Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HTD

Phải được tự chủ về tài chính

Thành ủy TP.HCM cho rằng để bứt phá, đầu tiên TP cần tự chủ về tài chính, được đảm bảo mức ngân sách với tỉ lệ trong tổng chi ngân sách dành cho các địa phương như tỉ lệ dân số của TP trong tổng dân số cả nước. Đồng thời, TP chịu trách nhiệm đóng góp vào ngân sách cả nước cao gấp ba lần tỉ lệ dân số và thực hiện vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế của vùng và cả nước.

Nếu được chấp nhận cơ chế trên, ngoài các nguồn thu theo quy định, TP sẽ tăng nguồn thu cho ngân sách TP (phục vụ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội) bằng cách có thể đưa ra một số khoản thu gắn trực tiếp với việc sử dụng các dịch vụ đặc thù ở một đô thị lớn. Ví dụ như phí phương tiện giao thông vào trung tâm TP, phí bãi đỗ xe trong khu vực trung tâm...

Đặc biệt, TP có thể huy động vốn thông qua vay nợ để phát triển, như phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu bằng ngoại tệ dành cho đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài... với mức trần dư nợ cao hơn 70% tổng số thu ngân sách thuộc quyền sử dụng của TP, nếu phần vượt mức này được huy động thông qua một công ty tài chính của TP (Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM - HFIC).

Ngoài ra, TP có quyền giữ lại phần vốn đã cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước (giá trị sổ sách là 67.000 tỉ đồng) để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành nghề ưu tiên của TP (cơ khí, điện tử - vi mạch, robot, hóa dược), đầu tư phát triển hạ tầng giao thông (khâu ách tắc nhất hiện nay), triển khai các biện pháp chống ngập do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu...

Trả lương gấp đôi cho công chức

Cơ chế đặc thù thứ hai được TP.HCM đề nghị đó là tự chủ về biên chế của bộ máy hành chính và thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo đó, TP sẽ thực hiện quyết định mức trả thu nhập cho cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước với mức bình quân bằng khoảng hai lần thu nhập bình quân của công chức, viên chức cả nước. Điều này phản ánh năng suất lao động của TP so với bình quân cả nước (gấp 2,7 lần) và năng suất lao động của công chức, người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước của TP so với bình quân cả nước (gấp 1,5 lần).

1% và 55% theo báo cáo, cơ cấu kinh tế của TP.HCM là dịch vụ, công nghiệp chiếm hơn 99% và nông nghiệp chiếm dưới 1%, song quỹ đất dành cho dịch vụ và công nghiệp chỉ chiếm 6,8%, còn đất dành cho nông nghiệp chiếm hơn 55%.

Vì vậy, TP không có điều kiện để phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất với diện tích đất lớn, hạ tầng sẵn sàng, giá thuê đất tương đối thấp để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

TP.HCM cho rằng nếu không có các cơ chế, chính sách đặc thù như đã nêu trên thì TP không có đủ nguồn lực gia tăng để giải quyết các thách thức lớn. Trong đó kết cấu hạ tầng vốn đã yếu kém, ngày càng quá tải, bất cập, cản trở việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân...

Nếu cởi trói cho TP bằng các cơ chế, chính sách đặc thù, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM tin rằng sẽ tạo ra được các nguồn lực mới để tăng trưởng cao hơn đáng kể. Cụ thể, dự báo giai đoạn 2021-2025 là 8,13%/năm, giai đoạn 2026-2030 là 8,67%/năm. Từ đó TP sẽ có điều kiện tiếp tục giữ vững vai trò, vị trí của mình và góp phần phát triển kinh tế cả nước.

TP.HCM đang tụt hậu, kém hấp dẫn…

Theo lãnh đạo TP.HCM, sự thiếu tự chủ về tài chính cũng là nguyên nhân chính khiến TP đang tụt hậu dần so với các địa phương khác. Cụ thể, đóng góp của TP cho xuất khẩu cả nước ngày càng giảm. Từ chỗ chiếm đến 56,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2000, đến năm 2016 TP chỉ còn chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Điều này cũng khiến lãnh đạo TP đặt ra câu hỏi là phải chăng TP đang đánh mất vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu vì TP trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư do quỹ đất không còn, chi phí thuê đất cao, hạ tầng giao thông quá tải, năng lực cạnh tranh chậm cải thiện?

co che dac thu de tphcm but pha tien va nguoi Danh sách 22 dự án chung cư, nhà ở tại TP HCM 'dính' vi phạm về đất đai

Trong 22 dự án khu dân cư, nhà ở, cao ốc dính vi phạm về đất đai, có rất nhiều dự án của các doanh ...

co che dac thu de tphcm but pha tien va nguoi TP HCM 'thúc' dự án cải tạo kênh A41 để chống ngập nước tại sân bay Tân Sơn Nhất

UBND TP HCM vừa giao UBND quận Tân Bình phối hợp với Sở GTVT đẩy nhanh triển khai dự án Cải tạo kênh A41, xác ...

Viết Long