Chứng khoán cơ sở èo uột, dịch vụ ‘kho phái sinh’ nở rộ với chào mời hấp dẫn
Giao dịch chứng khoán phái sinh sôi động những ngày đầu năm
Những ngày đầu năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến không mấy khả quan. Ngay trong phiên giao dịch đầu năm (3/1), VN-Index giảm 1,52% xuống dưới ngưỡng 880 điểm, thấp nhất kể từ tháng 10/2017. Phiên giao dịch buổi sáng ngày 4/1, có thời điểm HNX -Index giảm xuống dưới mốc 100 điểm. Bên cạnh diễn biến tiêu cực, giao dịch trên thị trường liên tục “tụt áp”. Phiên giao dịch 7/1, tổng khối lượng trên HOSE chỉ đạt hơn 87,4 triệu đơn vị, thấp nhất trong gần 2 năm trở lại đây.
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán phái sinh trong một tháng gần đây. Nguồn: HNX |
Trái với tình trạng giao dịch èo uột trên thị trường chứng khoán cơ sở, giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh diễn ra sôi động. Tổng khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh từ ngày 2/1 đến 8/1 đạt 807.829 hợp đồng, tương đương giá trị danh nghĩa gần 67.500 tỉ đồng. Đáng chú ý, trong phiên thị trường cơ sở biến động mạnh (4/1), tổng khối lượng hợp đồng tương lai giao dịch là 191.707 hợp đồng, tương đương giá trị 15.827 tỉ đồng, ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2018.
Bên cạnh diễn biến giao dịch chứng khoán phái sinh sôi động, trên các diễn đàn, mạng xã hội, hàng loạt quảng cáo về hoạt động của “kho phái sinh” với chào mời nhà đầu tư chỉ phải kí quỹ 2 đến 5 triệu đồng để có thể giao dịch chứng khoán phái sinh.
Giới thiệu về dịch vụ "kho phái sinh" tại các diễn đàn |
Lời quảng cáo về giao dịch phái sinh chỉ với 3 triệu đồng tại một diễn đàn. Ảnh chụp màn hình. |
Để tìm hiểu về dịch vụ “kho phái sinh”, người viết liên hệ với một môi giới công ty chứng khoán theo liên lạc được cung cấp trên một diễn đàn chứng khoán lớn.
“Kho phái sinh” là gì?
Khi đầu tư phái sinh qua các công ty chứng khoán theo quy định thông thường, NĐT phải bỏ vào một lượng tiền kí quỹ, thường tối thiểu là 13%. Đó là tỉ lệ kí quỹ của Trung tâm Lưu kí Chứng khoán Việt Nam quy định. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán sẽ cộng thêm một phần tỉ lệ để đảm bảo an toàn của tài khoản trước khi bị Trung tâm lưu kí gọi kí quỹ (call margin). Tỉ lệ này khác nhau giữa các công ty, dao động trong khoảng 14% – 18%.
Đối với mỗi hợp đồng tương lai mà nhà đầu tư giao dịch, họ sẽ phải bỏ ra từ 14% - 18% giá trị hợp đồng để mua/bán. Thay vì phải bỏ ra khoản tiền như vậy để kí quỹ, ‘kho phái sinh’ chỉ yêu cầu nhà đầu tư kí quỹ khoảng 4 - 5% và phần còn lại sẽ do “kho” kí quỹ, tức là đang cho nhà đầu tư vay số tiền đó để giao dịch chứng khoán phái sinh. Đối với số tiền đó, nhà đầu tư sẽ bị tính thuế, phí như thực hiện giao dịch ở CTCK và sẽ mất thêm một khoản chi phí là lãi suất của khoản vay tại “kho phái sinh”, môi giới T. L. giải thích thêm.
Giao dịch tại “kho phái sinh” với rủi ro cao hơn
Việc nhà đầu tư giao dịch tại “kho phái sinh” có hai mặt lợi và hại. So sánh với giao dịch hợp đồng tương lai thông thường, nhà đầu tư sử dụng ít tiền hơn để kí quỹ cho một hợp đồng tương lai, tức là tỉ lệ đòn bẩy sẽ cao hơn. Đó là lợi thế giúp nhà đầu tư gia tăng sức mua để giao dịch.
Tuy nhiên, vì biên lợi nhuận cao hơn đồng nghĩa rủi ro cao hơn, nhà đầu tư “đi sai lệnh” sẽ mất tiền cao hơn. Khả năng ‘cháy’ tài khoản cũng cao hơn. Hơn nữa, chi phí giao dịch cũng cao hơn nhiều vì nhà đầu tư mất thêm chi phí lãi vay từ “kho phái sinh”, môi giới T. L. chia sẻ.
Rủi ro tăng lên khi giao dịch tại "kho phái sinh". Ảnh minh họa |
Ngoài ra, việc giao dịch tại kho phái sinh sẽ gây thêm áp lực cho nhà đầu tư. Thông thường, khi nhà đầu tư sử dụng đủ sức mua để giao dịch mà không cần dùng kho, số tiền bù trừ của nhà đầu tư sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, khi giao dịch tại “kho phái sinh” tức là nhà đầu tư muốn tận dụng tiền của kho để giao dịch, số tiền bù trừ sẽ giảm đi. Trong trường hợp thua lỗ, nhà đầu tư chịu áp lực lớn về tài chính để bù trừ khoản lỗ đó, trong trường hợp nhà đầu tư không nộp đủ số tiền bù trừ, dẫn đến ‘cháy’ tài khoản.
Xem thêm |