|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chủ tịch VAMC Nguyễn Tiến Đông: 'Xử lý nợ xấu đã bớt kéo nhau ra toà'

07:49 | 29/06/2018
Chia sẻ
Tròn 1 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/2014 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, tình trạng chây ỳ, dây dưa trả nợ và bàn giao tài sản bảo đảm giảm hẳn; hiện tượng toà trước xử một đằng, toà sau xử một nẻo cũng thưa thớt dần.
chu tich vamc nguyen tien dong xu ly no xau da bot keo nhau ra toa
Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC.

Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, với “bảo kiếm” Nghị quyết 42, VAMC đã thu giữ được 6 tài sản bảo đảm với tổng giá trị rất lớn; điều mà trước đó rất ít khi làm được, bởi bên vay thay vì hợp tác, bàn giao thì họ chọn vòng quay: đợi ngân hàng khởi kiện ra toà và chống án từ toà nọ đến toà kia.

Đây chỉ là một khía cạnh tích cực từ Nghị quyết 42, từ đó tạo hiệu ứng lan toả để VAMC thực hiện các nghiệp vụ cơ bản khác, xử lý tối đa khối nợ xấu được xác định từ 2012 và nợ xấu phát sinh sau này.

- Thưa ông, sau 5 năm hoạt động, VAMC đã xử lý được bao nhiêu nợ xấu cho hệ thống các tổ chức tín dụng?

Ông Nguyễn Tiến Đông: Từ khi thành lập đến 31/5/2018, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng xử lý 90.648 tỷ đồng thông qua các biện pháp bán nợ, bán tài sản bảo đảm, bán lại nợ cho các tổ chức tín dụng.

Riêng năm 2017, với sự ra đời của Nghị quyết 42, chúng tôi thu được 20.852 tỷ đồng, tương đương 2/3 tổng giá trị thu hồi của 4 năm trước.

Có thể kể sơ lược một số hoạt động xử lý nợ cụ thể của VAMC như sau: thứ nhất, nhận bàn giao tài sản tự nguyện và bên bảo đảm với tổng giá trị 2.642,6 tỷ đồng.

Thứ hai, thu giữ tài sản bảo đảm với 6 món, trong đó có những món lớn của Công ty Cổ phần Thép Tân Quốc Duy; nhóm khách hàng Sài Gòn One Tower trị giá 7 nghìn tỷ đồng; tài sản bảo đảm Công ty Cổ phần Xi măng Puzolan Gia Lai và 2 tài sản bảo đảm của Công ty Cổ phần Công nghiệp Bắc Hải (Bắc Ninh)… Kết quả này một phần lớn nhờ hiệu ứng tích cực từ Nghị quyết 42.

Hiện tại, VAMC đang tiếp tục phối hợp với một số tổ chức tín dụng triển khai thu giữ nợ tại Công ty Cổ phần Thành Phố Xanh; Công ty Cổ phần bệnh viện Ngọc Tâm tại Sacombank; Công ty Cổ phần Sản xuất và Công nghiệp Việt Nam…

Thứ ba, bán nợ, bán tài sản bảo đảm với tổng giá trị thu hồi 3.367,70 tỷ đồng; trong đó, VAMC tự đấu giá thành công 9,43 tỷ đồng.

Ngoài ra, VAMC cũng hỗ trợ một loạt ngân hàng làm việc với địa phương thu giữ và bán đấu giá nhiều tài sản bảo đảm nợ vay; hiện tại, triển khai hoàn thiện thủ tục bán đấu giá tài sản bảo đảm của một loạt khoản nợ lớn dây dưa đã nhiều năm như khoản nợ của các công ty: Bình Lý, Đông Thiên Phú, Lilama Hà Nội, Thép Thành Đô, Phúc Hoàng.

- Khi triển khai Nghị quyết 42, thái độ và việc hợp tác của con nợ với chủ nợ so với trước khi có 42 cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Bình thường, khi quan hệ vay mượn giữa ngân hàng và doanh nghiệp “cơm lành, canh ngọt” thì nợ nần thanh toán sòng phẳng nhưng khi nợ xấu phát sinh sự hợp tác của họ kém đi rất nhiều. Thậm chí, 10 trường hợp như vậy thì chỉ có vài trường hợp có ý thức hợp tác trả nợ ngân hàng. Bởi vậy, khi Nghị quyết 42 của Quốc hội ra đời, đã trở thành cơ hội xử lý nợ xấu cho tổ chức tín dụng. Những trường hợp trước đây từ chối bàn giao tài sản bảo đảm thì nay họ hợp tác hơn và thực tế là VAMC tự mình hoặc phối hợp với các ngân hàng xử lý thành công.

- Vậy còn việc phối kết hợp giữa chính quyền địa phương, các cơ quan luật pháp và VAMC trong vấn đề thu giữ, chuyển nhượng tài sản bảo đảm nợ vay cụ thể như thế nào?

- Điều đặc biệt là sau Nghị quyết 42, các cấp chính quyền, cơ quan công an, viện kiểm soát, toà án hỗ trợ rất tích cực. Nhờ dó, nhiều quyết định thu giữ tài sản bảo đảm nợ vay do VAMC đã được thực hiện thành công.

Hay như, khi chuyển nhượng tài sản bảo đảm đó cho bên thứ ba thì việc hoàn thiện thủ tục cho các chủ đầu tư mới rất nhanh, đúng luật và không bị vướng bởi các luật và quy định khác như trước.

Đáng chú ý, ở một số địa phương mà các ngân hàng đang vướng mắc về xử lý tài sản bảo đảm nợ xấu, lãnh đạo chính quyền sở tại đã khuyên các ngân hàng này nên phối hợp với VAMC để xử lý sẽ nhanh hơn. Có thể nói, Nghị quyết 42 đã tháo gỡ nhiều ách tắc trong xử lý tài sản bảo đảm.

- Thưa ông, từ thời điểm Nghị quyết 42 được áp dụng đến nay, tỷ lệ vụ việc kéo nhau ra toà tăng/giảm như thế nào?

- Giảm rất nhiều. Bởi lâu nay, khi khách hàng chây ỳ, không hợp tác, ngân hàng chỉ còn cách là đưa vụ việc ra toà. Nhưng nay, chỉ cần VAMC thông báo vụ việc xử lý nợ vay đến khách hàng thì thái độ hợp tác của họ khác ngay. Cũng là cái thông báo đó nhưng nếu ngân hàng gửi đi khác với VAMC vì chúng tôi là công cụ xử lý nợ xấu của Nhà nước.

Cùng đó, công tác phối kết hợp giữa VAMC với toà án các cấp cũng diễn biến theo chiều hướng tích cực. Định kỳ hàng tháng, hàng tuần, chúng tôi luôn thông tin kịp thời tới ngành toà án, trong đó có Toà án cấp cao và ngành thi hành án những vụ việc kéo dài, vụ việc đang xử lý nhưng chưa dứt điểm để họ nắm được. Chẳng hạn vụ việc đã xử lý sơ thẩm, phúc thẩm, đã chuyển sang thi hành án hay chưa và những vụ việc này được thống kê chi tiết.

Chúng tôi có hẳn một đội ngũ luật sư giỏi tới hàng chục người, đủ khả năng am hiểu những vấn đề khúc mắc pháp lý để kiến nghị với các ngành toà án, thi hành án để giải quyết những vướng mắc trong xử lý nợ. Cũng nhờ cách làm như vậy mà rất nhiều vụ việc chỉ trong một tháng là xử lý xong; từ đó, các tổ chức tín dụng cũng tin tưởng VAMC và hợp tác chặt chẽ hơn. Trước đây 10 vụ ngân hàng đòi nợ thì chỉ có 2 vụ tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm nhưng nay thì ngược lại.

- Khi xây dựng Nghị quyết 42, chuyên gia từng khuyến cáo: có những trường hợp vay và thế chấp nhà ở, Nhà nước nên xoá nợ thay vì thu hồi bởi có nhiều hộ 3 – 4 thế hệ ở một chỗ. Qua một thời gian thực hiện, ông thấy vấn đề này như thế nào?

- Thực tế việc thu nợ ở các tổ chức tín dụng có những trường hợp như vậy nhưng ở VAMC thì khác. Bởi chúng tôi chỉ mua những khoản nợ lớn, ít nhất từ 3 tỷ trở lên. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đã vay mượn thì phải sòng phẳng, các ngân hàng cũng phải đi vay để cho vay, nếu cứ xoá với khoanh như vậy thì cũng rất khó cho ngân hàng.

chu tich vamc nguyen tien dong xu ly no xau da bot keo nhau ra toa

VAMC đã tổng hợp được 263 vụ việc vướng mắc trong quá trình khởi kiện với tổng số tiền khách hàng còn nợ tính theo đơn khởi kiện là 4.007 tỷ đồng và 355 vụ việc phải thi hành án trên toàn quốc với tổng số tiền phải thi hành án là 3.122 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất Toà án Nhân dân tối cao, Tổng cục Thi hành án dân sự có chỉ đạo toà, cục thi hành án địa phương giải quyết.

(Ông Nguyễn Tiến Đông, chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC).

Xem thêm

Nguyễn Hoài