|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã tới đảo Đài Loan bất chấp đe dọa của Trung Quốc

22:49 | 02/08/2022
Chia sẻ
Máy bay chở Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã hạ cánh xuống đảo Đài Loan vào tối 2/8, bất chấp những lời cảnh báo gay gắt từ chính phủ tại Bắc Kinh suốt mấy ngày qua.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ hạ cánh xuống Đài Loan tối 2/8. (Ảnh: Bloomberg).

Hãng tin NPR dẫn nguồn thân cận với bà Pelosi cho biết Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã hạ cánh xuống đảo Đài Loan vào tối 2/8 theo giờ địa phương. Bà Pelosi dự kiến sẽ gặp bà Thái Anh Văn - nhà lãnh đạo Đài Loan, cũng như nhiều chính trị gia của hòn đảo này.

Máy bay chở Chủ tịch Hạ viện Mỹ đáp xuống Đài Loan bất chấp những lời đe dọa và cảnh báo mạnh mẽ từ chính phủ Trung Quốc ở Bắc Kinh.

Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lo ngại chuyến thăm của bà Pelosi sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng giữa hai bờ eo biển Đài Loan và làm cho mối quan hệ Mỹ - Trung vốn đã căng thẳng lại càng thêm xấu đi.

Trước khi bà Pelosi hạ cánh, Trung Quốc đã cử hai máy bay chiến đấu Su-35 bay đến đường ranh giới trên eo biển Đài Loan để tỏ thái độ phản đối chuyến thăm, đài truyền hình quốc gia CCTV cho hay. Nhiều tàu chiến của Trung Quốc cũng đến sát đường ranh giới giữa eo biển. Máy bay chiến đấu của Đài Loan được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Chuyến đi của bà Pelosi đến Đài Loan không được thông báo trước và là một phần trong chuyến công du nhiều nước châu Á bao gồm Singapore, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bà Pelosi là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới đảo Đài Loan kể từ chuyến thăm năm 1997 của Chủ tịch Hạ viện khi đó là ông Newt Gingrich.

Trong hệ thống chính trị Mỹ, Chủ tịch Hạ viện là người đứng thứ 2 trong thứ tự kế vị tổng thống. Nếu Tổng thống Joe Biden gặp bất cứ vấn đề gì dẫn tới không thể điều hành đất nước, Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ nắm quyền thay thế.

Nếu cả ông Biden và bà Harris đều không thể đảm nhiệm vai trò Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sẽ giữ vị trí lãnh đạo cao nhất. Vì vậy, chuyến thăm của bà Pelosi tới đảo Đài Loan kéo theo nhiều hàm ý chính trị đối với các bên.

Đảo Đài Loan nằm về phía đông của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. (Nguồn: Financial Times)

Thị trường chứng khoán Mỹ biến động không quá mạnh sau thông tin về chuyến thăm của bà Pelosi được đăng tải. Tính đến 22h42 theo giờ Việt Nam, chỉ số S&P 500 và Dow Jones giảm lần lượt 0,05% và 0,45%. Nasdaq Composite tăng 0,21%.

"Sự mập mờ chiến lược" của Mỹ trong vấn đề Đài Loan

Năm 1949, lực lượng Quốc dân Đảng thất bại trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc đại lục và quyết định rút lui tới đảo Đài Loan rồi bắt đầu quản lý hòn đảo này.

Ban đầu, Mỹ công nhận Đài Loan là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc. Đến năm 1979, Mỹ áp dụng chính sách “một Trung Quốc" và thay đổi công nhận ngoại giao từ chính phủ ở Đài Bắc sang chính phủ ở Bắc Kinh.

Phía Washington nắm được lập trường của Bắc Kinh rằng đảo Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Tuy nhiên, Washington chưa bao giờ ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Đài Loan. Cùng với đó, Washington cũng không ủng hộ Đài Loan tuyên bố độc lập khỏi Trung Quốc.

Quan điểm không rõ ràng này của Mỹ được biết đến với tên gọi "sự mập mờ chiến lược" và đã được nhiều đời tổng thống Mỹ áp dụng. 

Khi Tổng thống Joe Biden nhiều lần tuyên bố chắc chắn rằng Mỹ sẽ ra tay ứng cứu nếu đảo Đài Loan bị xâm lược, các quan chức khác của Nhà Trắng đã nhanh chóng diễn đạt lại lời ông Biden theo một hướng khác, phù hợp hơn với mong muốn của Trung Quốc và quan điểm "mập mờ chiến lược" của Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ chuyến thăm hoặc trao đổi chính thức nào giữa chính quyền Đài Loan và các nước khác, đồng thời coi chuyến thăm của bà Nancy Pelosi tới hòn đảo này là động thái ủng hộ Đài Loan độc lập.

Ngay sau khi bà Pelosi hạ cánh xuống sân bay tối 2/8, phía Bắc Kinh đã chỉ trích gay gắt. Bộ Ngoại giao Trung Quốc coi chuyến thăm của bà Pelosi là hành động xâm phạm thô bạo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Hôm thứ Tư tuần trước (27/7), Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm với nhau trong nhiều giờ về hàng loạt vấn đề, trong đó có đảo Đài Loan.

Theo phía Mỹ, ông Biden đã cam kết với người đồng cấp Trung Quốc rằng chính sách của Mỹ vẫn không thay đổi và Washington “cực lực phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”.

Cùng ngày 27/7, ông Biden cho biết quân đội Mỹ tin rằng chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi “không phải là một ý tưởng hay vào lúc này”.

Hôm 21/7, bà Pelosi tuyên bố trong một buổi họp báo rằng: “Việc chúng ta thể hiện sự ủng hộ giành cho Đài Loan là rất quan trọng”.

Song Ngọc