|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chính sách nới lỏng tín dụng của Trung Quốc có thể không tác động nhiều tới nhu cầu hàng hóa

16:24 | 09/10/2018
Chia sẻ
Nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc có thể được thúc đẩy từ quyết định nới lỏng điều kiện tín dụng của chính quyền Bắc Kinh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng nó có thể không mang đến động lực lớn như chính sách nới lỏng tiền tệ trước đó.

Hôm 7/10, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố giảm một trăm điểm cơ bản tỉ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) cho các ngân hàng, một động thái tương tự diễn ra hồi tháng 4.

Việc nới lỏng tỉ lệ RRR sẽ bơm ròng 750 tỉ nhân dân tệ (tương đương 109 tỉ USD) vào hệ thống ngân hàng, giúp các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc gia hạn tín dụng.

Các điều kiện nới lỏng tiền tệ được đưa ra nhằm tăng niềm tin đối với nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang hao mòn vì chiến tranh thương mại leo thang với chính quyền Tổng thống Mỹ Doanld Trump.

Theo Reutes, có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang chịu một số tác động tiêu cực từ các hàng rào thuế quan, với giá cổ phiếu chật vật và những chỉ số cụ thể như đầu tư tài sản cố định, có xu hướng suy yếu.

Những năm trước, các điều kiện nới lỏng tín dụng đã khiến hầu hết lượng tiền nhàn rỗi được sử dụng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở, theo đó thúc đẩy nhu cầu đối với nguyên liệu thô như quặng sắt, thép và đồng, cũng như than nhiệt và than đá để cung cấp năng lượng sản xuất chúng.

Một số chuyên gia dự báo, lượng tiền mới được bơm vào nền kinh tế sẽ chảy sang chi tiêu bổ sung của các hoạt động tiêu thụ lượng lớn hàng hóa, như xây đường sắt và chung cư.

chinh sach noi long tin dung cua trung quoc co the khong tac dong nhieu toi nhu cau hang hoa
Ảnh: Asim Hafeez/Financial Review.

Tuy nhiên, cần lưu ý việc giảm tỉ lệ RRR trong tháng 4 không tác động nhiều tới lượng quặng sắt nhập khẩu, với khối lượng duy trì ở mức thấp trong năm nay, và giảm 0,5% trong 8 tháng đầu năm so với cùng kì 2017.

Nhập khẩu than đá duy trì mạnh mẽ tính tới thời điểm này trong năm, nhưng dường như nó phản ánh nhu cầu mạnh mẽ hơn của nhà máy điện nhiệt than, cũng như sản lượng thép cao và những hạn chế sản xuất trong ngành công nghiệp nội địa.

Nhập khẩu hàng hóa bị thu hẹp?

Dữ liệu thương mại chính thức trong tháng 9 vẫn chưa được công bố, nhưng số liệu theo dõi tàu thuyền do Refinitiv tổng hợp gợi ý, nhập khẩu than đá bằng đường biển đã giảm trong tháng.

Nhập khẩu than đá bằng đường biển của Trung Quốc đạt 16,3 triệu tấn trong tháng 9, giảm mạnh từ mức 19,9 triệu tấn trong tháng 8 và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2017, dữ liệu cho thấy.

Nhập khẩu than đá giảm có thể không phải một điều đáng ngạc nhiên khi hiện là mùa trung gian giữa mùa hè và mùa đông, thời điểm nhu cầu điện tăng cao, và mức giá cao có thể khiến một số người mua Trung Quốc chán nản.

Nhập khẩu quặng sắt cũng giảm trong tháng 9, nhưng không nhiều, với dữ liệu từ Refinitiv ước đạt 86,4 triệu tấn, giảm từ mức 87,3 triệu tấn của tháng 8.

Dữ liệu gợi ý nhu cầu đối với quặng sắt của Trung Quốc không bị ảnh hưởng nhiều từ cả cuộc tranh chấp thương mại với Mỹ, hay nỗ lực kích thích trước đó.

Giá quặng sắt tại Trung Quốc cũng hầu như không biến động vì việc nới lỏng tín dụng, với sàn giao dịch hàng hóa tương lai Đại Liên ghi nhận giá quặng sắt tăng nhẹ trong đầu phiên sau khi một tuần nghỉ lễ.

Theo đó, giá quặng sắt đạt 499,5 nhân dân tệ/tấn (tương đương 72,4 USD/tấn) trong đầu phiên giao dịch ngày 8/10, tăng từ gần 493 nhân dân tệ hôm 28/9, nhưng giao dịch quanh mức 494 nhân dân tệ vào giữa phiên.

Điều này có thể cho biết, bất kì sự kích thích nào sẽ cần thời gian để tác động tới hệ thồng và nếu có bất kỳ sự thúc đẩy nào tới nhu cầu hàng hóa, nó sẽ cần vài tháng để hiện thực hóa.

Xem thêm

Lyly Cao