Câu chuyện Grab thâu tóm Uber: Đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh
Tại buổi tọa đàm"Grab thâu tóm Uber, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt" do Báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức ngày 6/4 tại Hà Nội, nhiều vấn đề đã được đặt ra là vì sao các hãng taxi truyền thống cũng như các ứng dụng gọi xe Việt rất khó khăn khi phải cạnh tranh với các hãng nước ngoài và câu chuyện Grab thâu tóm Uber có là cơ hội cho các ứng dụng gọi xe điện tử thuần Việt chinh phục khách hàng?
Tọa đàm "Grab thâu tóm Uber cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt" được tốc chức ngày 6/4 đã đặt ra nhiều vấn đề cho cơ quan quản lý nhà nước cần giải quyết. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN |
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, sự kiện Grab mua Uber thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Việc Grab thành công ở Đông Nam Á, giành lại thị phần của Uber là ví dụ rất sinh động của các doanh nghiệp ở Đông Nam Á.
“Tất nhiên, không có cơ hội nào không bao hàm thách thức. Nhưng tôi cho rằng, cơ hội hiện nay rõ rệt hơn. Câu chuyện của Grab thực sự cổ vũ cho sự sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam trong việc chinh phục thị trường Việt, thậm chí có thể vươn ra các quốc gia khác”, ông Khuất Việt Hùng nhận đinh.
Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, Vụ phó Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải, sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của của taxi công nghệ và các ứng dụng công nghệ gọi xe đã được đề cập nhiều trong thời gian qua. Trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 86 về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đã tham khảo tình hình thực tế tại một số nước trong khu vực.
Điều dễ nhận thấy là thị phần taxi và thị phần gọi xe không bị triệt tiêu hoàn toàn dù mỗi nước có cách quản lý khác nhau. Chẳng hạn tại Thái Lan, taxi vẫn chiếm ưu thế, dù Chính phủ đã cấm dịch vụ gọi xe qua điện thoại nhưng Grab, Uber vẫn tồn tại. Câu trả lời ở đây nằm ở nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.
Trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, điều mong muốn là sẽ có nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia vào cung cấp ứng dụng phần mềm gọi xe, thị trường cạnh tranh hơn, vận tải hiệu quả hơn và người dân được hưởng lợi nhiều hơn.
Còn ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, ngay sau khi Uber và Grab có mặt tại thị trường Việt Nam, taxi truyền thống đã tiếp thu công nghệ và tạo cho mình ứng dụng đặt xe tương tự. Ngay cả các đơn vị nhỏ nhất của Hiệp hội Taxi Hà Nội như: taxi Phù Đổng cũng có ứng dụng đặt xe và được Bộ Giao thông Vận tải cho phép thử nghiệm. Đây cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp taxi truyền thống phải đổi mới chính mình.
Tổng giám đốc Mai Linh miền Bắc Hồ Quốc Phi nhận định, trước đây Uber, Grab hoạt động riêng rẽ và họ gây rất nhiều khó khăn cho ngành taxi, nhưng nay hai doanh nghiệp này kết hợp lại thì dự kiến sẽ còn khó khăn hơn. Vì vậy, ông mong muốn Chính phủ chỉ đạo sát sao từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực để bảo vệ quyền lợi của ngành taxi Việt Nam.
“Mai Linh là 1 trong 7 hãng taxi được Bộ Giao thông Vận tải cho thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, nhưng chúng tôi không thể địch lại được vì Uber, Grab khuyến mại nhiều. Cách khuyến mại như vậy, chúng tôi không thể chạy theo. Chúng tôi thua ở năng lực tài chính”, ông Hồ Quốc Phi chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã giao thông vận tải Toàn Cầu chia sẻ, vấn đề doanh nghiệp quan tâm là việc định danh. Tại sao Grab được định danh là hộ cá thể kinh doanh với nền tảng công nghệ. Nền tảng công nghệ trong hộ cá thể, mức thuế chỉ từ 1 - 5% trong khi các hãng taxi truyền thống phải chịu tới 20%. Sự chênh lệch này là do định danh. Chỉ cần định danh đúng sẽ xác định Grab và taxi phải đóng thuế như thế nào?
“Một điểm nữa là vì sao các hãng taxi thua Grab là do phải đầu tư rất nhiều tài sản, còn Grab thì không. Mỗi tài khoản Grab một ngày chạy xe đều phải nộp phần trăm (tối đa 28% doanh thu về cho hãng) và với 50.000 tài khoản, lượng tiền ròng đổ về khiến Grab tha hồ khuyến mại giá”, ông Tuấn cho hay.
Đề xuất giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Hợp tác xã giao thông vận tải Toàn Cầu Nguyễn Xuân Tuân cho rằng, việc cần làm ngay là xã hội hóa nguồn lực làm taxi và chỉ có như vậy mới cạnh tranh được với Grab.
Ông Hồ Quốc Phi, Tổng giám đốc Mai Linh miền Bắc cho hay, xã hội hóa là câu chuyện rất phổ biến trong ngành taxi. Mai Linh đã xã hội hóa khoảng 50%. Tài xế chạy với Mai Linh, doanh nghiệp không thu phí như Uber, Grab mà thu một khoản cứng phí quản lý và thuế. Nhưng doanh nghiệp thua vì khi không mạnh về tài chính.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty Phương Trang, với chủ trương của Chính phủ kiến tạo và cuộc cách mạng 4.0, chúng ta buộc phải làm thế nào để vận dụng công nghệ vào vận hành quản lý mọi mặt trong xã hội. Những năm qua luôn nóng về chủ đề taxi truyền thống hay Grab/Uber, dịch vụ nào cũng có hai mặt và rất cần chuyển mình để bắt kịp xu hướng của thế giới.
“Về quan điểm của Công ty Phương Trang, vừa rồi chúng tôi ký kết với VIVU để thành lập công ty chuyên hoạt động về công nghệ. Phương Trang cũng hoạt động trong ngành taxi truyền thống và rất hiểu nỗi khổ của ngành taxi, nhưng chúng tôi phải đi tìm cái mới để phù hợp với xu thế. Chúng ta phải nhìn nhận được cái hay để tập trung phát triển”, ông Nguyễn Trí Dũng thông tin.
Tổng giám đốc Mai Linh miền Bắc bày tỏ, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam, Vụ vận tải đang hoàn thiện quy định để trình lên Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Nghị định 86 quy định rõ về loại hình vận tải và doanh nghiệp mong muốn Nghị định 86 được sửa đổi và ban hành với Thông tư hướng dẫn rõ ràng để thực hiện.
Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về vận tải, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, hiện không chỉ doanh nghiệp taxi truyền thống khó khăn mà cả Uber và Grab cũng khó khăn, không phải họ tính toán thôn tính thị trường hay nhiều vấn đề khác.
Thực tế là Uber và Grab đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và buộc phải đổi mới cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn cũng như yêu cầu pháp lý của Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung.
“Theo đó, không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực và trên thế giới đang nỗ lực quản lý để việc triển khai phát triển ứng dụng quản lý công nghệ thông tin đi kèm với kinh doanh vận tải tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh thực sự…”, bà Hiền nói.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ứng dụng công nghệ chỉ là một mặt để người tiêu dùng tiếp cận thị trường đơn giản, nhanh chóng hơn, nhưng phải xem vì sao Grab và Uber nhanh chóng thống lĩnh được thị trường như vậy.
Theo bà Hiền, sau nhiều năm phát triển, thị trường taxi của Việt Nam hiện có hơn trên 50.000 xe, nhưng chỉ trong 3 - 4 năm, Uber và Grab vào thị trường Việt Nam đã lên tới con số hơn 60.000 xe, được người dân đón nhận và nguồn nhân lực cũng được huy động nhanh chóng.
Bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, mong muốn lớn nhất của cơ quan quản lý Nhà nước là hài hòa tất cả lợi ích của người dân, doanh nghiệp và xã hội, các lợi ích này phải được đặt ngang bằng nhau để tạo điều kiện cho tất cả các đối tượng trong khung khổ đạt được mục đích của mình, đó là bài toán khó.
Trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước đang nỗ lực hết sức bảo vệ thị trường vận tải nội địa khi chúng ta ký kết Hiệp định gia nhập WTO, hay trong đàm phán các Hiêp định song phương tại các nước ASEAN.