Cắt margin vì thuế, doanh nghiệp cần cơ chế công bằng
Nhiều doanh nghiệp trên sàn gần đây bị cắt margin |
Nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp đặt câu hỏi, tại sao một vài doanh nghiệp mới đây bị phạt và truy thu thuế như PDR, BHN, SKP… lại không bị cắt margin? Trước đó, đã có hơn 10 doanh nghiệp niêm yết chịu chế tài này theo quy định tại Quy chế hướng dẫn giao dịch kỹ quỹ do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ban hành.
Một số nhà đầu tư nêu quan điểm, phải công bằng trong áp dụng chính sách, không nên để tình trạng cùng một quy định, có cổ phiếu bị cắt margin có cổ phiếu không.
Lý do của sự việc “không công bằng” này, như phản ánh của Báo Ðầu tư Chứng khoán trong số báo trước, là bởi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã tạm dừng thực hiện cắt margin sau khi doanh nghiệp công bố quyết định xử phạt của cơ quan thuế, để chờ xin ý kiến hướng dẫn của UBCK.
Trong văn bản gửi UBCK, Sở đã kiến nghị Ủy ban xem xét sửa đổi quy định này theo hướng phân loại các vi phạm, không áp dụng với những vi phạm về thuế với giá trị nhỏ, vi phạm không cố ý và có tính khách quan do nhận thức khác nhau về quy định thuế giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế…
Ðây là những tình huống diễn ra khá phổ biến khi cơ quan thuế kiểm tra công tác tự kê khai, tự nộp thuế của doanh nghiêp trong thời gian 1 năm hoặc lâu hơn.
Thực tế cho thấy, quyết định dừng áp dụng quy định cắt margin vì doanh nghiệp vi phạm pháp luật thuế mà thiếu đi các tiêu chí để sàng lọc dễ tác động tiêu cực đến thị trường. Không chỉ dừng lại ở mức độ khiến cổ đông, nhà đầu tư của một doanh nghiệp bị cắt margin bị ảnh hưởng, thanh khoản của một cổ phiếu bị suy giảm, mà hơn thế, chế tài này dễ khiến thị trường “đỏ lửa” trong trường hợp một cổ phiếu lớn có khả năng ảnh hưởng đến chỉ số bị cắt dòng margin vì lý do phạt thuế - một lý do ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư. Nhà đầu tư dễ bị thua lỗ oan nếu điều này xảy ra.
Vì vậy, dù chưa thật công bằng trong cách ứng xử của HOSE, nhưng động thái của Sở về việc chưa cắt tiếp margin, chờ quyết định của UBCK là cần thiết, để giữ sự ổn định của TTCK, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Về phía nhà quản lý, để đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông của hơn 10 doanh nghiệp đã bị cắt margin trước đó, UBCK nên sớm xem xét, khôi phục lại dòng tiền margin nếu xét thấy các vi phạm về thuế tại doanh nghiệp là không trọng yếu. Như trường hợp của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, khoản thuế vi phạm chỉ 6 triệu đồng vì ghi sai một tờ hóa đơn, hay tại CTCP Phát triển nhà Thủ Ðức, khoản truy thu và cả phạt cũng chỉ có trăm triệu đồng…
Quy chế giao dịch kỹ quỹ có quy định cắt margin với doanh nghiệp vi phạm thuế có hiệu lực từ 1/4/2017 đã gặp nhiều phản ứng từ thị trường do chưa thật hợp lý. Câu chuyện thực tiễn này cần sớm được xem xét, sửa đổi và quan trọng hơn là cần rút ra kinh nghiệm làm chính sách, làm sao để thị trường chấp nhận và “phục” cách tư duy của nhà quản lý.
Quá trình lấy ý kiến công khai và sát sao với các thành viên thị trường, các đối tượng chịu sự điều chỉnh chính sách cần được tổ chức tốt hơn, để đảm bảo tính khoa học và thực tiễn của các chính sách mới.
Từ trường hợp NHP bị phạt thuế, nhìn sang bất cập trong cách tính khấu hao tài sản cố định Khi một doanh nghiệp bị xử lý vi phạm về thuế, sẽ có không ít các nguy cơ có thể xảy đến kèm theo ngoài ... |
Nhà đầu tư mất tiền tỷ vì bị cắt margin Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất xem xét lại quy định cổ ... |
Kiến nghị sửa quy định vi phạm thuế, cắt margin Theo Quyết định số 87/QĐ-UBCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) về ban hành Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng ... |