Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái: Nguy cơ đội vốn 2.160 tỷ đồng
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái: Khoản vay Trung Quốc kém ưu đãi! | |
Không vay vốn Trung Quốc, Quảng Ninh tự làm cao tốc 16.000 tỷ | |
Đồng ý phương án BOT cao tốc Vân Đồn - Móng Cái |
Đây là dự án được đầu tư theo hình thức BOT, có tổng mức đầu tư dự kiến 16.002 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư 13.444 tỷ đồng, nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) 2.558 tỷ đồng.
Suất đầu tư quá đắt đỏ
Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thực hiện theo hình thức PPP, dạng hợp đồng BOT, đã được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Đây là dự án cao tốc loại A, quy mô đầu tư 4 làn xe, có chiều dài toàn tuyến khoảng 90km, tốc độ thiết kế 100km/h. Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn, kết nối các tỉnh ven biển và các tỉnh miền núi phía Bắc với các khu kinh tế, khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng… trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Ảnh minh họa. |
Thực tế những năm qua, thông qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ KH-ĐT đã phát hiện hàng loạt dự án BOT đội vốn tới cả ngàn tỷ đồng. Về tổng mức đầu tư dự án, theo Bộ KH-ĐT việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi (NCKT) của dự án cần tính toán, bổ sung tổng vốn đầu tư để làm cơ sở tính toán chính xác phương án tài chính dự án theo quy định Thông tư 02/2016/TT-BKHĐT của Bộ KH-ĐT, Thông tư 55/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, việc tính toán tổng mức đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cần tuân thủ Quyết định 706/QĐ-BXD ngày 30-6-2017 của Bộ Xây dựng về công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình, giá xây dựng tổng hợp bộ phân kết cấu công trình năm 2016.
Cụ thể, với cao tốc 4 làn xe như Vân Đồn - Móng Cái, suất vốn đầu tư là 122,9 tỷ đồng/km và định mức chi phí xây dựng hơn 100 tỷ đồng/km. Suất vốn đầu tư này chưa bao gồm các chi phí xử lý có tính riêng biệt của mỗi dự án, như chi phí xử lý nền đất yếu, các công trình kiên cố đặc biệt. Trong khi đó, trong báo cáo NCKT dự án được tỉnh Quảng Ninh gửi đến Bộ KH-ĐT, suất đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được tính toán 146,69 tỷ đồng/km, đắt hơn quy định khoảng 24 tỷ đồng/km. Và với chiều dài 90km, tổng mức đầu tư tuyến cao tốc này có thể đội vốn khoảng 2.160 tỷ đồng.
Vì vậy, Bộ KH-ĐT đã đề nghị tỉnh Quảng Ninh rà soát lại cách tính suất đầu tư dự án, phương án thiết kế, quy mô vốn đầu tư dự án cho hợp lý, bảo đảm hiệu quả đầu tư, phù hợp với định mức kinh tế kỹ thuật được Bộ Xây dựng công bố.
Trong trường hợp vì lý do dự án có tính riêng biệt, điều kiện địa hình, vận chuyển đặc biệt khó khăn, đề nghị cần nêu rõ trong thuyết minh báo cáo NCKT, hoặc phụ lục kèm theo. Hơn nữa, hợp đồng BOT dự án cần quy định cụ thể các trường hợp được điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng công trình khi chi phí thực tế lớn hơn tổng mức đầu tư ước tính.
Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được tỉnh Quảng Ninh thuê Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) làm tư vấn khảo sát, lập báo cáo NCKT vào tháng 6-2017. Chi phí thuê tư vấn TEDI khoảng 31,44 tỷ đồng. Đây là đơn vị tư vấn uy tín trong lĩnh vực giao thông, từng thực hiện khảo sát, lập nhiều dự án cao tốc trên cả nước những năm qua.
Làm rõ phương án tài chính
Bộ KH-ĐT cho biết, thuyết minh báo cáo NCKT dự án đã nêu kết quả tính toán các chỉ tiêu tài chính dự án gồm 2 phương án, nhưng chưa kiến nghị lựa chọn phương án cụ thể. Bộ này đề nghị báo cáo NCKT cần đề xuất, lựa chọn một phương án cụ thể, để có cơ sở lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư BOT thực hiện cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Mặt khác, Bộ KH-ĐT cũng đề nghị tỉnh Quảng Ninh cần tham khảo thêm mức lãi suất cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại tại thời điểm đàm phán hợp đồng, bảo đảm nguyên tắc lãi suất vốn vay thực hiện dự án không vượt quá lãi suất trung bình cho vay trung và dài hạn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước, theo quy định tại Thông tư 75/2017/TT-BTC. Khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, mức lãi suất vốn vay được xác định trên cơ sở hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư trúng thầu.
Bộ KH-ĐT cũng đề nghị hợp đồng dự án BOT Vân Đồn - Móng Cái không quy định nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo lãnh doanh thu tối thiểu, do việc thực hiện nghĩa vụ này sẽ tạo nhiều rủi ro cho Chính phủ, khó khả thi trong việc bảo đảm thực hiện.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13, kể từ ngày 1-1-2017 việc thu phí giao thông đường bộ hoàn vốn cho dự án BOT được thực hiện theo cơ chế giá. Do đó, đề nghị tỉnh Quảng Ninh điều chỉnh khái niệm “thu phí”, “trạm thu phí” thành “thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ” và “trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ”.