|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các vụ tiền tiết kiệm 'bốc hơi' có điểm chung gì?

15:10 | 25/03/2018
Chia sẻ
Gửi tiết kiệm ngân hàng được cho là phương thức lưu giữ, đầu tư an toàn nhất cho tiền của người dân. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, những vụ mất tiền liên tiếp xảy ra.
cac vu tien tiet kiem boc hoi co diem chung gi TGĐ TPBank 'mách nước' gửi tiền tiết kiệm an toàn tại ngân hàng
cac vu tien tiet kiem boc hoi co diem chung gi Bí quyết gửi tiết kiệm để tiền không bị 'bốc hơi'

Không ít vấn đề được đặt ra trong các vụ mất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng trong thời gian gần đây. Từ pháp lý, quan hệ tín dụng, trách nhiệm, lợi ích của đôi bên cho đến niềm tin của khách về "vùng an toàn".

Gửi tiền ở ngân hàng, rút tiền ở tòa

Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây đã có hàng chục vụ mất tiền, vàng tiết kiệm của khách hàng.

Đến nay, kết cục của phần lớn các sự cố này vẫn đang là một hành trình đòi tiền lỡ dở và yếu tố pháp lý ngày một bị đẩy xa hơn. Khách hàng mở sổ ở ngân hàng nhưng khi mất tiền, con đường bồi hoàn lại thông qua tòa án.

Trong vụ mất tiền lớn nhất (245 tỷ đồng) được phát giác trong năm 2018, bà Chu Thị Bình, người gửi sổ tiết kiệm tại Eximbank, tỏ ra khá mệt mỏi với hành trình đi đòi bồi hoàn.

"Ngân hàng phải chịu trách nhiệm chứ tôi không ra tòa để đòi tiền của tôi, mà ra tòa là tòa gì ngân hàng phải giải thích. Tôi cho rằng quy trình quản lý tiền gửi của ngân hàng là không hợp lệ, tiền tôi gửi ngân hàng thì ngân hàng phải trả chứ không thể đẩy trách nhiệm sang tòa án. Ngân hàng chờ đợi điều gì? Kết luận thanh tra đã có nhưng tiền của tôi thì chưa", là những bức xúc của khách.

cac vu tien tiet kiem boc hoi co diem chung gi

Trước đó, vụ việc 17 khách gửi tiền mất 400 tỷ đồng tại Ocean Bank chi nhánh Hải Phòng là một trong những vụ cán bộ ngân hàng chiếm đoạt tiền của khách lớn nhất gần đây.

Liên quan đến vụ việc, đã có 3 cán bộ của Ocean Bank chi nhánh Hải Phòng bị khởi tố vì đã lừa đảo khách hàng mở sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 400 tỷ đồng nhưng số tiền này không có trong hệ thống ngân hàng. Con đường đòi lại số tiền này cũng dẫn khách hàng đi đến tòa án.

Hay xa hơn, vụ việc 26 tỷ đồng trong tài khoản Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển Quang Huân mở tại VPBank "biến mất". Tháng 2 vừa qua, khách hàng cho hay muốn đưa vụ việc ra toà.

Một vụ việc khác liên quan đến Ngân hàng Việt Á là khách ở miền Tây “tố” gửi 5 sổ tiết kiệm hơn 43,5 tỷ đồng nhưng tiền “biến mất” và khách đi kêu kiện khắp nơi. Tháng 9/2016, khách hàng Ngô Phương Anh (Đà Lạt) gửi đơn tố cáo nguyên giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ, chi nhánh Tây Hồ của BIDV chiếm đoạt 32 tỷ đồng.

Bên cạnh những mất tiền điển hình này, hàng chục vụ mất tiền trong tài khoản tiết kiệm đều phải trải qua chặng cuối của bồi hoàn là ra tòa. Gửi tiền một nơi, lấy tiền một nẻo và thời hạn kéo dài đang khiến khách hàng bị động hoàn toàn với tiền gửi của mình.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm nhìn nhận các ngân hàng trên thế giới dù trang bị hệ thống bảo mật mạng hiện đại, một hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ nhiều năm qua nhưng trên thực tế vẫn có những sơ hở (dù nhỏ).

Khi sự cố xảy ra, kinh nghiệm các ngân hàng trên thế giới là không đổ lỗi cho khách hàng, bởi khi nhận tiền gửi vào của khách, trách nhiệm và nghĩa vụ đầu tiên của NH là phải áp dụng các biện pháp an toàn đảm bảo tiền của khách không bị thất thoát.

“Nếu tiền bốc hơi mà không có chữ ký của khách hàng, ngân hàng trích từ quỹ rủi ro bồi thường trước, lỗi phải của ai sẽ làm rõ sau đó”, ông cho biết.

Quan hệ tín dụng với pháp nhân hay cá nhân?

Sau nhiều phiên làm việc với ngân không đi đến kết quả, bà Chu Thị Bình tỏ ra bức xúc: “Quan hệ tín dụng chỉ là giữa tôi và ngân hàng chứ không phải giữa tôi và ông Lê Nguyễn Hưng (nguyên lãnh đạo Eximbank lấy tiền bỏ trốn)". Bà cho rằng chức năng cơ bản của ngân hàng là nhận và quản lý tiền gửi của khách hàng, ngân hàng phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của nhân viên.

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho biết: “Có thể nói có đến 99% các vụ việc mất tiền gửi, ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường, cho dù khách hàng có thể có một số sơ hở, thiếu sót thậm chí là vi phạm, sai trái nào đó. Vì nguyên nhân chính yếu dẫn đến mất tiền thường là do lỗi và sai phạm của chính các cán bộ, nhân viên ngân hàng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao là huy động vốn của khách hàng gửi tiền”.

Điều 87 về “Trách nhiệm dân sự của pháp nhân”, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định pháp nhân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện. Điều này cũng tương tự trong lĩnh vực hành chính, đó là Nhà nước phải bồi thường theo Luật Bồi thường của Nhà nước năm 2017 khi cán bộ, công chức làm sai, sau đó mới xử lý trách nhiệm của cá nhân.

“Như vậy, việc ngân hàng đẩy trách nhiệm bồi thường cho cá nhân không phải là lỗi từ quy định của Ngân hàng Nhà nước hay của pháp luật, mà là do việc cố tình hiểu nhầm lẫn bản chất của vấn đề, sai lầm về nguyên lý phân định trách nhiệm và việc áp dụng không đúng quy định pháp luật", ông Trương Thanh Đức cho hay.

Mất tiền và cái giá của niềm tin

Quá nhiều vụ việc mất tiền xảy ra, với số lượng lên đến hàng nghìn tỷ đồng đã cho thấy các ngân hàng đang có những lỗ hổng quản trị rủi ro tiền gửi nghiêm trọng.

Theo ý kiến của một chuyên gia tài chính, nhiều trường hợp người gửi tiền có lỗi khi thiếu cẩn trọng trong việc ký vào những chứng từ mà nhân viên ngân hàng đưa cho.

Những tờ giấy có chữ ký khống của người gửi tiền này sau đó đã được sử dụng trong việc chiếm đoạt tiền của chính người gửi. Việc xác định sai quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân khiến họ đặt niềm tin vào các cán bộ trục lợi từ sự lỏng lẻo của hệ thống.

"Nhưng không thể phủ nhận trách nhiệm của ngân hàng. Ngân hàng phải kiểm soát việc rút tiền qua nhiều quy trình, nhiều bậc, nhằm đảm bảo người rút tiền là 'chính chủ' hay không. Nếu theo đúng quy trình khắt khe của hoạt động ngân hàng thì không dễ gì tiền bị thất thoát. Chỉ có sự lỏng lẻo hoặc có sự câu kết của nhân viên phụ trách mới dẫn đến khủng hoảng chữ ký ở ngân hàng như hiện nay", vị này nói.

Mấu chốt để ngăn chặn tình trạng mất tiền là phải quy được trách nhiệm bồi thường khách hàng cho pháp nhân ngân hàng thay vì trách nhiệm của các cá nhân sai phạm. Đó là cách để ngân hàng siết chặt hơn với các quy định về quản trị rủi ro đồng thời gỡ bỏ nhiều “cạm bẫy” trong mối quan hệ tín dụng giữa họ và khách hàng.

Bình Nguyên