|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Brexit và Việt Nam

07:07 | 09/12/2017
Chia sẻ
Trong quý 2 và quý 3, kinh tế Anh đã có chút khởi sắc sau khi quốc gia này quyết định rời khỏi EU (Brexit). Tuy nhiên, nếu so với kinh tế của các quốc gia còn lại của EU, thì kinh tế quốc gia này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Trong cuộc họp báo sáng 8/12, Thủ tướng Anh đã xác nhận sẽ không tồn tại bất kỳ đường biên giới "cứng” nào giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland sau Brexit.

brexit va viet nam
Doanh nghiệp Anh giới thiệu công nghệ và sản phẩm giáo dục của mình cho các đối tác Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác (Ảnh: BBGV)

Khơi thông bế tắc Brexit

Theo Viện Kiểm định Nhà nước Anh cho thấy, thị trường nhà ở Anh đã rơi vào tình trạng trì trệ, với ít người tìm mua nhà mới và giá nhà đất gần như không tăng. Cuộc khảo sát của các chuyên gia về lĩnh vực bất động sản cũng cho thấy chỉ có 1% người mong đợi giá nhà sẽ tăng trên toàn quốc, giảm từ 6% trong tháng 9.

Trong khi đó, đồng bảng Anh đã giảm khá mạnh sau Brexit, từ mức 1,5 USD vào tháng 6/2016 xuống tới 1,19 USD vào tháng 1/2017. Trong những tháng gần đây, bảng Anh đã phục hồi trở lại nhưng đến nay vẫn còn thấp hơn khoảng 13% so với USD tính từ thời điểm Brexit.

Tuy nhiên, đồng bảng Anh yếu đi kể từ Brexit đã làm tăng xuất khẩu của quốc gia này. Điều này đã giúp giảm dần thâm hụt ngân sách của quốc gia này. Theo đó, thâm hụt ngân sách quý 3 của Anh đã giảm xuống còn 11 tỷ bảng Anh so với mức 12,7 tỷ bảng của quý 2.

Nhờ vậy, kinh tế Anh đã phục hồi nhẹ trở lại sau Brexit. Nếu như GDP quý 1 chỉ đạt 0,2%, thì đến quý 2 và quý 3 đã tăng lần lượt 0,3% và 0,4%.

Sau cuộc họp sáng ngày 8/12, Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã đạt được thỏa thuận tiến trình đàm phán Brexit giai đoạn hai – giai đoạn chuyển giao mối quan hệ thương mại tương lai giữa hai bên, sau khi đã gỡ bỏ được rào cản cuối cùng về vấn đề biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Theo dự kiến, thỏa thuận nói trên sẽ được Lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU xem xét thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức vào ngày 14 và 15/12 tại Brussels. Với những bước tiến này, các cuộc đàm phán giữa Anh và EU về thương mại và giai đoạn chuyển tiếp sau Brexit sẽ có thể được khởi động vào đầu năm 2018.

IMF cho rằng, Brexit có thể đã "ngáng đường" dự báo của định chế tài chính này về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. “Ảnh hưởng của Brexit đối với Anh là lớn nhất, nhưng chưa có đủ thông tin để thực hiện một đánh giá đầy đủ về những tác động của nó đối với kinh tế toàn cầu”, IMF cho biết.

Theo IMF, Brexit có thể sẽ làm gia tăng đáng kể tình trạng bất ổn kinh tế, chính trị và thể chế, mà giới chuyên gia dự kiến sẽ có những tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt ở các nền kinh tế của châu Âu.

Tác động đến kinh tế Việt Nam

Hiện tại, Brexit sẽ chưa có nhiều tác động tới quan hệ kinh tế Việt Nam, do trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, Anh chiếm tỷ trọng không lớn. Hiện vốn FDI của Anh vào Việt Nam đạt 4,2 tỷ USD, chiếm 1,5% tổng vốn đăng ký FDI của Anh vào Việt Nam. Vì vậy, dù Anh không tham gia vào các cơ chế FTA giữa Việt Nam và EU, thì thị trường Anh cũng không có nhiều tác động tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, việc Anh rời EU sẽ làm chậm lại tiến trình tự do hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, do vậy ảnh hưởng tới quá trình hội nhập của kinh tế Việt Nam.

Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức kết thúc đàm phán vào ngày 02/12/2015 và văn bản hiệp định đã được công bố ngày 01/02/2016. Hiện nay, Việt Nam và EU đang nỗ lực hoàn tất quá trình phê chuẩn để EVFTA có hiệu lực vào năm 2018. Brexit có thể sẽ khiến cho việc ký kết Hiệp định này bị ảnh hưởng. Việt Nam nhiều khả năng sẽ phải đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương với Anh nếu như Anh chính thức rời EU.

EU là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam, do vậy việc Anh rời EU sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai bên. Hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU có tính bổ sung cho nhau khá cao, hứa hẹn còn nhiều tiềm năng cho mỗi bên.

Do vậy, trong trung hạn, xuất khẩu của Việt Nam sang EU dự báo sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do thị trường EU bị thu hẹp và tăng trưởng kinh tế tại các nước EU còn lại suy giảm. Đầu tư từ EU sang Việt Nam dự báo cũng yếu đi do tiềm lực tài chính của các nước EU suy yếu khi Anh rời khỏi khối.

Trong khi đó, Việt Nam cũng khó có thể trở thành địa điểm đầu tư thay thế khi các nhà đầu tư EU chuyển hướng đầu tư ra khỏi Anh, do sự khác biệt lớn giữa kinh tế Việt Nam với nền kinh tế Anh. Những tác động tiêu cực này sẽ làm giảm bớt những tác động tích cực mà EVFTA có thể sẽ mang lại cho mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với EU.

Như vậy, tác động của Brexit tới quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Anh không lớn, song giữa Việt Nam và EU là đáng kể. Theo đó, dòng vốn FDI của EU vào Việt Nam sẽ suy giảm so với kịch bản Anh không rời EU, do nền kinh tế EU suy giảm, khiến dòng vốn FDI toàn cầu bị gián đoạn bởi Brexit.

brexit va viet nam Anh và EU phá vỡ bế tắc, thẳng tiến vòng đàm phán quyết định Brexit

Nước Anh và Liên minh Châu Âu (EU) vừa tiến thêm một bước quan trọng trong tiến trình Brexit, mở đường cho vòng đàm phán ...

Mai Hương