|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

BoJ tăng lãi suất nhưng nền kinh tế Nhật Bản vẫn là tấm gương cảnh báo đến thế giới

11:41 | 21/03/2024
Chia sẻ
Quyết định tăng lãi suất của BoJ cho thấy các nhà hoạch định chính sách tin rằng Nhật Bản đã thoát khỏi giảm phát. Tuy nhiên, nước này vẫn còn nhiều rắc rối lâu năm khác phải giải quyết, bao gồm lãi suất thực và tăng trưởng kinh tế thực thấp, tỷ lệ nợ công cao.

Một tờ tiền Nhật Bản. (Ảnh: Reuters). 

Bước ngoặt lớn

Trong phần lớn thế kỷ 21, nền kinh tế thế giới có vẻ ngày càng giống Nhật Bản. Các đặc điểm của Nhật Bản là gì? Đó là tốc độ tăng trưởng thấp, lạm phát dưới mục tiêu của ngân hàng trung ương, lãi suất chạm đáy. Còn hiện giờ, câu hỏi là Nhật Bản sẽ giống phần còn lại của thế giới đến mức nào.

Hôm 19/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định tăng lãi suất ngắn hạn từ -0,1% lên khoảng 0 - 0,1%. Đây là lần nâng lãi suất đầu tiên của BoJ kể từ năm 2007. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lạm phát cuối cùng cũng bám được rễ vào nền kinh tế. 

BoJ cũng hủy bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất. Đây là công cụ mà các nhà hoạch định chính sách sử dụng để giới hạn lợi suất trái phiếu dài hạn ở mức 1%. Sau khi duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng trong nhiều năm, Nhật Bản đã bắt đầu đi theo con đường mà các nền kinh tế khác theo đuổi kể từ khi lạm phát tăng nóng. 

 

Đây là khoảnh khắc đáng chú ý. Trong một thập kỷ trước năm 2022, chỉ có 12 tháng lạm phát ở Nhật Bản cao hơn 2%. Còn hiện tại, tỷ lệ lạm phát ở Nhật Bản đã vượt qua mức mục tiêu trong 22 tháng liên tiếp.

Các doanh nghiệp lớn nhất Nhật Bản gần đây đã đồng ý tăng lương cho người lao động thêm 5,3% - con số không tưởng trước khi lạm phát thế giới tăng vọt hậu COVID.

Thị trường có vẻ cho rằng Nhật Bản đã thoát khỏi tình trạng giảm phát từng đeo bám nước này gần 30 năm. Chứng khoán Nhật Bản đang bùng nổ. Gần đây, chỉ số Nikkei 225 đã phá vỡ kỷ lục thiết lập vào năm 1989. Các nhà đầu tư cũng lạc quan về nền kinh tế.

Đừng vội mừng

Song, theo tờ Economist, Nhật Bản vẫn còn nhiều rắc rối lâu năm phải giải quyết. So với các thước đo danh nghĩa về lạm phát, lãi suất và tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán, các thước đo thực tế - tức là sau khi điều chỉnh cho lạm phát - còn quan trọng hơn.

Nếu nhìn vào các con số thực, chúng ta có thể thấy mức tăng lãi suất danh nghĩa thực chất cũng không mang nhiều ý nghĩa.

Các quan chức BoJ tin tưởng rằng họ có thể duy trì lạm phát ở mức mục tiêu 2% trong thời gian dài. Con số này cao hơn 1,4 điểm % so với tỷ lệ lạm phát trung bình giai đoạn 2011 - 2021. Trong khi đó, lãi suất ngắn hạn của BoJ chỉ tăng 0,1 - 0,2% - đồng nghĩa lãi suất thực đã đi xuống. 

Hơn nữa, các quan chức ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng phát tín hiệu sẽ duy trì các điều kiện tài chính “thích ứng” và tiếp tục mua một số trái phiếu.

Lãi suất thực thấp cho thấy thực tế là những người cao tuổi Nhật Bản đang có lượng tiền tiết kiệm dồi dào. Trong khi đó, nhóm người cao tuổi lại chiếm đến 30% dân số. 

Giới doanh nghiệp không tận dụng được lãi suất thực thấp một cách hiệu quả, bởi một quốc gia có dân số trên đà giảm không có nhiều nhu cầu cho các khoản đầu tư tài sản dài hạn.

Bài toán nhân khẩu học và thực tế là Nhật Bản không muốn mở cửa với dân nhập cư cũng kìm hãm khả năng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán trong 4 năm tới, trung bình mỗi năm GDP của Nhật Bản chỉ tăng thêm 0,5%, kém xa mức 2% của Mỹ. Từ những con số này, chúng ta khó có thể nói rằng Nhật Bản đang trỗi dậy lần nữa.

Yếu tố quan trọng khác là mức nợ công lớn của Nhật Bản. Tỷ lệ nợ/GDP của Nhật Bản là 255%, tỷ lệ sau khi trừ đi tài sản tài chính của chính phủ là 159%. Cả hai tỷ lệ đều thuộc hàng cao nhất trong các nước giàu.

Kể cả với mức lãi suất thấp, chính phủ Nhật Bản cũng phải dành 9% ngân sách để trả lãi vay. Nhật Bản không thể chịu được chiến dịch tăng lãi suất quyết liệt như Mỹ. Bắt đầu từ tháng 3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất từ 0 lên khoảng 5,25 - 5,5%.

Trước khi lãi suất ở Nhật Bản leo lên được tầm cao tương tự, chính phủ cần phải giảm được thâm hụt ngân sách - tương đương khoảng 5,6% GDP năm 2023. Trong giai đoạn này, nền kinh tế sẽ hạ nhiệt vì chính phủ thắt lưng buộc bụng, chứ không phải vì ngân hàng trung ương tăng lãi suất.

Chính sách tiền tệ và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản sẽ tiếp tục khác biệt với các nước khác, chỉ trừ khi phần còn lại của thế giới trở nên giống Nhật Bản.

Giang