Bộ Xây dựng lý giải thoái vốn Viglacera với giá 26.100 đồng/cp
Bộ Xây dựng muốn thoái gần 81 triệu cp Viglacera, ước thu về tối thiểu 2.100 tỷ đồng |
Chia sẻ tại Hội thảo Thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC), ông Luyện Công Minh - Chủ tịch HĐQT Viglacera cho hay, mức giá thoái 26.100 đồng/cp được xác định theo Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, có hiệu lực từ tháng 5/2018.
Hội thảo Thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty Viglacera chiều 25/5. (Ảnh: AD) |
Trong đó, quy định khi bán cổ phần Nhà nước bắt buộc phải xác định giá cổ phiếu chứ không thể lấy giá hiện tại để bán, do đó có việc xác định lại giá trị doanh nghiệp để hình thành nên giá trị cổ phiếu bán ra. Việc tính giá cổ phiếu không những xác định trên giá trị tài sản mà còn tính các lợi thế tương lai của những dự án, do đó mới hình thành nên giá cổ phiếu trong tương lai để bán.
Đối với phương thức khớp lệnh, lãnh đạo Viglacera giải thích, tại Nghị định 91 quy định các đơn vị đã niêm yết hoặc giao dịch UPCoM sẽ thực hiện khớp lệnh, nhưng với Nghị định 32 sửa đổi, quy định thêm có thể sử dụng phương thức đấu giá trong trường hợp đơn vị lựa chọn. Ở đây, Bộ Xây dựng xem xét những đơn vị đã niêm yết, số lượng cổ phiếu giao dịch nhiều và việc giao dịch trên thị trường có thanh khoản lớn, tạo thành giá mặt bằng thì áp dụng phương thức khớp lệnh; với đơn vị giao dịch trên UPCoM thanh khoản kém, không hình thành được mặt bằng giá thì mới áp dụng hình thức đấu giá.
Như vậy, Bộ Xây dựng phê duyệt thoái vốn Viglacera theo hình thức khớp lệnh nhằm phù hợp với quy định hiện hành và tình hình cổ phiếu Viglacera.
Đại diện Bộ Xây dựng chia sẻ, trước đây Bộ thoái vốn Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (Mã: DIG) với định giá mà doanh nghiệp đưa ra là 12.000 đồng/cp, trong khi giao dịch trên sàn khoảng 9.000 đồng/cp, đến khi Bộ Xây dựng duyệt thì khống chế không thấp hơn 15.000 đồng/cp. Kết quả cho thấy, giá khớp lên đến 19.200 đồng/cp, chỉ trong 2 phút 49% vốn Nhà nước đã được bán sạch.
Vị đại diện này thông tin, năm 2018 Bộ Xây dựng sẽ thoái 12 công ty, Viglacera từ 53,97% xuống còn 36% theo đúng Quyết định 1232 của Chính phủ; đến năm 2019 tiếp tục thoái về còn 0% Viglacera và 1 số công ty khác như Lilama, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.
4 phương pháp để đưa ra mức giá thoái vốn
Đối với mức giá thoái là 26.100 đồng/cp, Bộ Xây dựng cho hay, đơn vị thẩm định giá Viglacera dựa trên 4 phương pháp. Giá cổ phần tính theo dòng tiền chiết khấu thì Viglacera đạt 11.232 đồng/cp; theo phương pháp so sánh là 21.644 đồng/cp; theo phương pháp tài sản - cũng là phương pháp quan trọng nhất và Chính phủ ưu tiên nhất, giá là 21.599 đồng/cp; theo giá trị thị trường, tính theo giá bình quân của 30 phiên liên tiếp ngay trước ngày công bố thông tin là 24.100 đồng/cp.
Khi Bộ Xây dựng tính toán lại các lợi thế của doanh nghiệp và giá bình quân của 30 phiên liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin bán, Bộ cộng thêm 1.212 đồng để có mức giá thoái 26.100 đồng/cp.
Theo Bộ, giá này không cao, bởi thương hiệu vật liệu xây dựng Viglacera đứng đầu đối với các đơn vị xây dựng; diện tích các khu công nghiệp của Tổng công ty cũng đứng thứ tư với tỷ lệ lấp đầy đứng thứ nhất. Bên cạnh đó, Viglacera có những công ty con năm 2017 trả cổ tức đến 90%. Bộ khẳng định, nhà đầu tư có thể đặt mua không hạn chế số lượng cổ phần, sau 60 ngày, kể từ ngày 22/5, nếu không thoái vốn được hết thì Bộ sẽ nhập số cổ phần không bán hết để thoái trong năm 2019.
Viglacera không tìm đối tác chiến lược trong và sau thoái vốn
Đại diện Tổng Công ty cũng cho biết thêm, Viglacera không tìm đối tác chiến lược, bởi Viglacera có hai mảng kinh doanh với tổng cộng 6 nhóm nhỏ, các nhà đầu tư vào đi sâu từng mảng chứ không vào tất cả, không thể có đối tác chiến lược nào có thể đầu tư sâu tất cả mảng của Viglacera, nên hiện nay Viglacera chưa có đối tác chiến lược. Đợt chào bán này được thực hiện rộng rãi cho mọi nhà đầu tư có tiềm lực, khả năng mua cổ phiếu Viglacera.
Các mảng kinh doanh của VGC |
Viglacera cố gắng tìm đối tác lớn để thời gian giao dịch ngắn nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX cũng khuyến cáo thời gian giao dịch không nên kéo dài. Nhà đầu tư hiện hữu có thể mua thêm, nhà đầu tư mới như quỹ đầu tư có thể tham gia, thời gian giao dịch ngắn để giảm ảnh hưởng thịrtường chung, ông Minh cho biết.
Kết phiên 25/6, cổ phiếu VGC đóng cửa ở 24.300 đồng/cp, thấp hơn giá thoái của Bộ Xây dựng đến 7%. Trong khoảng ba tháng gần đây, thị giá VGC biến động khác mạnh, thời điểm giá cao nhất là 26.000 đồng/cp vào đầu tháng 4, sai đó giảm sâu về 22.700 đồng/cp rồi lại nhanh chóng phục hồi lại mức giá hiện nay.
Cổ phiếu VGC 3 tháng gần đây. (Nguồn: VNDRECT |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/