Bến xe trăm tỷ đi vào hoạt động, mỗi tháng lỗ 1,5 tỷ đồng
Dừng hoạt động bến xe Giáp Bát, Gia Lâm vào năm 2020 |
Bến xe miền Trung (nằm trên địa bàn phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Miền Trung làm chủ đầu tư. Dự án có vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng, diện tích 19.337m2, sức chứa lên đến gần 500 xe, quy mô phục vụ 800 - 1.000 xe xuất bến/ngày đêm.
Bến xe Miền Trung được đầu tư gần 100 tỷ đồng, quy mô phục vụ mỗi ngày từ 800-1.000 xe xuất bến. |
Theo quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Giao thông Vận tải, từ Bến xe Miền Trung sẽ có gần 100 tuyến vận tải hành khách cố định đi đến các tỉnh trong cả nước và đi quốc tế (CHDCND Lào).
Đây là bến xe được thiết kế hiện đại, sử dụng công nghệ, vật liệu thân thiện với môi trường với đầy đủ dịch vụ phụ trợ. Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố Vinh, đưa các hoạt động dịch vụ vận tải, bến bãi ra ngoài thành phố, góp phần giải toả ách tắc giao thông trong nội thành, dự án này nhận được sự ưu đãi đặc biệt của tỉnh Nghệ An.
Khu vực bán vé 18 cửa hiện đại nhưng vắng vẻ, không một bóng người. |
Ngày 2/9/2017, Bến xe Miền Trung chính thức hoạt động đón trả khách. Tuy nhiên, sau gần 4 tháng, bến xe được đánh giá là hiện đại bậc nhất Nghệ An vẫn hết sức vắng vẻ. Mỗi ngày nhân viên chỉ phải làm thủ tục cho vài xe ra – vào bến. Thời gian còn lại là… ngồi chơi.
Tại Trung tâm bán vé 18 cửa, cũng hầu như không có giao dịch nào diễn ra. Mặc dù không có khách nhưng các hoạt động vẫn được duy trì, tiêu tốn không ít điện năng và các chi phí vận hành, bảo vệ khác.
Lý giải về thực tế này, ông Trần Văn Thanh, Tổng giám đốc công ty CP Đầu tư và Phát triển Miền Trung – GĐ Bến xe Miền Trung cho biết bến xe nằm ngoài rìa thành phố, cách xa trung tâm trong khi vẫn chưa có phương tiện công cộng đi qua. Muốn ra bến xe này, hành khách phải đi thêm một chặng xe ôm hoặc tắc xi. Bởi vậy, người dân vẫn lựa chọn bến xe cũ bởi việc trung chuyển thuận tiện và ít tốn kém hơn.
Công văn của Công ty CP đầu tư và Phát triển Miền Trung gửi UBND tỉnh Nghệ An phản hồi việc đối xử không công bằng khiến công ty mỗi tháng lỗ 1,5 tỷ đồng do không có khách |
“Chúng tôi đã cố gắng tiếp thị, tổ chức hội nghị khách hàng và làm việc với từng doanh nghiệp, HTX vận tải, nhà xe và Sở GTVT các tỉnh để đấu nối các tuyến mới. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này mới chỉ có vài chục xe đăng ký bến đỗ, phần lớn là các xe chạy Bắc – Nam dừng nghỉ dọc đường. Bến xe Miền Trung thực sự thu hút được khách chỉ khi bến xe trong nội đô thành phố ngừng hoạt động”, ông Trần Văn Thanh cho biết.
Ngày 8/12/2017, trong công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An, Công ty này cho biết do không có khách, không đảm bảo việc làm cho nhân viên công ty nên từ khi đi vào hoạt động, mỗi tháng công ty chịu lỗ khoảng 1,5 tỷ đồng. “Đây là kết quả của việc đối xử không công bằng của UBND tỉnh Nghệ An với các nhà đầu tư trong cùng lĩnh vực”, Công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An của công ty này nêu rõ.
Công trình Bến xe phía Bắc thành phố Vinh phục vụ việc di dời Bến xe Vinh hiện đang bị đình chỉ thi công do xảy ra tai nạn lao động. Thời hạn chót di dời Bến xe Vinh từ nội đô ra ngoài thành vào tháng 3/2018 sẽ khó đạt chỉ tiêu |
Trước đó, tỉnh Nghệ An đã có quyết định chuyển Bến xe Vinh (thuộc Công ty CP Bến xe Vinh) ra phía Bắc thành phố. Vị trí bến xe hiện tại tại số 77 đường Lê Lợi, TP Vinh được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt chuyển đổi thành dự án bất động sản. Bến xe phía Bắc đã được khởi công từ ngày 19/9/2012, nhiều lần được UBND tỉnh Nghệ An gia hạn nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thì đến ngày 31/3/2018, các bến xe nội đô phải đóng cửa và di chuyển ra ngoài thành phố, trong đó có Bến xe Vinh. Trong khi đó, ngày 26/11 vừa qua công trình bến xe phía Bắc đã bị đình chỉ xây dựng do xảy ra tai nạn trong quá trình thi công khiến 10 người bị thương. Như vậy, thời hạn cuối để di dời Bến xe Vinh ra ngoại đô cũng khó hoàn thành.
Khi bến xe nội đô chưa được di dời thì Bến xe Miền Trung sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng bù lỗ do không có khách.