|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bầu Đức: Trả lời câu hỏi làm thế nào để cổ đông có niềm tin vào lúc này là điều cực kỳ khó!

07:00 | 26/06/2018
Chia sẻ
Ba năm liên tiếp, HAGL đã không còn tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên ở TP HCM, một đại hội ở vùng núi xa xôi Pleiku vẫn luôn thu hút hàng trăm cổ đông đến từ khắp nơi đổ về. Câu hỏi mà nhà đầu tư quan tâm đến HAGL là niềm tin của họ có còn đặt đúng chỗ…
 

"Nhà đầu tư hãy đặt niềm tin vào bản thân tôi và công ty"

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – Mã: HAG) thừa nhận việc trả lời câu hỏi làm thế nào để cổ đông có niềm tin vào lúc này là điều cực kỳ khó. Ông ví HAGL như chiếc thuyền đắm ngoài khơi đang được ông đưa vào bờ an toàn, “nhà đầu tư hãy đặt niềm tin vào bản thân tôi và công ty” là điều mà ông liên tục nhắc đến.

Trước hàng trăm con người không ngại xa xôi đến phiên đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của HAGL, ông Đức chia sẻ: “Bản thân mình mất niềm tin rồi thì sao để cổ đông tin thì hơi khó. Thật sự mà nói, công ty nào, Chủ tịch nào không bao giờ muốn làm mất niềm tin mình. So với cách đây 1 năm, HAGL năm nay đang dần tốt lên. Nợ được cơ cấu, việc phát hành trái phiếu, đàm phán dự án Myanmar đang diễn biến tốt, dòng tiền 2018 xuất hiện để tái đầu tư cho cây ăn trái, đặc biệt là 4.000 ha chuối, chăm sóc diện tích cao su và cây ăn trái đã trồng, chính vì vậy triển vọng 2019 theo hướng tốt”.

Nhưng vấn đề lớn nhất là giá cổ phiếu HAGL vẫn đi xuống, câu hỏi mà cổ đông nhắc đến không dưới ba lần. Ông Đức đáp rằng: “Lý do thật chất trả lời rất khó, không biết vì sao cổ phiếu HAGL đi xuống. Tôi là lãnh đạo biết công ty đang tốt dần lên, doanh thu đi lên, cây trái đang phát triển, tóm lại tất cả diễn biến của HAGL tôi chưa thấy hiện tượng nào xấu như 2016-2017.

Còn cổ phiếu thì theo thị trường, xu hướng, tôi không can thiệp được gì giá cổ phiếu đó. Riêng HAGL năm 2018-2019 phải tốt hơn hai năm trước. Nếu ai còn đang tin tưởng HAGL, hãy tiếp tục tin tưởng tôi và tôi sẽ làm mọi điều tốt nhất cho các bạn. Và người mất nhiều nhất là tôi, với nhiều nghìn tỷ đồng trong hai năm qua, đường nhiên các bạn mất ít nhưng cũng là mất”.

bau duc tra loi cau hoi lam the nao de co dong co niem tin vao luc nay la dieu cuc ky kho
Diễn biến cổ phiếu HAG, HNG từ giữa năm 2015 đến nay. (Nguồn: VNDirect).

Trước thị giá cổ phiếu HAG đang quá thấp, ông Đức cho hay từ nay đến cuối năm, giá HAG sẽ được cải thiện với hai cơ sở. Thứ nhất, HAGL đang có những dự án rất tốt gồm Myanmar, phát hành trái phiếu không chuyển đổi. “Cho nên các bạn hãy chời đợi, nếu có niềm tin tôi nhiều năm nay thì đặt niềm tin 1 năm hay sau 6 tháng cũng không nhiều lắm”, ông Đức nói.

Thứ hai, ông Đức cho biết sẽ không bỏ công ty: “Hôm nay HAGL như chiếc tàu đang đắm ngoài khơi, tôi đã đưa dần vào bờ và cập bến tương đối an toàn. Không có việc gì phải lo, cái lo lớn nhất hiện nay là các loại cây, mất thanh khoản, không có tiền trả trước. Công ty đang tốt dần. Tóm lại tôi kêu gọi nhà đầu tư hãy đặt niềm tin vào bản thân tôi và công ty”.

Ông cũng một mực khẳng định bản thân chỉ có HAGL, 10 năm qua không có công ty nào khác để kiếm lợi, “Nếu HAGL chết thì tôi chết, tôi buộc phải cứu HAGL , dùng tài sản cá nhân để đặt cược vào HAGL. Tôi đang làm hết cỡ, có nhiều người đánh giá thấp về tôi, tôi nghĩ không có Chủ tịch nào cầm tài sản cá nhân để đặt cược cho Công ty. Tôi nỗ lực làm tất cả những gì làm được, các bạn vẫn có niềm tin với tôi”.

Trong tư tưởng không còn có việc bán đất để trả nợ

bau duc tra loi cau hoi lam the nao de co dong co niem tin vao luc nay la dieu cuc ky kho
Bầu Đức chia sẻ với nhà đầu tư bên lề ĐHĐCĐ thường niên 2018 của HAGL vừa qua. (Ảnh: TV).

Bầu Đức cho biết, với tài sản trên 53 nghìn tỷ đồng thì không có gì phải sợ khoản nợ vay trên 22,5 nghìn tỷ đồng. Ông nói: “Cùng lắm bán hết tài sản, nhưng mà khó khăn tạm thời thì nên chấp nhận”.

Song khi được hỏi liệu HAGL có bị ràng buộc gì nếu bán hết khối tài sản, bầu Đức khẳng định đây đều là tài sản thật và chẳng ai rằng buộc. Tuy nhiên hiện tại chuyện bán tài sản không còn trong tư tưởng nữa, “HAGL đang có 100.000 ha đất và không bao giờ trong tư tưởng có việc bán đất khi mà đất càng ngày càng hiếm”, ông Đức nói.

Ông Đức cũng nhắc đến khả năng nếu chơi “bài liều” với khoản nợ trên 22 nghìn tỷ đồng, HAGL chỉ cần bán “vài món” là có thể trả nợ, nhưng “chơi vậy thi kỳ quá”, ông Đức chia sẻ.

Theo lãnh đạo HAGL, giai đoạn 2018-2020 mỗi năm, lãi vay phải trả của Tập đoàn là khoảng 1.500 tỷ đồng, nợ gốc khoảng 2.000 tỷ đồng (bao gồm cả dự án Myanmar và nợ của HAGL Agrico).

Đưa HAGL về vị trí cũ trước đây 10 năm: “Tôi có ý chí, tôi vượt qua từ cõi chết”

Gắn bó với HAGL suốt 25 năm qua, ông Đức cho biết mình chưa bao giờ đầu hàng và đang tìm cách đưa Tập đoàn về vị trí cũ trước đây 10 năm. Một trong những sự chuẩn bị quan trọng đó là thành lập Ban chiến lược với người đứng đầu là cựu banker Lý Xuân Hải. Ông Đức cho hay, Ban chiến lược này xác định 10 năm tới HAGL đứng đâu, vì mục tiêu lâu dài chứ không thuần túy về vấn đề tài chính.

Nhắc lại câu chuyện canh bạc cao su, ông Đức chia sẻ: “Nói HAGL đi sai hướng cũng không thể đúng được, giai đoạn 2007-2010, trước thay đổi của thị trường, HAGL chuyển đổi từ bất động sản sang cao su, rồi sang nông nghiệp với cây ăn trái. Có thể nói là sai lầm của HAGL cũng đúng, nhưng mỗi người có suy nghĩ, quyết toán riêng. Bởi lúc đó, giá thành đầu tư 1 ha cao su chỉ tốn 1.400 USD/tấn, bán 5.100 USD/tấn thì liệu các bạn có đầu tư không. Lúc đó HAGL nhận được sự quan tâm của rất nhiều quỹ đầu tư lớn, rõ ràng họ đánh giá HAGL tốt và minh bạch thời điểm đó”.

Giá cao su bất ngờ lao dốc xuống chỉ còn 1.100 USD/tấn, ông Đức nói: “Ai mà lường trước được. Nhưng việc này là hết sức bình thường trong kinh doanh. Vấn đề là ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn được hay không. Tôi có ý chí, tôi vượt qua từ cõi chết. Đến bây giờ gần như cơ bản HAGL đã sống”.

HAGL giai đoạn 2013-2018

Năm 2013: Bắt tay với nông nghiệp, bỏ BĐS

Năm 2013, bầu Đức tuyên bố Tập đoàn này sẽ dần thoái vốn và thu hẹp các ngành khai khoáng, thủy điện, bất động sản tại Việt Nam, thay vào đó sẽ đầu tư vào hai mảng chính là nông nghiệp và bất động sản tại Myanmar. Thời điểm đó, ông Đức cho rằng khó đoán được khi nào thị trường BĐS trong nước phục hồi nên chọn giải pháp an toàn là đầu tư BĐS ở nước ngoài với điểm đến là Myanmar.

Việc cái cấu trúc ngành bất động sản sẽ giúp Hoàng Anh Gia Lai giảm dư nợ vay, cải thiện các chỉ số tài chính, ông Đức cho hay.

Năm 2014: Mía đường là chủ lực, giá cao su giảm là hết sức bình thường và tập đoàn đã dự báo trước

Bước sang năm 2014, khi giá cao su đang xuống trầm trọng, ông Đức bình thản cho biết HAGL làm cao su theo nhu cầu thị trường, chuyện giá giảm là hết sức bình thường và tập đoàn đã dự báo trước, với giá thành 1.400 USD/tấn HAGL đã có lãi.

Trong năm này, HAGL xác định mía đường là nguồn thu chủ lực, đóng góp hơn 1/3 doanh thu và trên 40% lãi gộp; bên cạnh đó còn có bắp, cọ dầu và hứa hẹn tương lai có cả bò. Ông Đức cho biết: “Nếu chúng tôi tổ chức nuôi bò thì chắc chắn sẽ không một nơi nào trên thế giới bằng HAGL”.

Để có được quỹ đất lớn cho nông nghiệp HAGL mở rộng sang Lào, Campuchia, Myanmar. Trong đó bắp dự kiến đạt 10.000 ha năm 2015, cao su giữ nguyên 44.500 ha đã trồng, mía đường lên 8.000 ha, cọ dầu mục tiêu trồng lên 30.000 ha.

Năm 2015: Bò chủ đạo, chỉ mong đường mang lại ít lợi nhuận thay vì lỗ

Năm 2015, khi có nơi giá cao su chỉ con 1.200 USD/tấn, HAGL vẫn duy trì giá thành 1.400 USD/tấn mà theo lãnh đạo là giúp Tập đoàn vượt giai giai đoạn giá thấp. Trong khi đó, giá đường biến động không hề nhỏ, HAGL lúc này chỉ mong đường mang lại ít lợi nhuận thay vì lỗ.

Kế hoạch năm này, HAGL kỳ vọng bò thịt sẽ đóng góp phân lớn doanh thu và lãi gộp. Dự kiến đến cuối 2015 phát triển 13.000 con bò sữa, 100.000 con bò thịt và xuất bán 60.000 con bò thịt. Ước doanh thu và lãi gộp lần lượt 2.475 và 920 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HAGL còn có được khoản thu không ai ngờ tới đến từ phân bò, ông Đức cho hay mỗi ngày HAGL thu 1 tỷ đồng từ phân bò.

Năm 2016: Bò sữa sẻ chuyển nhượng, bán mảng thủy điện và cao su phải xin Chính phủ Việt Nam và Lào

Năm 2016, điều mà người ta nhớ nhiều nhất về HAGL là những tuyên bố bán lần lượt các tài sản của HAGL để cơ cấu nợ. Trong đó, bầu Đức cho biết sẽ bán mảng đường, thủy điện cùng khoảng 20.000 ha cao su, bên cạnh bán 50% bất động sản tại Myanmar với giá 750 triệu USD – đã có đối tác theo tuyên bố của ông Đức khi đó. Ông Đức cũng cho biết, việc bán mảng thủy điện và cao su phải xin Chính phủ Việt Nam và Lào.

Trong khi đó, mảng bò đã không còn được “trọng dụng”, chỉ còn bò thịt mang lại hiệu quả, bò sữa sẽ được chuyển nhượng.

Cũng trong năm 2016, ACB và Bản Việt đã buộc phải bán giải chấp hơn 8,5 triệu cổ phiếu HAG, HNG. Chủ nợ lớn nhất là BIDV phải lên tiếng trấn an rằng HAGL đang gặp khó khăn về thanh khoản chứ không mất khả năng trả nợ. Nếu bán toàn bộ các dự án cao su với tổng diện tích hơn 50.000 ha dọc biên giới VN - Lào, HAGL hoàn toàn đủ khả năng trả được nợ.

Năm 2017: Trông chờ dự án Myanmar

Năm 2017, HAGL đặt kế hoạch dự án BĐS tại Myanmar mang lại LN gộp cao nhất với 607 tỷ đồng, sau đó tới chanh dây 437 tỷ đồng.

VPBank cũng đồng ý giãn nợ cho HAGL, VPBank đánh giá vấn đề lớn nhất của HAGL là mất cân đối nguồn vốn, còn việc cân đối nợ và tài sản HAGL làm rất tốt.

Năm 2018: Chuối chắc chắn là chiến lược lâu dài

Chanh dây trong năm nay đã “hết thời” bởi không thể tái canh, bầu Đức quyết định đặt cược vào chuối. Ông cho biết, tiềm năng thị trường xuất khẩu rất lớn, đặc biệt là Trung Quốc nhu cầu mỗi năm lên đến 15 triệu tấn, bên cạnh đó là các nước Hàn Quốc, xa hơn có thể là Trung Đông.

Trước mắt đến 2019, HAGL dự kiến có nguồn thu từ chuối, thanh long, mít và bưởi da xanh. Sau đó trồng thêm bơ, sầu riêng để năm 2022 có thể thu hoạch.

Dự án Myanmar đang tìm đối tác để chuyển nhượng, việc phát hành 2.200 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi đang tiến triển khả quan. Tuy nhiên mọi thông tin vẫn chưa được lãnh đạo HAGL tiết lộ.

Xem thêm

Ánh Dương