Bất chấp thị trường biến động, 'cuộc đua' nới room vẫn sôi động
Hàng loạt doanh nghiệp tên tuổi chờ dòng vốn ngoại
Ngày 3/7 mới đây, CTCP Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) chính thức nhận được công văn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xác nhận điều chỉnh nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 100%. Ngay sau đó, cổ đông lớn Taisho Pharmaceutical nhanh chân đăng ký mua hơn 9 triệu cổ phần của Dược Hậu Giang với giá 120.000 đồng/cp, nhằm nâng lên tỷ lệ sở hữu lên 32% và được HĐQT Công ty chấp thuận.
Động thái này của nhà đầu tư chiến lược Nhật tại Dược Hậu Giang được kỳ vọng giúp Công ty củng cố vị thế trong ngành dược khi kênh OTC (chiếm khoảng 90% doanh thu của công ty) đang mất thị phần tại bệnh viện khi bảo hiểm y tế toàn dân ngày càng phổ biến.
Dược Hậu Giang theo đuổi giấc mơ nới room hơn một năm kể từ tháng 6/2017 khi công ty lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để bàn các vấn đề liên quan đến nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào tháng 3 năm nay, ông Đoàn Đình Duy Khương - quyền Tổng giám đốc Công ty cho biết, để được nới room Dược Hậu Giang phải từ bỏ nhiều ngành nghề như bán hàng của đơn vị khác sản xuất, kinh doanh bao bì… Điều này khiến doanh thu năm 2018 của công ty không tăng trưởng và chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào sản phẩm tự sản xuất.
Ngoài Dược Hậu Giang nới room, đại gia ngành đường Thành Thành Công – Biên Hòa (Mã: SBT) cũng vừa được UBCKNN chấp thuận nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên mức không hạn chế vào ngày 22/5. Theo đó, Công ty phải bãi bỏ ngành nghề dịch vụ đóng gói; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; đồng thời cũng điều chỉnh ngành nghề khi không còn bán buôn lúa gạo; bán lẻ thuốc lá, thuốc lào. Hiện một số quỹ ngoại đang nắm giữ cổ phiếu Công ty trong danh mục đầu tư bao gồm Market Vectors Vietnam ETB (1,68%), Halley Asian Prosperity (1,41%).
Cũng liên quan vấn đề nới room, ngày 26/4/2018 CTCP Thép Việt Ý (Mã: VIS) đã được UBCKNN cho phép nới room 100% để mở đường cho đại gia thép Nhật Kyoei Steel nâng tỷ lệ sở hữu chi phối tại doanh nghiệp này.
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC), Tập đoàn Kido (Mã: KDC) cũng thông qua phương án nới room ngoại tối đa lên 100% trong ĐHĐCĐ thường niên 2018 vừa diễn ra.
Liệu nới room có được như kỳ vọng?
Theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tháng 6 khối ngoại đã bán ròng 140 tỷ đồng trên cả hai sàn, nếu như bỏ qua giao dịch thỏa thuận 2.400 tỷ đồng của cổ phiếu YEG (Yeah1) thì thực chất khối này đã bán ròng hơn 2.500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, động thái bán ra của khối ngoại diễn ra dồn dập trong giai đoạn VN-Index điều chỉnh sau chuỗi hồi phục mạnh vào đầu tháng. Cùng thời điểm VN-Index mất gần 8% giá trị thì khối ngoại cũng bán ròng hơn 2.100 tỷ đồng, chiếm phần lớn giá trị bán ròng trong tháng.
Tình hình này phần nào cũng ảnh hưởng đến quá trình nới rom của các doanh nghiệp khi muốn thu hút thêm dòng vốn ngoại. Và nếu như trước đây, giá cổ phiếu doanh nghiệp sau khi công bố thông tin nới room thường tạo cơn sóng trên thị trường chứng khoán, thì lần này ngược lại, giá các cổ phiếu nêu trên đều đi xuống.
Diễn biến cổ phiếu SBT trong một tháng qua (Nguồn: VNDirect) |
Diễn biến cổ phiếu DHG trong một tháng qua (Nguồn: VNDirect) |
Bên cạnh đó, không phải “cuộc hôn nhân” ngoại nội nào cũng có một cái kết êm đẹp. Thị trường chứng khoán từng chứng kiến không ít trường hợp các cổ đông xảy ra mâu thuẩn.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của CTCP Bibica (Mã: BBC) cho thấy sự bất đồng của hai cổ đông lớn là Tập đoàn PAN và Lotte. Cổ đông ngoại Lotte không thông qua tờ trình về kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm 2018 của Bibica.
Mặt khác, một khi kế hoạch nới room được các cơ quan quản lý chấp thuận, khả năng lấp đầy 100% như kỳ vọng của các cổ đông không nhiều. Đơn cử trường hợp của Đạm Cà Mau (Mã: DMC), một trong những doanh nghiệp đầu tiên được chấp thuận nới room ngoại lên 100%, nhưng đến nay, nhà đầu tư ngoại cũng chỉ mới nắm hơn 63% vốn. Hay như Vĩnh Hoàn (Mã: VHC), dù đã được UBCKNN chấp thuận nới room cách đây hơn hai năm nhưng đến nay room ngoại của doanh nghiệp này chỉ khoảng 40%.