|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bangladesh có thể quay lại con đường nhập khẩu gạo vì tăng trưởng sản xuất đang chậm lại

07:45 | 20/11/2018
Chia sẻ
Tăng trưởng sản xuất gạo của Bangladesh đã chậm lại, chỉ còn 0,4% kể từ năm 2010, khiến việc đáp ứng nhu cầu dân số ngày càng tăng trong bối cảnh đất trồng trọt liên tục giảm trở nên khó khăn hơn, viện trưởng Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) Bangladesh cho biết hôm 18/11.

Trước năm 2010, sản lượng gạo của Bangladesh tăng hơn 2% mỗi năm, ông Humnath Bhandari cho biết tại buổi khai mạc hội thảo hai ngày về “Chuyển đổi giống lúa (TRB): hiện trạng và con đường phía trước”.

IRRI đã tổ chức sự kiện này tại Trung tâm ACI, Tejgaon ở thủ đô của Bangladesh.

“Đất trồng đang giảm. Vì vậy, nếu chúng ta không thể tiếp tục tăng sản lượng, làm thế nào chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng?”, ông Bhandari đặt câu hỏi.

Mỗi năm, dân số Bangladesh, hiện đang ở mức trên 160 triệu người, tăng khoảng 2 triệu người. Bangladesh hiện có 13 triệu nông dân sản xuất hơn 35 triệu tấn gạo mỗi năm, theo một bài thuyết trình tại sự kiện này.

Trong năm 2014 - 2015, năng suất mỗi ha là 3,04 tấn, con số này đã tăng lên để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, các chuyên gia cho biết.

Đến năm 2050, nhu cầu gạo hàng năm của Bangladesh sẽ đạt khoảng 44,6 triệu tấn. Vì vậy, ông Bhandari nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành nghiên cứu thêm về lúa gạo và phát triển các giống mới để đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.

bangladesh co the quay lai con duong nhap khau gao vi tang truong san xuat dang cham lai
Ảnh: asiaroutestravel.com.

Gia tăng sản lượng thông qua cải tiến chất lượng giống lúa

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Bangladesh Md Nasiruzzaman, có mối quan hệ giữa sản xuất lúa gạo và an ninh lương thực. Vì lí do này, chính phủ ưu tiên nghiên cứu để phát triển các giống lúa cải tiến, có khả năng cho năng suất cao hơn.

"Chúng ta không có cách nào khác ngoài việc nâng cao sản lượng gạo", ông nói.

Đất trồng trọt đang bị thu hẹp mỗi năm do việc xây dựng nhà ở và công nghiệp hóa, ông M Anis Ud Dowla, Chủ tịch ACI, cho biết.

ACI đã đầu tư 6 triệu USD để phát triển các giống lúa năng suất cao, phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa Bangladesh (BRRI) và IRRI.

TRB, một dự án của IRRI, đã được triển khai để lan truyền việc sử dụng các công cụ nhân giống hiện đại và phát triển các giống lúa mới nhanh hơn.

Dự án sẽ giúp phát triển các giống lúa mới trong 3 - 4 năm, nhanh hơn nhiều so với hệ thống truyền thống, mất khoảng 8 - 9 năm, theo IRRI.

“Cách tiếp cận mới đối với việc nhân giống lúa là hiệu quả về chi phí và dựa trên nhu cầu của thị trường. Khía cạnh quan trọng của phương pháp hiện đại là quá trình lựa chọn dựa trên phân tử, không giống như hệ thống lựa chọn hình ảnh theo cách tiếp cận truyền thống", Viện nghiên cứu nhận định.

Theo IRRI, các giống lúa từng được phát triển thông qua phương pháp tiếp cận TRB được người nông dân đón nhận, vì không chỉ cho năng suất cao mà còn cho những đặc điểm như khả năng kháng dịch bệnh và sâu bệnh, độ mặn cho phép và chất lượng hạt tốt.

Bangladesh, nổi lên là nhà nhập khẩu gạo chính trong năm 2017 do các kho dự trữ cạn kiệt và giá thu mua nội địa kỉ lục sau trận lũ lụt trong khu vực, đã giảm khối lượng nhập khẩu vì sản xuất trong nước phục hồi. Mặc dù vậy, nếu tình trạng sản xuất hiện tại không nhanh chóng khắc phục, có thể quốc gia này sẽ quay trở lại con đường nhập khẩu.

Xem thêm

Lyly Cao