|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bài toán kinh tế của ông Putin: Nga hiện không đủ nhân công

21:09 | 17/06/2023
Chia sẻ
Cuộc chiến tại Ukraine đã đẩy nền kinh tế Nga vào cuộc khủng hoảng lao động tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua, khi hàng trăm nghìn người lao động đã tháo chạy khỏi đất nước hoặc được gửi ra tiền tuyến.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm gần đây đến một nhà máy sản xuất máy bay. (Ảnh: Shutterstock).

Lấy đâu người làm

Cuộc chiến tại Ukraine đã khơi mào nên cuộc khủng hoảng lao động nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm tại Nga.

Hàng trăm nghìn lao động đã tháo chạy khỏi nước này hoặc được cử ra tiền tuyến, làm suy yếu nền tảng của nền kinh tế giữa lúc Nga phải gồng mình gánh chịu các lệnh trừng phạt và sự cô lập từ phương Tây.

Hai làn sóng di cư lớn vào năm ngoái cùng đợt huy động khoảng 300.000 binh lính của chính phủ đã làm trầm trọng thêm tình hình thị trường lao động. Trước đó, nguồn cung lao động ở Nga vốn đã khá eo hẹp vì sự suy giảm dân số kéo dài.

Giờ đây, doanh nghiệp Nga đang thiếu hụt nhân công, từ các lập trình viên và kỹ sư cho đến thợ hàn và thợ khoan dầu. Đây vốn là những ngành nghề cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Quý IV/2022, mỗi người lao động đang tìm việc tại Nga có trung bình 2,5 cơ hội việc làm, mức cao nhất kể từ năm 2005, theo công ty kiểm toán và tư vấn FinExpertiza.

 

Khoảng 35% công ty sản xuất đã báo cáo tình trạng thiếu công nhân trong tháng 4/2023, mức cao nhất kể từ năm 1996, khảo sát hàng tháng của Viện Chính sách Kinh tế Gaidar chỉ ra.

Các nhà kinh tế ước tính hơn 1 triệu người đã rời khỏi nước Nga kể từ khi chiến sự Ukraine bắt đầu vào năm ngoái, dù một số người đã hồi hương.

Cuộc tháo chạy vào năm 2022 được cho là một trong những làn sóng di cư lớn nhất trong lịch sử nước Nga, bên cạnh giai đoạn sau cuộc cách mạng năm 1917 và sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Việc người dân Nga rời bỏ đất nước càng làm phức tạp thêm các xu hướng nhân khẩu học tiêu cực đã đè nặng lên chính nước này từ lâu. Các xu hướng này gồm tỷ lệ sinh thấp, dân số già hoá và tỷ lệ tử vong cao.

Dân số Nga hiện đạt khoảng 145 triệu người và có thể giảm 20% vào cuối thế kỷ 21, Liên Hợp Quốc ước tính.

Vào cuối năm ngoái, số lao động dưới 35 tuổi ở Nga đã giảm 1,3 triệu xuống mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1990, FinExpertiza lưu ý. Tháng 5 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp tại Nga đã tụt xuống mức thấp nhất thời hậu Xô viết.

 

Yuliya Korochkina, Giám đốc nhân sự của nhà cung cấp vật liệu xây dựng Trade Systems Technonicol, cho biết công ty đang thiếu nhân lực ở cả cấp chuyên gia lẫn người mới.

Để ứng phó, Trade Systems Technonicol đã hạ thấp yêu cầu đối với một số công việc, tăng cường làm việc từ xa và tự động hoá, đồng thời triển khai nhiều chương trình tạo động lực cho người lao động.

“Chúng tôi đang học cách tạo ra nhiều kết quả nhất với ít nguồn lực nhất”, vị giám đốc cho hay.

Chia sẻ với WSJ, nhà kinh tế Vasily Astrov của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna, nhận định: “Hao hụt nhân lực là một thảm hoạ đối với nền kinh tế Nga, bên cạnh các lệnh trừng phạt [của phương Tây]”.

“Việc mất đi những người lao động có trình độ học vấn tốt và tay nghề cao sẽ đè nặng lên triển vọng của nền kinh tế trong nhiều năm tới”, ông cảnh báo.

Kinh tế bấp bênh

Tình trạng khan hiếm người lao động đã giáng đòn đau vào nền kinh tế Nga, WSJ nhấn mạnh. Các doanh nghiệp buộc phải tăng lương cho nhân viên, gây tổn hại đến lợi nhuận và làm gián đoạn các kế hoạch đầu tư.

Ở chiều hướng khác, tiền lương đi lên sẽ góp phần thúc đẩy lạm phát, ngân hàng trung ương Nga từng lên tiếng cảnh báo.

Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Peterburg tuần này, ban tổ chức đã dành ra hơn chục phiên họp để thảo luận về các vấn đề trên thị trường lao động.

Ngân hàng trung ương Nga nói rằng trong bối cảnh khan hiếm nam giới ở độ tuổi lao động, các công ty sản xuất đang ngày càng tuyển dụng nhiều phụ nữ và công nhân lớn tuổi.

Cho đến nay, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững mặc các lệnh trừng phạt của phương Tây và dự báo suy thoái sâu từ giới chuyên gia. Kết quả này là nhờ vào doanh thu tốt từ hoạt động bán dầu và khí đốt, cùng kích thích dồi dào của chính phủ.

Song, doanh thu từ xuất khẩu năng lượng đã giảm mạnh trong năm nay, các biện pháp trừng phạt công nghệ ngày càng phát huy tác dụng và nền kinh tế bị cô lập đang báo trước một tương lai khó khăn cho Nga.

Giới chức Nga thừa nhận sự hao hụt lực lượng lao động cũng đang làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế.

“Tình hình trên thị trường lao động hiện giờ là một hạn chế lớn đối với kế hoạch mở rộng sản lượng [của doanh nghiệp Nga]”, bà Elvira Nabiullina, Thống đốc ngân hàng trung ương Nga, bày tỏ.

Nabiullina cho biết Nga đang bị thiếu nhân công trong các lĩnh vực chế tạo máy, luyện kim và khai khoáng - những ngành quan trọng đối với cuộc chiến của Moscow ở Ukraine.

Trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất máy bay ở thành phố Ulan-Ude vào tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc thiếu các chuyên gia có trình độ cao đã cản trở hoạt động sản xuất vũ khí.

“Chúng tôi biết nhiều doanh nghiệp hiện phải làm việc ba ca và thiếu thốn chuyên gia, nhất là những chuyên gia có trình độ cao”, ông Putin chia sẻ với truyền thông.

 

Để ngăn chặn vấn nạn thiếu lao động, vào tháng trước, ông chủ Điện Kremlin đã ra lệnh cho các quan chức vạch kế hoạch nhằm đảo ngược xu hướng di cư của người dân Nga.

Chính phủ Nga đã đề xuất giảm thuế hay cung cấp các khoản cho vay thế chấp nhà ở với nhiều ưu đãi nhằm lôi kéo nhân sự công nghệ ở lại.

Bộ Tài chính Nga đã đề xuất đánh thuế đối với hàng trăm nghìn người tháo chạy khỏi Nga nhưng vẫn làm việc từ xa ở những nơi như Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia và Trung Á.

Một số nhà lập pháp thì đe doạ sẽ tịch thu tài sản của những người Nga đã rời bỏ đất nước, mặc dù cho đến nay chưa có luật nào như vậy được thông qua.

Khả Nhân