Zoom chuyển dữ liệu qua Trung Quốc, Thượng viện Mỹ khuyến cáo thành viên không dùng ứng dụng

Sau chính quyền Đài Loan, tập đoàn Google và Tesla, Thượng viện Mỹ cũng đã khuyến cáo các thành viên của mình không dùng ứng dụng liên lạc trực tuyến Zoom vì các lo ngại về bảo mật.

Zoom gửi dữ liệu về Trung Quốc, Thượng viện Mỹ khuyến cáo thành viên không sử dụng - Ảnh 1.

Ứng dụng họp trực tuyến Zoom có thể được sử dụng trên máy tính hoặc điện thoại thông minh (smartphone). Ảnh: Reuters.

Nguồn tin của Financial Times cho biết viên chức đặc trách trật tự (sergeant at arms) của Thượng viện Mỹ đã cảnh báo tất cả thượng nghị sĩ không nên sử dụng Zoom. Cảnh báo này đề nghị các văn phòng thượng nghị sĩ cần phải tìm một nền tảng giao tiếp khác trong thời gian làm việc từ xa vì lệnh phong tỏa tại Mỹ.

Tuy nhiên nguồn tin của Financial Times cho biết Thượng viện Mỹ chưa chính thức ban hành lệnh cấm với Zoom.

Ứng dụng họp trực tuyến Zoom trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi tại Trung Quốc khi nước này phải áp lệnh phong tỏa để kiểm soát đại dịch COVID-19. Khi dịch bệnh lan rộng ra khắp thế giới, Zoom cũng theo đó mà được dùng rộng rãi hơn.

Tuy nhiên gần đây Zoom đã phải hứng chịu phản ứng dữ dội từ người dùng cũng như các cơ quan quản lí vì cơ chế bảo mật lỏng lẻo, giá cổ phiếu Zoom theo đó mà lao dốc. Hiện nay, một cổ phiếu Zoom có giá khoảng 119 USD, giảm hơn 25% so với đỉnh hai tuần trước.

Zoom đã buộc phải công khai xin lỗi vì đưa ra những tuyên bố gây hiểu lầm về độ an toàn của công nghệ mã hóa mà hãng sử dụng. Công ty cũng thừa nhận là đã "vô tình" chuyển dữ liệu người dùng về Trung Quốc trong tháng qua để ứng phó với tình trạng lưu lượng dữ liệu tăng cao đột biến.

Zoom hiện có hai máy chủ và một đội ngũ nghiên cứu & phát triển (R&D) 700 người tại Trung Quốc. Trước đây, Zoom khẳng định dữ liệu về các cuộc họp trực tuyến mà khách hàng thực hiện qua nền tảng Zoom sẽ chỉ ở trong phạm vi quốc gia cuộc họp được khởi tạo.

Việc dữ liệu được truyền về Trung Quốc khiến nhiều nghị sĩ Mỹ bất bình, một số đã kêu gọi Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) điều tra xem Zoom có vi phạm các luật về bảo vệ người tiêu dùng hay không. Chính quyền đảo Đài Loan đã cấm sử dụng Zoom cho các mục đích công vụ.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tháng trước đã nhận được một số báo cáo về việc các cuộc họp trực tuyến qua Zoom bị hacker đột nhập và phát tán nội dung khiêu dâm cũng như lời lẽ thô tục.

Một người phát ngôn của Zoom nói: "Zoom đang làm việc suốt ngày đêm để đảm bảo rằng các trường học, doanh nghiệp trên khắp thế giới có thể kết nối và hoạt động trong đại dịch. Chúng tôi cực kì coi trọng bảo mật, an toàn và niềm tin của người dùng".

Trả lời Financial Times, Lầu Năm góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) cho biết vẫn tiếp tục để cho nhân sự của mình sử dụng Zoom. Ngược lại, một số doanh nghiệp trong đó có đại gia Google đã quyết định cấm nhân viên dùng Zoom cho công việc. 

Một người phát ngôn của Google cho biết: "Gần đây bộ phận an ninh của chúng tôi đã thông báo đến nhân viên rằng ứng dụng Zoom Desktop Client sẽ không hoạt động trên các máy tính công ty vì ứng dụng này không đạt tiêu chuẩn về an ninh của chúng tôi".

Tuy nhiên Google cho biết nhân viên vẫn có thể sử dụng Zoom qua trình duyệt web hoặc smartphone để liên lạc với gia đình và bạn bè.

Đại gia xe điện Tesla cũng yêu cầu nhân viên không sử dụng Zoom mà thay vào đó hãy gọi điện thoại, gửi tin nhắn và email.

Về phần mình, Zoom cố gắng thể hiện các động thái đang xử lí vấn đề. Hãng này cho biết đã thuê Alex Stamos – cựu Giám đốc An ninh của Facebook làm tư vấn an ninh độc lập. Trước đó, Zoom tuyên bố sẽ tập trung nguồn lực kĩ sư để sớm xử lí vấn đề an ninh và bảo mật.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/zoom-gui-du-lieu-ve-trung-quoc-thuong-vien-my-khuyen-cao-thanh-vien-khong-su-dung-20200409153931967.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/