Xếp hàng chờ nới 'room': Nên giữ hay bỏ trần tín dụng với các ngân hàng?

Về dài hạn, các chuyên gia đánh giá rằng NHNN có thể kiểm soát tăng trưởng tín dụng thông qua các công cụ khác như tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn,... thay vì sử dụng áp trần tín dụng.

Đã đến lúc bỏ trần tín dụng? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: BIDV).

Trong những ngày cuối tháng 6, các ngân hàng lại ngóng chờ kết quả nới "room" từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đây là lần xem xét cấp hạn mức tín dụng thứ hai trong năm 2021 và theo cho biết từ NHNN thì đã có hơn 10 tổ chức tín dụng nộp đơn xin nới room.

Việc xếp hàng chờ nới room và cơ chế trần tín dụng đã được áp dụng từ năm 2012 trong bối cảnh nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay khiến nợ xấu tăng mạnh. Đây là một trong những chính sách nhằm để điều tiết hướng đi của dòng tiền, kiểm soát chất lượng tín dụng.

Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện cấp hạn mức tín dụng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc nên giữ hay bỏ.

Là công cụ hữu hiệu trước mắt

Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm của NHNN mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: "Trần tín dụng là giải pháp điều hành quan trọng của NHNN thời gian qua, góp phần quản lý chất lượng tín dụng".

Theo phó thống đốc, tại Việt Nam, tín dụng ngân hàng là nguồn cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, có vai trò và sứ mệnh quan trọng, trong khi ở các nước khác, nguồn cung ứng vốn đến từ nhiều thị trường khác như chứng khoán và trái phiếu. 

Xếp hàng chờ nới 'room': Nên giữ hay bỏ trần tín dụng với các ngân hàng? - Ảnh 2.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại họp báo ngày 21/6. (Ảnh: SBV).

"Nếu không quản lý tốt việc tăng trưởng một cách hài hòa, hợp lý, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng ồ ạt, không kiểm soát được thì nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh", Phó Thống đốc phân tích.

Do đó theo ông, áp trần tín dụng là công cụ giúp cho vừa đảm bảo được tăng trưởng, vừa kiểm soát được chất lượng tín dụng và về trước mắt là công cụ hiệu quả, hữu hiệu. 

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cho rằng phương thức áp trần tín dụng có thể thay đổi trong tương lai, trong điều kiện thị trường phát triển, vốn đầu tư trung và dài hạn được giải ngân ở thị trường tài chính, không phải huy động vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn như hiện nay.

Tại sao hạn mức tín dụng của một số ngân hàng thấp hơn nhiều so với năm trước?

Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), gần đây, việc NHNN giao hạn mức tăng trưởng thấp cho một số ngân hàng đã dẫn đến tâm lý quan ngại của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên theo các chuyên gia phân tích, cần nhìn nhận vấn đề này môt cách cẩn trọng.

Từ góc độ của NHNN, VDSC cho rằng các nhà hoạch định chính sách muốn cân bằng giữa động cơ mong muốn đạt được tăng trưởng tín dụng cao và nguy cơ suy giảm chất lượng tài sản, đặc biệt khi những bất ổn kinh tế vẫn còn rõ rệt do rủi ro liên quan đến COVID-19 (tức là nợ xấu cao hơn và kỳ vọng lạm phát gia tăng). 

Do đó, NHNN luôn đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu ở mức thấp, sau đó sẽ mở rộng hạn mức dựa trên tình trạng tài chính của ngân hàng và kết quả xử lý nợ xấu.

Theo các chuyên gia VDSC, NHNN đang chọn phương pháp tiếp cận "củ cà rốt và cây gậy" nhằm quản lý rủi ro tín dụng. 

"Theo đó, các ngân hàng sẽ có động lực để cải thiện hoạt động và thận trong hơn trong các hoạt động cho vay đầu cơ và rủi ro. Như vậy, các ngân hàng khỏe mạnh hơn sẽ có thể thêm hạn mức tín dụng cao hơn trong nửa cuối năm", báo cáo VDSC viết.

Cũng chính bởi việc áp trần tín dụng không phải là thông lệ quốc tế trong điều hành chính sách tiền tệ, VDSC cho rằng nên thận trọng khi xem hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn là một dấu hiệu của việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Mặt khác, VDSC cũng đồng tình việc phân bổ hạn mức tín dụng thấp ban đầu với khả năng điều chỉnh sau này có thể là một công cụ phù hợp trong nỗ lực duy trì ổn định vĩ mô.

Nên gỡ dần trần tín dụng và nới lỏng trần lãi suất

Theo nhận định của một số tổ thức quốc tế, mới đây nhất như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng Việt Nam nên dỡ bỏ dần trần tăng trưởng tín dụng đồng thời nới lỏng quy định về trần lãi suất huy động và cho vay nhằm cải thiện tính hiệu quả chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường. 

Hãng xếp hạng Moody's cũng đánh giá hiệu quả chính sách tiền tệ của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực do NHNN kiểm soát chính sách tiền tệ thông qua đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng và đặt trần lãi suất cho vay và tiền gửi.

Còn theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, việc tạm giao chỉ tiêu tăng trưởng theo quý cho thấy sự linh hoạt phù hợp trong điều hành và hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng. Tuy nhiên, về lâu dài việc kiểm soát bằng "room" tín dụng có thể dần bỏ đi khi cơ chế này đang dần không còn phù hợp.

Trao đổi với người viết, Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng không nhất thiết phải kiểm soát việc cho vay bằng room tín dụng nếu các ngân hàng đáp ứng được những điều kiện sau.

Đã đến lúc bỏ trần tín dụng? - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Trí Hiếu. (Ảnh: Báo đầu tư).

Thứ nhất, ngân hàng phải giữ được tính thanh khoản, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) không quá 80%. Thứ hai, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn không quá 37%. Cuối cùng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) phải đạt mức tối thiểu 8%.

"Ngoài ra, cũng cần kiểm soát để ngân hàng cho vay chủ yếu cho những doanh nghiệp sử dụng vốn để sản xuất kinh doanh, thay vì các hoạt động đầu cơ", ông Hiếu cho hay.

Đây cũng là quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), khi cho rằng về lâu dài, NHNN cần quản lý các ngân hàng bằng hệ số CAR để kiểm soát được cả vốn tự có và rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường, chứ không phải quản lý bằng công cụ trực tiếp, hành chính như giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm. 

"Cho đến thời điểm hiện tại cũng rất ít quốc gia trên thế giới còn sử dụng công cụ giao chỉ tiêu tín dụng để kiểm soát thị trường vốn như Việt Nam hiện nay", ông Lực chia sẻ với Tạp chí Nhà đầu tư.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/xep-hang-cho-noi-room-nen-giu-hay-bo-tran-tin-dung-voi-cac-ngan-hang-20210621154302435.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/