Xe container của doanh nghiệp thủy sản phải quay đầu, chịu lỗ vì cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) ngừng thông quan

Tại cửa khẩu Móng Cái đang tồn ứ khoảng 1.500 container hàng nông sản, trong đó có hơn 1.000 container thủy sản đông lạnh. Những xe hàng này có thể phải quay đầu, chịu lỗ vì cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) thông thương với Móng Cái đã ngừng thông quan từ 0h ngày 21/12.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến sáng ngày 21/12, các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đang ùn ứ 4.461 xe container hàng nông sản chờ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Lượng xe đang dồn về ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) vì hiện Trung Quốc đã tạm dừng thông quan tại hai cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma (Lạng Sơn) với lý do phòng chống dịch bệnh, cơ quan chức năng.

Việc thông quan của cửa khẩu Hữu Nghị những ngày tới sẽ càng thêm căng thẳng khi chính quyền TP Đông Hưng (Trung Quốc) vừa thông báo tạm dừng làm thủ tục thông quan cho người, hàng hóa qua cặp cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) – Đông Hưng, kể cả khu mậu dịch cặp chợ biên giới từ 0h ngày 21/12.

Trong khi, khu vực cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh đang tồn đọng hơn 1.500 xe container nông sản, trong đó gần 1.000 container hàng thủy sản đông lạnh.

Xe container của doanh nghiệp thủy sản phải quay đầu, chịu lỗ vì cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) ngừng thông quan - Ảnh 1.

Doanh nghiệp thủy sản phải quay đầu vì Trung Quốc ngừng thông quan ở nhiều cửa khẩu. (Ảnh: Tepbac)

Trao đổi với người viết, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết: "Với tình thế này, các doanh nghiệp thủy sản không còn cách nào khác là quay đầu xe, đưa hàng thủy sản về kho trữ và chịu mất khoản chi phí vận chuyển.

Bởi, xe quay đầu thì chỉ mất chi phí vận chuyển, hàng vẫn còn. Còn nếu xe tiếp tục chờ, chi phí tăng, hàng hóa có nguy cơ giảm chất lượng, lúc đó mất cả chì lẫn chài".

Vị này cho rằng hiện hàng thủy sản xuất đi Trung Quốc rất ít vì thời gian thông quan quá dài, doanh nghiệp có đưa hàng thủy sản qua cửa khẩu cũng không kịp giao đến các khách hàng. 

Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến thủy sản chưa phục hồi công suất, chưa có nhiều hàng.

Cũng theo ông Hòe, đa số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc chọn đi bằng đường biển vì giá hợp lý và thời gian vận chuyển nhanh. 

Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc thông báo tạm dừng nhập khẩu hàng đông lạnh qua đường biển, các doanh nghiệp gần như không xuất hàng sang thị trường này. 

Những doanh nghiệp cố gắng đưa hàng lên cửa khẩu vào thời điểm này chủ yếu giao cho khách hàng lâu năm. Do đó, khi sự cố xảy ra, hai bên có thể thương lượng để chia sẻ rủi ro.

Như vậy, cảng biển và ba cửa khẩu lớn đồng loạt đóng cửa, các xe hàng container có thể quay đầu hoặc di chuyển sang cửa khẩu Hữu Nghị để "tìm kiếm vận may". 

Cơ quan hải quan Lạng Sơn đang gấp rút đề xuất biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, logistics.

Ông Vi Công Tường, Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết Cục đang đề xuất giảm các loại chi phí kho, bãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, theo báo Người Lao động.

Đồng thời, tỉnh Lạng Sơn đang xây dựng khu trung chuyển hàng hóa rộng 150 ha để giảm áp lực cho lượng xe đổ về các cửa khẩu trong thời gian tới.

Tại đây, xe chở hàng sẽ làm thủ tục khai hải quan online, khi đến cửa khẩu chỉ thông quan, tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ.

Song, vị này cho rằng về lâu dài tỉnh Lạng Sơn cần xây dựng các kho lạnh để bảo quản hàng hóa, giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp trong những tình huống bất khả kháng.

Xe container của doanh nghiệp thủy sản phải quay đầu, chịu lỗ vì cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) ngừng thông quan - Ảnh 2.

Nguồn: VASEP.

Như vậy, năm 2021 là năm sóng gió của doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc vì vướng thủ tục kiểm dịch, cảng, cửa khẩu dừng hoạt động hoặc tắc nghẽn vì COVI-19. 

Đại diện VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Thống kê của VASEP, tính đến cuối tháng 9, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 768 triệu USD, giảm 20,5% so với cùng kỳ.

Trong đó, hai sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra chiếm lần lượt 39% và 36% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này, đạt 298 triệu USD và 279 triệu USD, giảm 23% và 20% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính đến cuối tháng 10, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã lấy khoảng 3,2 triệu mẫu thực phẩm nhập khẩu, trong đó có 499 mẫu dương tính với COVID-19. 

Theo đó, GACC đã đình chỉ nhập khẩu đối với 221 công ty quốc tế 1-4 tuần sau khi phát hiện các bao bì sản phẩm chưa virus SAR-COV-2 và siết chặt kiểm dịch thủy sản đông lạnh.

Với việc siết kiểm dịch cùng với tình trạng tắc ở cửa khẩu, đường biển, đại diện VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc trong quý IV chỉ đạt 242 triệu USD, giảm 40% và và cả năm 2021 đạt khoảng 1 tỷ USD, giảm 26% so với năm ngoái.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/xe-container-cua-doanh-nghiep-thuy-san-phai-quay-dau-chiu-lo-vi-cua-khau-dong-hung-trung-quoc-ngung-thong-quan-20211221174624525.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/