WeWork phải bỏ thói chi tiền vô tội vạ, bởi vị cứu tinh của họ không phải cỗ máy in tiền

Gói cứu trợ 9,5 tỉ USD của SoftBank Group đã giúp WeWork thoát nguy cơ phá sản, song "kì lân gãy sừng" không thể chi tiêu thoải mái như xưa vì cứu tinh của họ không phải là "kho không đáy".

Một SoftBank không quá ảm đạm

Trong khi WeWork từng gây một khoản nợ "khủng" 22 tỉ USD vào cuối tháng 6 cùng 47 tỉ USD hợp đồng thuê văn phòng chưa thanh toán, tình hình của tập đoàn viễn thông SoftBank - vị cứu tinh của kì lân gãy sừng, cũng không khá hơn.

Theo Bloomberg, SoftBank thuộc nhóm nhà phát hành tài sản rác (hay xếp hạng tín nhiệm bậc cực thấp), với khoản nợ thuần (net debt - hiệu số giữa tổng nợ và tổng cho vay) tương đương 62 tỉ USD.

Từ bây giờ, tỉ phú Masayoshi Son, chủ tịch SoftBank, sẽ phải quản lí khối tiền mặt của họ một cách cẩn thận.

Vị cứu tinh của WeWork đã thành công trong việc tái thiết lại công ty. Tháng 12 năm ngoái, S&P Global Ratings đã loại bỏ triển vọng tiêu cực đối với SoftBank sau khi tập đoàn niêm yết SoftBank Corp. - đơn vị viễn thông nội địa của họ.

getty_1167835750_404994

Tình hình của SoftBank cũng không khá khẩm hơn WeWork. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, Moody's Investor Service đã đưa SoftBank trở về nhóm "doanh nghiệp đầu tư", nghĩa là thị trường sẽ bắt đầu đánh giá khoản nợ của SoftBank thông qua cách so sánh nó với giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp nó rót tiền vào, thay vì dòng tiền của tập đoàn.

Trong danh mục đầu tư trị giá 22,6 nghìn tỉ yen (245 tỉ USD), khoản nợ thuần 6,7 nghìn tỉ yen của SoftBank không đáng quan ngại.

Screenshot (214)

Danh mục đầu tư của SoftBank. Đồ họa: Bloomberg

Nhờ 26% cổ phần trong Alibaba Group Holding, hiện có trị giá khoảng 116 tỉ USD, mà tình hình của SoftBank mới trở nên bớt nguy cấp như thế.

Tháng trước, Moody's đã không tính đến việc Adam Neumann từ chức CEO WeWork, vì tổ chức xếp hạng tín nhiệm lưu ý rằng nếu định giá của We Co. (công ty mẹ của WeWork) giảm 50% cũng chỉ tương đương 1% danh mục đầu tư của SoftBank.

Tương tự, SoftBank có thể tự "hấp thụ" khoản thua lỗ 7 tỉ USD tại quĩ Vision Fund nhờ giá trị cổ phần tại Alibaba.

WeWork - nhân tố thay đổi cuộc rong chơi của SoftBank

Mặc dù vậy, gói cứu trợ WeWork đang thay đổi cuộc chơi. Trong một tuyên bố hồi tuần trước, thái độ của Moody's đã cứng rắn hơn và một lần nữa dư luận đổ dồn sự chú ý vào phong cách quản lí dòng tiền của SoftBank.

Moody's sẽ cân nhắc hạ xếp hạng tín nhiệm nếu dòng tiền SoftBank nắm giữ không thể xoay sở nợ đáo hạn trong hai năm tới.

Cho đến nay, SoftBank chưa hề nao núng. Tính đến quí II, tập đoàn nắm giữ 1,2 nghìn tỉ yen tiền mặt, trong khi nợ đáo hạn tính đến năm 2020 tới chỉ là 550 tỉ yen.

Tình hình tài chính của SoftBank sẽ khó khăn hơn trong tương lai. Tính đến tháng 7, tập đoàn Nhật Bản đã nắm 2,5 nghìn tỉ yen tiền mặt sau khi được hoàn thuế và bán cổ phần tại hãng gọi xe DiDi Chuxing của Trung Quốc.

Mặc dù vậy, SoftBank sẽ phải cung cấp gói cứu trợ trị giá khoảng 1 nghìn tỉ yen cho WeWork và trả gần 1,3 nghìn tỉ yen nợ đáo hạn vào năm tài khóa 2021.

Ngoài ra, CEO Masayashi Son còn cam kết rót vốn đến 54 tỉ USD vào 4 quĩ đầu tư, nhà phân tích Stepehn Flynn của Bloomberg Intelligence ước tính.

Screenshot (222)

Trong khi nợ đáo hạn trong hai năm tài khóa 2019 - 2020 chỉ ghi nhận ở mức 550 tỉ yen, nợ đáo hạn vào năm tài khóa 2021 tăng vọt lên gần 1,3 nghìn tỉ yen. (Ảnh: Bloomberg/SoftBank)

Giống như WeWork, SoftBank không phải là một "con gà đẻ trứng vàng". Các công ty con từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Sprint (Mỹ) đến hãng chip ARM Holdings (Anh) đều không tạo ra lợi nhuận đáng kể.

Do đó, SoftBank buộc phải "gắng gượng" bằng nguồn tiền tự thân kiếm ra từ việc bán trái phiếu hoặc chia cổ tức từ hãng viễn thông SoftBank Corp. - nơi mà họ nắm 66,5% cổ phần.

Khi cần thiết, SoftBank luôn có thể bán các khoản đầu tư của quĩ Vision Fund, mặc dù giá cổ phiếu của các công ty mà quĩ rót vốn vào như Uber Technologies và Slack Technologies đều sụt giảm, khiến chúng trên kém hấp dẫn hơn hẳn.

Trong khi đó, cổ phần của SoftBank trong Alibaba lại không được giao dịch công khai và dù Alibaba có lợi nhuận cao, họ không có nghĩa vụ trả cổ tức cho SoftBank.

Bloomberg lập luận rằng SoftBank đã mua lại WeWork với một cái giá "không vui vẻ" và một khi cuộc khủng hoảng thanh khoản của công ty chia sẻ văn phòng đã qua, định giá của WeWork có thể phục hồi từ con số chưa đầy 8 tỉ USD vào thời điểm SoftBank công bố gói cứu trợ 9,5 tỉ USD.

Dù vậy, nhà đầu tư cũng không nên quá kì vọng vào viễn cảnh đó. Nếu WeWork cần thêm hỗ trợ tài chính trong tương lai, SoftBank có thể phải vật lộn để cứu startup chia sẻ văn phòng. Trong khi đó, SoftBank có vẻ sẽ khiến các trái chủ bận rộn với công việc tái cấp vốn trong vài năm tới.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/wework-phai-bo-thoi-chi-tien-vo-toi-va-boi-vi-cuu-tinh-cua-ho-khong-phai-la-co-may-in-tien-20191029160205308.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/