Warren Buffett khốn khổ vì cổ phiếu ngân hàng đầu tư (Phần 1): Tưởng vớ được món hời

Thương vụ rót vốn vào ngân hàng đầu tư Salomon Brothers là một trong những sai lầm tai hại trong cuộc đời đầu tư của Warren Buffett. Câu chuyện bắt đầu vào năm 1987 khi Salomon đang ăn nên làm ra và là một trong những tay chơi sừng sỏ trên Phố Wall.

Warren Buffett 'chết hụt' với cổ phiếu ngân hàng (Phần 1): Tưởng vớ được món hời - Ảnh 1.

John H. Gutfreund (đang ngồi), CEO của Salomon Brothers. (Ảnh: New York Times).

Salomon Brothers được thành lập vào năm 1910 bởi ba anh em người Do Thái là Arthur, Herbert và Percy Salomon với số vốn ban đầu 5.000 USD. Cha của ba anh em cũng là một người môi giới chứng khoán.

Trong Thế chiến thứ nhất, chính phủ Mỹ phải vay nợ lớn để tài trợ cho chiến tranh nên đã tăng cường phát hành trái phiếu. Trước khi giao tranh kết thúc vào năm 1918, Salomon Brothers đã nổi lên là một tay chơi đáng gờm trên thị trường trái phiếu chính phủ non trẻ.

Sau khi vượt qua cuộc Đại Khủng hoảng trong thập niên 1930, Salomon Brothers tiếp tục lớn mạnh và đến những năm 1960 đã trở thành một trong "Bộ tứ đáng sợ" trên Phố Wall cùng ba đại gia khác là Lehman Brothers, Blythe, và Merril Lynch.

Warren Buffett giao trứng cho ác

Năm 1987, Warren Buffett bất ngờ quyết định chi 700 triệu USD để mua cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi của Salomon Brothers và trở thành cổ đông lớn nhất tại ngân hàng đầu tư này với tỷ lệ sở hữu 12%. Con số 700 triệu USD cũng là số tiền lớn nhất mà Berkshire Hathaway từng chi cho một thương vụ đầu tư tính đến thời điểm đó.

Quyết định của Buffett khiến nhiều người phải ngạc nhiên vì từ lâu, vị tỷ phú này thường xuyên chế nhạo những người làm ngân hàng đầu tư là những kẻ chỉ biết vẽ ra những thương vụ kếch sù để thu phí khủng dù không mang lại lợi ích gì cho khách hàng.

Theo nhà báo Carol Loomis của tờ Forbes và là một người bạn của Buffett, có ba lý do khiến vị chủ tịch của Berkshire Hathaway giao khối tiền khổng lồ cho Salomon Brothers. Về sau nhìn lại, cả ba lý do này đều không thực sự thuyết phục nhưng vào thời điểm đó thì ít ai ngờ được.

Thứ nhất, Warren Buffett đã tìm kiếm vài năm nhưng không thấy cổ phiếu nào hấp dẫn đáng để đầu tư, vì vậy ông chuyển sang tìm các công cụ đầu tư có thu nhập cố định kiểu như cổ phiếu ưu đãi.

Thứ hai, người đề nghị Buffett đầu tư là John Gutfreund, CEO của Salomon Brothers. Buffett đánh giá Gutfreund là người làm việc có nguyên tắc, không tham lam và thân thiện với khách hàng trong thời gian Salomon hợp tác cùng công ty bảo hiểm Geico của Berkshire Hathaway.

Thứ ba, Warren Buffett nhận thấy các điều khoản của thương vụ đầu tư này là chấp nhận được. Cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi về bản chất là một trái phiếu với lãi suất cố định nhưng còn được gắn thêm một tờ xổ số.

Cụ thể trong trường hợp này, chứng khoán của Salomon trả cho Buffett lợi nhuận 9% mỗi năm và sau ba năm, có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông với giá 38 USD/cp. Vào thời điểm thương vụ được công bố, giá cổ phiếu Salomon là khoảng 30 USD.

Nếu sau ba năm, giá cổ phiếu vọt lên trên 38 USD thì Buffett coi như "trúng số", ông có thể chuyển đổi cổ phiếu ưu đãi thành cổ phần thường rồi bán đi để chốt lời. Nếu giá xuống thấp hơn thì ông vẫn được hưởng lãi 9%/năm rồi nhận gốc trong vòng 5 năm bắt đầu từ 1995.

Buffett cho rằng các điều khoản như vậy là khá hợp lý. "Thương vụ này tuy không ăn gấp ba lần nhưng cũng chấp nhận được".

Warren Buffett 'chết hụt' với cổ phiếu ngân hàng đầu tư (Phần 1): Tưởng vớ được món hời - Ảnh 2.

Minh họa: Song Ngọc.

Hiệp sĩ trắng

Sở dĩ CEO Gutfreund phải khẩn khoản mời Warren Buffett rót tiền là vì ông không muốn Salomon bị một tay chơi sừng sỏ là Ronald Perelman thâu tóm. Một nhóm cổ đông tại Nam Phi đang muốn bán lượng lớn cổ phiếu Salomon và Ronald Perelman định mua lại để nắm quyền kiểm soát.

Sau khi nhận 700 triệu USD từ Buffett, Salomon tự mình mua lại lô cổ phần từ các nhà đầu tư Nam Phi và Perelman phải rút lui.

Có thể nói, Warren Buffett đã vào vai Hiệp sĩ trắng để giải cứu Salomon.

Warren Buffett 'chết hụt' với cổ phiếu ngân hàng (Phần 1): Tưởng vớ được món hời - Ảnh 2.

Tỷ phú Warren Buffett. (Ảnh: Financial Times).

Tuy nhiên một số người khôn ngoan làm quản lý ở Salomon lại cho rằng thương vụ này đã làm lợi quá nhiều cho Buffett trong khi ngân hàng phải chịu thiệt.

Warren Buffett bị cho là đã lợi dụng nỗi sợ thâu tóm của CEO Gutfreund để ép giá, đòi tỷ suất lợi nhuận hàng năm quá cao hoặc giá chuyển đổi quá thấp hoặc thậm chí là cả hai.

Trong vài năm sau đó, quan điểm này vẫn tồn tại ở Salomon và đã từng có lãnh đạo (không phải chính Gutfreund) tìm đến Buffett để đòi ông hủy bỏ thương vụ mua cổ phần ưu đãi chuyển đổi. Đương nhiên Warren Buffett không đồng ý.

Đến 1991, Salomon đang trên đà ghi nhận một năm lãi lớn. Điểm gây lăn tăn duy nhất lúc đó là một vụ điều tra của Bộ Tài chính Mỹ về phiên đấu giá trái phiếu Kho bạc hồi tháng 5/1991 và Salomon bị cho là đã gây ra một đợt "bán non".

Mặc dù vậy, giá cổ phiếu của ngân hàng này vẫn tăng và chạm 37 USD/cp, rất gần với mức giá chuyển đổi 38 USD của Buffett. Không ai có thể ngờ rằng tai họa sắp ập xuống đầu Salomon và khiến cuộc sống của nhà hiền triết xứ Omaha bị đảo lộn.

Đón đọc Phần 2: Đại họa giáng xuống đầu

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/warren-buffett-chet-hut-voi-co-phieu-ngan-hang-dau-tu-phan-1-tuong-vo-duoc-mon-hoi-20211027185201847.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/