VNDirect: Tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong năm 2023

Các chuyên gia VNDirect vẫn nhận thấy những yếu tố hỗ trợ tỷ giá, bao gồm dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện, thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối đạt ngưỡng an toàn, do dó VND được dự báo có thể mất giá khoảng 3,5 – 4% so với đồng USD trong năm 2022.

Tỷ giá USD chịu áp lực trong những tháng cuối năm

Theo báo cáo chiến lược thị trường của Chứng khoán VNDirect, các chuyên gia cho rằng tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất.

Tuy nhiên, chuyên gia vẫn nhận thấy những yếu tố hỗ trợ tỷ giá bao gồm dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 8,9 tỷ USD trong năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối đạt ngưỡng an toàn (tương đương 3,3 tháng nhập khẩu). Do dó, VND được dự báo có thể mất giá khoảng 3,5 – 4% so với đồng USD trong năm 2022.

Tuy nhiên năm 2023, chuyên gia kỳ vọng áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam sẽ hạ nhiệt đáng kể và dự báo VND sẽ tăng giá so với USD. Nguyên nhân là do Fed sẽ chuyển từ "thắt chặt chính sách tiền tệ" sang "bình thường hóa chính sách" trong năm tới. 

Ngoài ra, theo các chuyên gia, VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất so với các đồng tiền trong khu vực.

Về tỷ giá hối đoái, theo VNDirect, USD mạnh hơn đã gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam, với việc tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tăng khoảng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 23.688 đồng, mức cao nhất lịch sử.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ấn định cho cặp tỷ giá USD/VND ở mức 23.316, tăng 0,7% so với cuối năm 2021 và tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng khoảng 2,7% kể từ đầu năm 2022.

 

Bên cạnh đó, lãi suất USD giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2023 và lãi suất VND duy trì xu hướng tăng trong năm 2023, bộ đệm tốt từ thặng dư thương mại, thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối cải thiện trong năm 2023 cũng là những lý do khiến tỷ giá hối đoái sẽ hạ nhiệt trong năm tới.

Rủi ro hiện hữu đối với các doanh nghiệp sử dụng nợ vay lớn bằng USD

Biến động bất lợi của tỷ giá hối đoái và lãi suất đồng USD tăng cao làm gia tăng chi phí đối với những doanh nghiệp (DN) có cơ cấu nợ lớn bằng đồng USD.

Đối với hình thức trả lãi, chuyên gia cho rằng những doanh nghiệp có khoản vay bằng đồng USD với lãi vay cố định và/hoặc thả nổi đều phải chịu áp lực tăng chi phí lãi vay, và lỗ tỷ giá (đánh giá lại khoản vay) do ảnh hưởng bất lợi của biến động tỷ giá và lãi vay đồng USD.

Những doanh nghiệp có khoản vay USD với lãi suất cố định sẽ chịu áp lực gia tăng chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá khi đánh lại giá trị khoản vay do tác động của tỷ giá.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, những doanh nghiệp sử dụng khoản vay USD với lãi suất thả nổi sẽ chịu áp lực lớn hơn những khoản vay có lãi suất cố định. Nguyên do là vì ngoài chịu tác động về tỷ giá lên chi phí lãi và nợ gốc, khoản vay thả nổi sẽ còn chịu thêm áp lực tăng chi phí lãi vay khi lãi suất khoản vay bằng đồng USD tăng lên do Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.

Về thời hạn trả lãi, VNDirect cho rằng những doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay ngắn hạn lớn sẽ bị tác động tiêu cực hơn những doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay dài hạn lớn. Fed với quan điểm “diều hâu” hơn về thắt chặt chính sách tiền tệ, sẽ gây ra áp lực lớn lên tỷ giá hối đoái, khiến cho giá trị các khoản vay ngắn hạn gia tăng về nợ gốc, gây ra những rủi ro về dòng tiền đối với doanh nghiệp khi phải xoay sở để trả nợ gốc và chi phí lãi vay.

Ngược lại, những DN có tỷ trọng cao khoản vay USD dài hạn sẽ chưa phải đối diện với việc đáo hạn nợ gốc.

Do đó, theo VNDirect, những doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay dài hạn bằng đồng USD lớn có thể đỡ áp lực hơn do áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt và VND tăng giá so với USD trong năm 2023.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vndirect-ty-gia-se-ha-nhiet-trong-nam-2023-202292881716424.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/