VNDirect chỉ ra 4 rủi ro lớn với nền kinh tế Việt Nam 2023

Theo VNDirect, 4 rủi ro chính mà kinh tế Việt Nam gặp phải trong năm 2023 bao gồm: Tác động từ suy thoái kinh tế của các thị trường lớn, chính sách Zero COVID-19 từ Trung Quốc, tỷ giá và lạm phát.

Theo báo cáo Cập nhật vĩ mô mà CTCP Chứng khoán VNDirect vừa công bố, đà tăng trưởng của Việt Nam có thể chậm lại trong Quý IV/2022 và năm 2023 do những lo ngại về suy thoái toàn cầu đang ngày càng gia tăng.

VNDirect lo ngại rằng những vấn đề về áp lực lạm phát cao, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt và việc gián đoạn chuỗi cung ứng có thể làm suy yếu triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Đơn vị này cho biết, sự đình trệ của tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã được phản ánh qua số liệu của nền kinh tế số 1 thế giới khi GDP của Mỹ giảm 0,9% trong Quý II/2022, đánh dấu 2 quý giảm liên tiếp. Nguyên nhân đến từ thị trường nhà đất lao đao do lãi suất tăng và lạm phát cao khiến đầu tư kinh doanh và chi tiêu tiêu dùng bị thu hẹp.

Do đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống 1,2% vào năm 2023, từ mức dự báo trước đó ở 1,7% và đưa ra quan điểm "khả năng cho một hạ cánh mềm ngày càng khó đạt được". Các đối tác thương mại lớn khác của Việt Nam như châu Âu và Trung Quốc cũng phải đối mặt với dự báo tăng trưởng kinh tế ảm đạm trong giai đoạn 2022 -2023.

IMF cảnh báo trong báo cáo mới nhất của mình rằng tăng trưởng toàn cầu tiếp tục giảm tốc trong năm 2023, trong đó một số quốc gia chiếm khoảng một phần ba nền kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với suy thoái trong năm 2022 hoặc 2023.

 Tăng trưởng GDP Quý IV/2022 được dự báo đạt 5,6% (Nguồn: VNDirect Research).

VNDirect duy trì quan điểm rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã đạt đỉnh trong Quý III/2022 và sẽ chậm lại trong Quý IV/2022 do nhu cầu bên ngoài suy yếu và quán tính tăng trưởng nhờ mở cửa trở lại nền kinh tế chậm dần. 

Nguyên nhân là do các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ và châu Âu tăng trưởng kinh tế chậm lại, có thể làm giảm triển vọng xuất khẩu của nước ta. Đồng thời, lạm phát gia tăng có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của tiêu dùng trong nước. Lãi suất tăng làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp cũng là yếu tố tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. 

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 như nguồn vốn đầu tư công dồi dào và lượng khách du lịch quốc tế trên đà phục hồi mạnh mẽ. Nhìn chung, Việt Nam vẫn sẽ là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn 2022-2023. 

"Lộ diện" 4 rủi ro chính với nền kinh tế Việt Nam

Báo cáo từ VNDirect chỉ ra rằng, một số rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam trong những tháng tới.

Thứ nhất, việc Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát.

Điều này sẽ đẩy lãi suất lên cao hơn trong tương lai, kéo theo nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, thị trường việc làm thắt chặt và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Mỹ và châu Âu. Nhu cầu tiêu dùng thấp hơn tại Mỹ và châu Âu sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam sang hai thị trường này (chiếm gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2021) những quý tới đây.

 Fed được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến năm 2023. (Nguồn: VNDriect Research).

Thứ hai, chính sách Zero COVID-19 và những bất ổn gia tăng của nền kinh tế Trung Quốc. Nhiệt độ cao kỷ lục và hạn hán nghiêm trọng ở tây nam Trung Quốc đã làm tê liệt hoạt động sản xuất thủy điện và khiến nhiều nhà máy ở khu vực đó phải đóng cửa. Đây là đòn giáng mới nhất vào nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã chứng kiến chi tiêu tiêu dùng tăng chậm và thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Việc đóng cửa các nhà máy tại Trung Quốc do chính sách Zero COVID-19 hoặc cắt điện có thể tác động tiêu cực đến lĩnh vực sản xuất của Việt Nam do nhiều ngành sản xuất của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc như dệt may, luyện kim, hóa chất, điện tử. 

 Nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất (Nguồn: VNDriect Research). 

Thứ ba, về tỷ giá, đồng USD tăng mạnh gây áp lực lớn lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Để ổn định tỷ giá, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải can thiệp vào thị trường và bán ra một lượng lớn dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên, NHNN sẽ có ít nguồn lực hơn để can thiệp do dự trữ ngoại hối đã mỏng hơn trước. Trong trường hợp xấu hơn, NHNN có thể phải tính đến việc tăng lãi suất điều hành, từ đó làm tăng chi phí kinh doanh và ảnh hưởng tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế. 

Thứ tư, rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu do xung đột Nga-Ukraine nguy cơ kéo dài và gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Lạm phát cao hơn dự kiến có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và khiến chính sách tiền tệ có thể thắt chặt hơn. NHNN có ít dư địa hơn để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vndirect-chi-ra-4-rui-ro-lon-voi-nen-kinh-te-viet-nam-2023-20221021133027554.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/