|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinaconex mua lại phần vốn nhà nước của một công ty xây dựng

08:00 | 12/06/2021
Chia sẻ
Phiên giao dịch hôm 10/6 đã chứng kiến hơn 16,24 triệu cổ phiếu BDT khớp lệnh tại mức giá trần do nhà nước đã bán ra hơn 16 triệu đơn vị. Ngay ngày trước đó, Vinaconex cho biết sẽ mua phần nhà nước thoái vốn tại đây.

Trong phiên giao dịch chiều ngày 10/6, cổ phiếu BDT của CTCP Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đồng Tháp bất ngờ tăng kịch trần với khối lượng giao dịch đột biến.

Cụ thể, giá cổ phiếu leo lên 28.000 đồng/cp trong phiên chiều, cao hơn 26% so với mức giá mở cửa 22.200 đồng/cp đầu giờ sáng.

Hé lộ nhà đầu tư mua lại toàn vốn phần vốn nhà nước đã thoái trong phiên khiến giá BDT tăng trần - Ảnh 1.

Diễn biến giá BDT từ đầu năm đến nay. (Nguồn: TradingView).

Đi cùng đà tăng giá là khối lượng khớp lệnh đột biến, đạt gần 16,3 triệu đơn vị, tương ứng 42% số cổ phần đang lưu hành của công ty. Trong đó, có 16,24 triệu cổ phiếu khớp lệnh tại mức giá trần.

Nguyên nhân phiên giao dịch khủng hôm 10/6 xuất phát từ việc thoái vốn của UBND tỉnh Đồng Tháp tại Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đồng Tháp. Cổ đông nhà nước này đã bán ra hơn 16 triệu cổ phiếu BDT trong tổng gần 35,7 triệu cổ phần đang nắm giữ.

Sau giao dịch, vốn nhà nước tại BDT giảm từ 92,29% còn 51%.

Trước đó, ngày 9/6, Hội đồng quản trị Tổng CTCP Vinaconex (Mã: VCG) đã ra phương án mua lại phần vốn nhà nước thoái tại công ty xây dựng trên, tuy nhiên không rõ số cổ phần Vinaconex đã mua.

Về Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đồng Tháp, công ty được thành lập từ năm 1992 tại tỉnh Đồng Tháp với ngành nghề kinh doanh chính là khai thác cát, san lấp mặt bằng, mua bán vật liệu xây dựng, Bên cạnh đó, công ty còn xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, kinh doanh bất động sản,...

Hé lộ nhà đầu tư mua lại toàn vốn phần vốn nhà nước đã thoái trong phiên khiến giá BDT tăng trần - Ảnh 2.

Phối cảnh 1 dự án cụm công nghiệp Tân Lập do Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đồng Tháp đầu tư tại tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Website công ty).

Sang năm 2021, doanh nghiệp nhận định sẽ gặp khó khăn khi nguồn tài nguyên cát ngày càng hạn chế. Tình hình sạt lở khu vực Nam Bộ khiến hoạt động khai thác chủ lực của công ty gặp nhiều khó khăn bên cạnh những chính sách hạn chế khai thác từ chính quyền.

Do đó, năm nay, BDT muốn chuyển đổi tỷ trọng hoạt động kinh doanh, đầu tư hơn vào khu, cụm công nghiệp do công ty quản lý và đầu tư xây dựng.

Hé lộ nhà đầu tư mua lại toàn vốn phần vốn nhà nước đã thoái trong phiên khiến giá BDT tăng trần - Ảnh 3.

Kết quả và kế hoạch kinh doanh của Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đồng Tháp. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo hợp nhất kiểm toán năm).

Về chiến lược trung và dài hạn, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 6 - 10%/năm, lợi nhuận 8 - 12%/năm. Mục tiêu năm 2021 doanh thu dự kiến đạt 900 tỷ đồng và 170 tỷ đồng lãi trước thuế.

Đồng thời công ty sẽ thực hiện thoái vốn nhà nước theo quyết định ngày 29/6/2020 và có kế hoạch đưa công ty niêm yết trên sàn HOSE.

Minh Hằng