Viettel Construction đặt kế hoạch năm 2022 cao kỷ lục, mục tiêu mảng hạ tầng cho thuê tăng trưởng hơn 70%

Với dự đoán đầu tư công được đẩy mạnh, quy hoạch điện 8 chú trọng hơn vào năng lượng tái tạo và nhu cầu của các nhà mạng mở rộng quỹ trạm BTS, Viettel Construction kỳ vọng tất cả các các mảng kinh doanh sẽ có doanh thu tăng trưởng hai chữ số trong năm nay, đặc biệt là mảng hạ tầng cho thuê tăng tới hơn 70%.

Tổng CTCP Công trình Viettel (Viettel Construction - Mã: CTR) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, dự kiến tổ chức vào sáng 22/4 tới tại Hà Nội.

Năm 2022, Viettel Construction đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 8.586 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 413,8 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 15,1% và tăng 10,3 % so với kết quả năm 2021. Đây đồng thời là kế hoạch cao kỷ lục của tập đoàn.

Trong đó tổng doanh thu của công ty mẹ là 7.607 tỷ đồng và lợi nhuận ròng là 399,4 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 29,5 %, giảm nhẹ so với số 31,6% của năm ngoái.

Trong cơ cấu doanh thu kỳ vọng năm 2022 của Viettel Construction, mảng đầu tư hạ tầng cho thuê dự kiến sẽ tăng trưởng 71%, mảng xây dựng tăng 43% còn mảng vận hành khai thác kỳ vọng tăng gần 13%. (Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ CTR).

Theo nhận định của Viettel Construction, ba yếu tố là quy hoạch điện 8 dự kiến được Chính phủ ban hành năm 2022 với cơ hội tiếp tục phát triển mảng năng lượng tái tạo (triển khai và đầu tư); Chính phủ thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0 làm tăng chuyển dịch số trong sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng có tâm lý tích cực sau khi vắc xin đã được tiêm phổ biến sẽ là cơ hội cho các lĩnh vực đang đầu tư của Viettel Construction.

Đặc biệt, năm 2022, đầu tư công sẽ tập trung vào dự án tạo động lực phát triển kinh tế cả nước; Tập đoàn Viettel và CTCP Tư vấn Xây dựng Công nghiệp và Đô thị Việt Nam (VCC) đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với nhiều Tập đoàn lớn như ACV, Tân Cảng Sài Gòn, NovaLand, GFS, TTC, Minh Linh, MBland, FCN… là điều kiện thuận lợi cho trụ xây dựng dân dụng tăng trưởng mạnh.

Ngoài ra, các Sở Thông tin và Truyền Thông tại các tỉnh/TP có quy hoạch tuyến cống bể hạ ngầm giai đoạn 2020-2025; Các nhà mạng (Viettel, Mobifone, …) vẫn có định hướng mở rộng quỹ trạm BTS và tối ưu chi phí do ảnh hưởng của covid nên sẽ tăng tỉ trọng thuê trạm BTS xã hội hóa. Đây là cơ hội cho tập đoàn đầu tư thêm và tăng tỷ lệ dùng chung hạ tầng,...

Về kế hoạch cổ tức, Viettel Construction dự kiến chia với tổng tỷ lệ 33,1% cho năm 2021, trong đó 10% bằng tiền mặt, còn lại cổ phiếu. Công ty dự kiến phát hành hơn 21,4 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 23,1% từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trong năm nay.

Còn tỷ lệ cổ tức cho năm 2022 dự kiến từ 10% đến 20%, chưa rõ bằng tiền mặt hay cổ phiếu.

Bên cạnh đó, công ty sẽ trình cổ đông loại bỏ một số ngành nghề kinh doanh đã đăng ký và bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh mới là Kinh doanh dịch vụ giải pháp và sản phẩm lọc nước, xử lý nước, hệ thống cung cấp nước, hệ thống tưới tiêu và Cung cấp, lắp đặt thiết bị dành cho nhà xưởng, khu công nghiệp.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/viettel-construction-dat-ke-hoach-nam-2022-cao-ky-luc-muc-tieu-mang-ha-tang-cho-thue-tang-truong-hon-70-202244154649677.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/