Vietnam Airlines thiệt hại nặng nề nhất trong số các TĐ- TCT Nhà nước, lỗ gần 2.400 tỉ đồng trong quí I, nguy cơ thiếu hụt dòng tiền xấp xỉ 15.000 tỉ đồng trong năm 2020

Các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực giao thông - vận tải đang phải nếm trải những tháng ngày khó khăn nhất trong lịch sử vì đại dịch COVID-19; Vietnam Airlines có quí lỗ đầu tiên kể từ quí IV/2016, VNR cho biết gần như không có khách đi tàu, hay với Vinalines, lượng hàng hóa vận chuyển cũng đã sụt giảm nghiêm trọng.

Vietnam Airlines thiếu hụt dòng tiền, có thể lỗ gần 20.000 tỉ đồng trong năm nay

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) được cho biết sẽ là Tổng công ty Nhà nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỉ đồng, giảm 6.712 tỉ đồng so với cùng kì; và lỗ 2.383 tỉ đồng. Đây chính là lần thua lỗ đầu tiên của Vietnam Airlines kể từ quí IV/2016. 

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban), nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài và kết thúc trong quí IV, doanh thu của Vietnam Airlines sẽ ước chỉ đạt 38.140 tỉ đồng, giảm 72.411 tỉ đồng so với kế hoạch, và số ước lỗ lên tới 19.651 tỉ đồng. 

Vietnam Airlines hiện đã dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và duy trì khai thác đường bay nội địa với mức tối thiểu. Ngay từ tháng 3/2020, Vietnam Airlines đã buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn. Lượng tiền dự trữ của công ty từ 3.500 tỉ đồng cũng đã cạn kiệt. 

Báo cáo của Ủy ban cho biết, Vietnam Airlines hiện đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Dư nợ vay ngắn hạn đến ngày 20/3 đã lên tới 3.568 tỉ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt xấp xỉ 15.000 tỉ đồng trong năm 2020. 

Với tình hình tài chính trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho vay theo yêu cầu của Vietnam Airlines và các công ty con. Ngoài số vay ngắn hạn đến cuối năm 2020 là 3.517 tỉ đồng, hãng hàng không quốc gia cần sự hỗ trợ từ Nhà nước với tổng số tiền 12.000 tỉ đồng và bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020. 

Lợi nhuận của ACV được dự báo bốc hơi 86% so với kế hoạch

Vietnam Airlines lỗ gần 2.400 tỉ đồng trong quí I, nguy cơ thiếu hụt dòng tiền xấp xỉ 15.000 tỉ đồng trong năm 2020 - Ảnh 1.

Cảng hàng không Nội Bài. Nguồn: ACV

Khi vận tải hàng không đình trệ, doanh thu của Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cũng sẽ giảm sút nhiều. Các nguồn thu từ hãng hàng không, hành khách bay và ngay cả các dịch vụ quảng cáo, cho thuê... cũng khó có thể đạt kế hoạch đề ra. 

Theo báo cáo của Ủy ban, doanh thu quí I của ACV ước đạt 4.064 tỉ đồng, giảm 832 tỉ đồng so với cùng kì; lợi nhuận ước đạt 1.857 tỉ đồng, giảm 586 tỉ đồng. 

Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của tổng công ty cảng sẽ chỉ đạt 11.339 tỉ đồng, giảm 10.230 tỉ đồng so với kế hoạch; và lợi nhuận đạt 1.476 tỉ đồng, giảm 9.335 tỉ đồng so với kế hoạch. 

Theo kịch bản của ACV tính toán, với thị trường quốc tế, nếu trong tháng 5/2020 phục hồi dần một số đường bay Trung Quốc; đường bay Châu Âu, Hàn Quốc tạm dừng đến hết tháng 7/2020; các đường bay khác sẽ phục hồi nhưng chậm. 

Với thị trường trong nước, từ cuối tháng 3 đến tháng 5/2020 sản lượng trong nước tiếp tục giảm mạnh từ 60 - 70% và bắt đầu phục hồi từ tháng 6. Tuy nhiên do ảnh hưởng lịch học điều chỉnh nên khả năng sản lượng tăng đột biến trong đợt cao điểm hè như mọi năm sẽ không kì vọng. 

Tổng công ty đường sắt gần như không có khách, hoạt động đường cao tốc và vận tải đường thủy cũng gặp nhiều khó khăn 

Vietnam Airlines lỗ gần 2.400 tỉ đồng trong quí I, nguy cơ thiếu hụt dòng tiền xấp xỉ 15.000 tỉ đồng trong năm 2020 - Ảnh 2.

Nguồn: Báo Đấu thầu

Việc hạn chế đi lại của người dân trong mùa dịch khiến cho lĩnh vực vận tải gặp cảnh ế ẩm, không chỉ hàng không, các doanh nghiệp trong nhóm đường bộ và đường sắt cũng đang có kết quả kinh doanh bết bát. 

Phản ánh của Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết gần như không có khách đi tàu, các công ty vận tải đường sắt đã đề nghị dừng chạy hàng loạt các đoàn tàu trong nước và tàu liên vận quốc tế. 

Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu vận tài hành khách đạt 528 tỉ đồng, giảm 65 tỉ đồng so với cùng kì; ước lỗ của VNR khoảng 100 tỉ đồng. 

Dự kiến của năm, công ty mẹ sẽ giảm doanh thu từ 700 tỉ đồng đến 1.000 tỉ đồng so với kế hoạch và lỗ từ 694 tỉ đồng đến 935 tỉ đồng tùy vào từng thời điểm kết thúc dịch COVID-19. 

Theo Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), lưu lượng xe trên đường bộ kể từ đầu năm cũng đã giảm mạnh, đặc biệt tại các tuyến Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi. 

Trong quí I, doanh thu của VEC ước giảm 15 tỉ đồng. Dự kiến nếu dịch kéo dài đến quí IV/2020, doanh thu cả năm của VEC ước giảm 553 tỉ đồng với kế hoạch, còn chưa đầy 3.700 tỉ; số lỗ ước 140 tỉ đồng. 

Hoạt động vận tải biển ngưng trệ, nhu cầu vận chuyển hàng hóa sụt giảm mạnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và gần đây lan sang Châu Âu - Bắc Mỹ. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết hệ thống cảng bị ảnh hưởng do các tàu hủy lịch không đến cảng, hoặc hủy chuyến, hoặc neo chờ thậm chí đến 10 ngày; các hoạt động vận tải, kho bãi giảm sản lượng khoảng 40% so với cùng kì. 

Hầu hết đội tàu của Vinalines không đủ việc làm, dẫn đến không có dòng tiền trả nợ và chi phí duy trì đội tàu; hoạt động tạm nhập tái xuất và hoạt động của các cảng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là chi phí lưu kho tăng cao. 

Doanh thu hợp nhất 3 tháng đầu năm của Vinalines ước đạt 2.218 tỉ đồng, giảm 626 tỉ đồng; doanh thu công ty mẹ ước đạt 281 tỉ đồng, giảm 87 tỉ đồng so với cùng kì. Tổng công ty ước lỗ hợp nhất 113 tỉ đồng, ước lỗ công ty mẹ 94 tỉ đồng. 

Trong trường hợp dịch kéo dài đến hết quí IV/2020, doanh thu công ty mẹ ước chỉ đạt 1.269 tỉ đồng, giảm 279 tỉ đồng so với kế hoạch; số lỗ khoảng 76 tỉ đồng.

Nhiều kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp ngành giao thông vận tải

Vietnam Airlines thiệt hại nặng nề nhất trong số các TĐ- TCT Nhà nước, lỗ gần 2.400 tỉ đồng trong quí I, nguy cơ thiếu hụt dòng tiền xấp xỉ 15.000 tỉ đồng trong năm 2020 - Ảnh 3.

Ảnh minh họa. Nguồn: Saomaiport

Trong những kiến nghị gửi đến Chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp ứng phó với những tác động của dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp ngành giao thông - vận tải, đặc biệt là Vietnam Airlines nhận được nhiều sự quan tâm. 

Với các hỗ trợ về thuế, tài chính, thương mại, đầu tư, Ủy ban đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường với các sản phẩm xăng dầu trong năm 2020 cho các doanh nghiệp vận tải như Vietnam Airlines, Vinalines và VNR... 

Đối với Ngân hàng Nhà nước, xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng; không tĩnh lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch; được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ; đồng thời tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay để đảm bảo kinh doanh. 

Ủy ban đề nghị Ngân hàng Nhà nước cũng phải sớm có hướng dẫn về trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0%. Trong đó, Vietnam Airlines đáng khó khăn và đề nghị được hỗ trợ khoảng 12.000 tỉ đồng, bắt đầu từ tháng 4/2020 để duy trì hoạt động, đảm bảo thanh khoản cho doanh nghiệp. 

Bộ Tài chính xem xét phương án giảm thuế VAT, lùi thời hạn giảm thuế, miễn giảm khoản chậm nộp thuế, tiền thuê đất bị truy thu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... để đảm bảo dòng tiền. 

Ủy ban kiến nghị Bộ hỗ trợ Vietnam Airlines trong quá trình làm việc với các tổ chức tín dụng xuất khẩu ECAs và US Exim, các ngân hàng cho vay về các giải pháp giãn, hoãn thanh toán các khoản vay có bảo lãnh của Bộ Tài chính trong thời gian dừng cho bay do ảnh hưởng của COVID-19; cho phép Vietnam Airlines không tính chi phí khấu hao đối với tàu bay sở hữu và thuê tài chính trong thời gian dừng bay và điều chỉnh tăng thời gian khấu hao lên tương ứng; không thực hiện phân bổ các chi phí chờ phân bổ gắn với đội bay trong thời gian tàu bay dừng khai thác...

Ủy ban kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu chính sách bảo hộ đối với Vietnam Airlines trong vấn đề phân bổ slot; cho phép ACV được tận dụng thời điểm thấp điểm về chuyến bay để sửa chữa, nâng cấp sân bay, đường băng đang bị xuống cấp như tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài...

Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính xem xét giảm mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng với VNR tương đương với 8% doanh thu vận tải; phí cất, hạ cánh, điều hành bay với Vietnam Airlines; phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển với doanh nghiệp vận tải biển (Vinalines)...

Ủy ban kiến nghị cho phép công ty VEC được sử dụng nguồn thu phí của dự án để thanh toán cho các nhà thầu xây lắp thuộc dự án Nội Bài - Lào Cai; giải quyết các vướng mắc liên quan đến cơ chế, nguồn vốn thực hiện dự án Bếc Lức - Long Thành; cơ chế thu xếp nguồn vốn thay thế nguồn vốn vay của WB tại dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi. 

Ủy ban kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xử lí dứt điểm những vướng mắc trong đầu tư lắp đặt hệ thống thu phí ETC để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng, giảm thiểu việc sử dụng tiền mặt tại các trạm thu phí, hạn chế nguy cơ lây lan bệnh. 

Với Bộ Công Thương, Ủy ban kiến nghị phối hợp và hỗ trợ Vinalines làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, hiệp hội và các chủ hàng về việc sử dụng dịch vụ vận tải biển của Việt Nam để vận chuyển hàng xuất nhập khẩu. Miễn thuế thu nhập cho thuyền viên chạy tuyến nội địa và tuyến quốc tế đã được Chính phủ phê duyệt, miễn thuế nhập khẩu các loại vật tư, phụ tùng, trang thiết bị mà Việt Nam chưa sản xuất được để sửa chữa tàu biển hoặc sản xuất được nhưng chưa được các tổ chức chuyên ngành hàng hải quốc tế có thẩm quyền công nhận phù hợp. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vietnam-airlines-lo-gan-2400-ti-dong-trong-qui-i-nguy-co-thieu-hut-dong-tien-xap-xi-15000-ti-dong-trong-nam-2020-20200406150945223.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/