|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines nói ‘giá vé thấp gây mất an toàn bay’ là hết sức vô lý, không thể vì đó mà áp giá sàn

13:53 | 28/09/2021
Chia sẻ
Chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống cho rằng an toàn bay và giá vé là hai phạm trù riêng biệt, không có chuyện mua vé giá cao thì được an toàn hơn mua vé giá thấp như Chủ tịch Vietnam Airlines phát biểu.
PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống: Nói ‘giá vé thấp gây mất an toàn bay’ là hết sức vô lý, không vì đó mà nâng giá vé - Ảnh 1.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng giá vé máy bay quá thấp gây ảnh hưởng tới an toàn hàng không. (Ảnh minh họa: Vietnam Airlines)

Vé đắt hay rẻ cũng phải an toàn

Tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội của Quốc hội diễn ra vào sáng 27/9, ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho rằng việc giá vé máy bay thấp hiện nay có thể ảnh hưởng tới an toàn hàng không.

Nếu các hãng cứ cạnh tranh với nhau bằng cách hạ giá vé, thậm chí xuống còn thấp hơn giá xăng dầu của một chuyến bay thì ảnh hưởng đến an toàn hàng không là rất lớn. Nếu xảy ra sự cố an toàn bay thì không phải riêng từng hãng bị thiệt hại mà tác động đến cả quốc gia, VTV.VN dẫn lời ông Hòa nhận định.

Trao đổi với phóng viên, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, một chuyên gia về hàng không, cho biết việc nói giá vé máy bay thấp ảnh hưởng tới an toàn bay là "hết sức vô lý"

"Giá vé là vấn đề tính toán kinh tế. Còn an toàn bay là do bộ phận chuyên trách của từng hãng hàng không và cơ quan quản lý Nhà nước như Cục Hàng không đảm nhiệm. Các hãng sẽ không dại gì cắt giảm chi phí tới mức ảnh hưởng an toàn bay", ông Tống cho hay.

PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống: Nói ‘giá vé thấp gây mất an toàn bay’ là hết sức vô lý, không vì đó mà nâng giá vé - Ảnh 2.

PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không. (Ảnh: Tạp chí Hàng không).

Giá vé máy bay phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và rất đa dạng chứ không phải chỉ có một con số như các loại hàng hóa khác. Vé thương gia đắt hơn vé phổ thông, thậm chí cùng một hạng vé cũng chênh lệch nhau.

"Hai người ngồi cùng một hàng ghế, nhưng tôi đặt vé từ trước đó vài tháng thì giá rất rẻ, anh mua vào phút chót thì giá cực cao. Vậy tôi có an toàn hơn anh hay không? Vietnam Airlines nói vậy là suy luận cảm tính."

Ông Tống cũng cho biết trên thế giới không có bằng chứng hay căn cứ nào để khẳng định hãng bay giá rẻ kém an toàn hơn các hãng đắt tiền.

Làm gì có phương trình, công thức hay quy luật nào nói rằng "Hạ giá xuống thì không an toàn, tăng giá lên thì an toàn hơn"? Hoàn toàn vô lý.

PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường Đại học Bách khoa TP HCM

Vietnam Airlines nhờ "ông ngoại" áp giá sàn cũng không cải thiện an toàn bay

Theo quy định của pháp luật hiện nay, ngành hàng không chỉ có giá trần vé máy bay theo chiều dài từng chặng, không có giá sàn.

Vietnam Airlines mới đây đề nghị áp dụng giá sàn bằng 44% giá trần của chặng bay tương ứng. Đây là mức mà Trung Quốc từng áp dụng từ năm 2016 trở về trước. Cục Hàng không cho rằng tỷ lệ 44% là quá cao, gây tổn hại cho hành khách cũng như các hãng tư nhân nên đã khuyến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ nên chọn mức 20%.

PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống: Nói ‘giá vé thấp gây mất an toàn bay’ là hết sức vô lý, không vì đó mà nâng giá vé - Ảnh 4.

Mức giá trần hiện nay và đề xuất giá sàn của Vietnam Airlines, Cục Hàng không.

PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống cho biết từ trước đến nay khi giá sàn bằng 0, các hãng cạnh tranh với nhau rất sòng phẳng và cũng không ảnh hưởng gì tới an toàn bay. "Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, càng không nên can thiệp bằng giá sàn, hãy để các hãng bay phải cải tiến quản lý, vận dụng khuyến mại để kích thích nhu cầu hành khách".

PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng nhận định thị trường hàng không có các hãng cạnh tranh với nhau như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways thì không cần phải áp dụng giá sàn. Nếu áp sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đồng thời trái quy định của Luật Giá 2012.

Ông Tống còn nêu quan điểm: Hiện nay không những không nên áp giá sàn mà có thể tiến tới bỏ giá trần luôn. "Các hãng cạnh tranh với nhau, có giá thấp và giá cao. Hãng nào giá cao thì khách không đi, thế nên không cần giá trần làm gì. Ai muốn tăng giá thì cứ việc tăng, sẽ không có người mua".

"Vietnam Airlines đã một mình một chợ từ bao lâu, lợi thế rất nhiều. Hãng có nỗ lực tích lũy, nâng chất lượng, nhưng cải tiến quản lý vẫn chưa tốt. Vị thế của Vietnam Airlines đang bị đe dọa nên đã quay sang đề xuất Nhà nước áp giá sàn, cũng giống như có cô gái dạo trước nhờ ông ngoại cho tiêm vắc xin vậy", PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống so sánh.

Vietnam Airlines cố đấu tranh cho ra giá sàn là vì giá sàn có lợi cho họ mà bất lợi cho các hãng khác"

PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống

Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết Indonesia từng gặp trường hợp mất an toàn bay khi giá vé quá thấp nên nước này đã phải áp dụng giá sàn.

Theo TS. Nguyễn Thiện Tống, hiện nay trên thế giới chỉ còn Indonesia là nước duy nhất có cơ chế giá sàn vé máy bay, Ấn Độ và Trung Quốc từng áp dụng nhưng đã bỏ trong vài năm qua.

Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đều không áp dụng giá sàn, vậy hàng không của các nước đó có kém an toàn không?

"Indonesia là nước duy nhất trên thế giới có giá sàn và an toàn bay của họ kém hơn Việt Nam. Trung Quốc nhận thấy việc áp dụng giá sàn là sai lầm và đã chấm dứt từ 5 năm trước. Vậy tại sao Vietnam Airlines lại đề xuất áp tỷ lệ giá sàn mà Trung Quốc đã bỏ đi?", ông Tống đặt câu hỏi.

Đức Quyền - Song Ngọc