Vietnam Airlines lý giải việc đặt kế hoạch doanh thu gấp đôi năm ngoái nhưng lỗ không giảm tương ứng

Vietnam Airlines cho biết năm 2022 có thuận lợi là thị trường hàng không hồi phục rất mạnh nhưng cũng kèm theo khó khăn là giá nhiên liệu cao đột biến, khiến cho khoản lỗ của tổng công ty không thể giảm nhanh.

Tòa nhà trụ sở của Vietnam Airlines tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Quyền).

Sáng nay 28/6, đại hội cổ đông thường niên 2022 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu công ty mẹ dự kiến 45.252 tỷ đồng, cao gấp 2,44 lần so với năm 2021.

Tuy nhiên, mức lỗ sau thuế của công ty mẹ ước tính vẫn lên tới 9.335 tỷ đồng, chỉ giảm khoảng 21% (tương đương 2.500 tỷ) so với năm ngoái. Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cho biết Vietnam Airlines đặt ra kế hoạch tài chính như trên là bởi tình hình hoạt động trong năm 2022 có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng cũng tồn tại lắm khó khăn. 

Dự kiến doanh thu công ty mẹ của Vietnam Airlines năm 2022 còn kém xa trước dịch nhưng sẽ cải thiện nhiều so với năm ngoái.

"Thị trường hàng không hồi phục mạnh mẽ vượt mọi dự báo"

Về phía thuận lợi, thị trường vận tải hàng không đang hồi phục mạnh mẽ, nhất là các chặng bay nội địa. Thị trường quốc tế hiện chỉ bằng khoảng 20% trước dịch nhưng nhờ thị trường trong nước cải thiện rõ rệt nên dòng tiền mà Vietnam Airlines thu về hàng ngày đã đạt khoảng 80% so với trước dịch, ông Hiền thông tin trước đại hội.

“Trong năm 2022, Vietnam Airlines sẽ duy trì khả năng thanh toán, đảm bảo hoạt động liên tục và không có khó khăn về dòng tiền”, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền khẳng định và cho biết thêm rằng ngoài sự thuận lợi của thị trường, Vietnam Airlines cũng đã được nhiều chủ nợ và nhà cung ứng hỗ trợ, cho giãn – hoãn tiến độ thanh toán.

Lãnh đạo Vietnam Airlines tuyên bố sẽ tranh thủ cơ hội khi thị trường phục hồi để gia tăng doanh thu và cải thiện dòng tiền.

Tuy nhiên, di chứng sau hai năm ảnh hưởng bởi COVID là rất nặng nề. Lỗ lũy kế hợp nhất của Vietnam Airlines tại ngày cuối năm 2021 đã lên tới gần 1 tỷ USD. “Việc khắc phục di chứng và hậu quả để lại cần thời gian khá dài”, vị Kế toán trưởng cho hay.

Công ty mẹ Vietnam Airlines có nguy cơ thua lỗ ba năm liên tiếp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 5 vừa qua đạt 173.000 lượt, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch và nhiều đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.

Tuy nhiên nếu so với cùng kỳ trước dịch (tháng 5/2019), lượng khách tháng vừa qua chỉ bằng 13%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 365.300 lượt người, gấp 4,5 lần cùng kỳ năm ngoái nhưng chỉ bằng 5% trước dịch. 

Nhân tố tiêu cực: Giá nhiên liệu tăng phi mã

Giá nhiên liệu bay bình quân năm 2021 là khoảng 72 USD/thùng, 6 tháng đầu năm 2022 là 116 USD/thùng. Vietnam Airlines dự kiến giá trung bình cả năm nay là 138 – 140 USD/thùng. “Giá nhiên liệu năm nay gần như gấp đôi năm 2021”, ông Hiền cho hay.

Tại châu Phi tháng 5 vừa qua, các hãng hàng không của Nigeria đã cảnh báo nguy cơ phải dừng bay vì giá nhiên liệu quá cao. Chính phủ Nigeria sau đó đã phải hỗ trợ một phần chi phí xăng máy bay cho các hãng.

Tại Australia, Qantas Airways tuần trước đã thông báo cắt giảm số chuyến bay nội địa cũng vì giá xăng tăng mạnh.

Thống kê của Trung tâm Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dưới đây cho thấy giá nhiên liệu bay Jet A1 giữa tháng 6 này vào khoảng 171 USD/thùng, thấp hơn so với mức đỉnh hồi cuối tháng 4 nhưng cao hơn nhiều so với năm 2021.

Giá nhiên liệu bay lên cao chưa từng thấy trong nửa đầu năm 2022.

Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết kế hoạch kinh doanh công bố trước đại hội được xây dựng dựa trên giả định giá nhiên liệu bình quân nửa cuối năm khoảng 115 USD/thùng nhưng giá ngay ngày hôm nay là trên 162 USD/thùng.

“Nếu giá nhiên liệu từ nay đến cuối năm cứ trên 160 đô, thì phần chi phí tăng thêm so với kế hoạch đã trình đại hội cổ đông khoảng 4.300 tỷ đồng. Đây là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới cân đối thu chi kinh doanh”, ông Trần Thanh Hiền nói.

Khi giá xăng máy bay ở mức 133 USD/thùng thì chi phí nhiên liệu chiếm 40% tổng chi phí khai thác của Vietnam Airlines. Trong tháng 6 và 7 khi giá xăng lên tới 160-165 USD/thùng thì chi phí nhiên liệu chiếm xấp xỉ 50% tổng chi phí.

“Với cấu trúc chi phí như vậy thì tôi không tin có hãng nào kinh doanh có lãi vào thời điểm hiện nay. Cách đây hơn chục năm, giá nhiên liệu bay cao nhất là 147 đô, thông điệp khi đó rất rõ: Với mức chi phí như vậy thì chẳng có cách nào để các hãng hàng không có lãi”, lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay.

Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền ước tính nếu giá nhiên liệu trung bình năm nay là 80 USD/thùng, tức là không chênh quá nhiều so với mức 72 USD/thùng của năm ngoái, thì Vietnam Airlines sẽ chỉ lỗ tối đa 3.000 – 4.000 tỷ thay vì mức hơn 9.000 tỷ như kế hoạch hiện nay.

Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines phát biểu tại đại hội cổ đông thường niên sáng 28/6/2022. (Ảnh: Đức Quyền).

Khi được hỏi về việc sử dụng hợp đồng phái sinh để rào chắn rủi ro (hedging) giá nhiên liệu, ông Hiền cho biết Vietnam Airlines là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của nước ta tham gia vào thị trường hedging từ năm 2010.

Tuy nhiên, Vietnam Airlines coi hedging là một con dao hai lưỡi, có thể giúp quản trị giá nhiên liệu nhưng chưa chắc đã giúp giảm chi phí, nhiều khi còn làm chi phí cao hơn.

Ngoài ra, khuôn khổ pháp lý cũng không thực sự rõ ràng nên các doanh nghiệp nhà nước như Vietnam Airlines chưa thể thực hiện được. “Đặc biệt khi giá dầu đã lên ngưỡng này rồi thì hedging lại càng khó”, Kế toán trưởng của hãng hàng không quốc gia cho hay.

Ngoài giá nhiên liệu lên cao, các biến động về tỷ giá, lãi suất và bất ổn địa chính trị tại Nga và Ukraine cũng ảnh hưởng tới tình hình kinh tế chung và hoạt động của ngành hàng không nói riêng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines đã khai thác trở lại đến 14 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm: Anh, Pháp, Đức, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Lào, Campuchia.

Hôm 15/6, hãng đã mở thêm đường bay mới đến Ấn Độ. Hãng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ngay lập tức khai thác trở lại các đường bay đến Trung Quốc, Myanmar, Nga khi điều kiện cho phép.

Vietnam Airlines đang khai thác tổng cộng 35 đường bay quốc tế, bằng 53% so với 2019. Từ tháng 7 tới đây, Vietnam Airlines sẽ nâng số đường bay quốc tế lên 39, bằng 60% trước dịch. Dự kiến từ tháng 11/2022, các đường bay quốc tế trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…) sẽ khôi phục lại tần suất tương đương năm 2019, đường bay Châu Âu tiếp tục hoàn thiện tần suất. Vietnam Airlines kỳ vọng cuối năm 2023, có thể phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế giống như năm 2019. 

Việc dần phục hồi khai thác các đường bay quốc tế là cơ hội để Vietnam Airlines gia tăng doanh thu và cải thiện hiệu quả kinh doanh. Năm 2019 khi COVID chưa bùng phát, mạng bay quốc tế đóng góp 65% doanh thu của hãng hàng không quốc gia.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vietnam-airlines-ly-giai-viec-dat-ke-hoach-doanh-thu-gap-doi-nam-ngoai-nhung-lo-khong-giam-tuong-ung-202262817575057.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/