Vietnam Airlines chỉ còn hơn 1.000 tỷ vốn chủ sở hữu, đòn bẩy cao hơn nhiều ngân hàng

Vietnam Airlines vừa ghi nhận quý thua lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động, lớn hơn cả số lỗ của các quý trong năm 2020 khi toàn quốc phải phong tỏa để chống dịch COVID-19. Vốn chủ sở hữu cuối quý I chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng.

Vietnam Airlines lỗ kỷ lục gần 5.000 tỷ đồng trong quý I - Ảnh 1.

Tàu bay thân rộng Airbus A350-900 của Vietnam Airlines trong quá trình bảo dưỡng. (Ảnh: Song Ngọc).

Quý thua lỗ kỷ lục

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) vừa cho biết số lỗ sau thuế của công ty mẹ trong quý I/2021 lên tới 4.565 tỷ đồng, tăng 158% so với khoản lỗ 1.771 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Khoản lỗ sau thuế hợp nhất là 4.965 tỷ đồng, tăng 90%.

Vietnam Airlines cho biết đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không toàn cầu và Vietnam Airlines cũng không phải ngoại lệ.

Doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ giảm 65% so với quý I năm ngoái tương đương giảm 9.558 tỷ đồng. Giảm mạnh nhất là doanh thu cung cấp dịch vụ với tỷ lệ đi xuống gần 64%, trong đó  doanh thu nội địa giảm 26%, quốc tế hụt 97% và thuê chuyến giảm 84%.

Tổng chi phí quý I của công ty mẹ chỉ giảm 41%. Do tốc độ giảm của doanh thu lớn hơn so với chi phí nên số lỗ của công ty mẹ trong quý I năm nay tăng thêm 2.793 tỷ đồng so với số lỗ của quý đầu năm ngoái.

Vietnam Airlines lỗ kỷ lục gần 5.000 tỷ đồng trong quý I - Ảnh 2.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đi xuống một phần do sự sa sút của công ty mẹ, phần khác do các công ty con trong hoạt động phục vụ mặt đất hay nhiên liệu như Vacs, Skypec, Viags, … cũng gặp khó khăn.

Vốn chủ sở hữu bằng 1,7% tổng tài sàn

Trên bảng cân đối kế toán, khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/3/2021 đang âm 14.219 tỷ đồng, tức là lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã lớn hơn vốn điều lệ (14.183 tỷ). 

Nhờ một số khoản như thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, chênh lệch tỷ giá hối đoái, ... nên vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines vẫn dương 1.030 tỷ, bằng 1,7% tổng nguồn vốn.

Nói cách khác, việc thua lỗ liên tục 5 quý đã khiến cho vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines xuống thấp, dẫn tới tỷ lệ đòn bẩy tài chính (nợ/vốn chủ) của Vietnam Airlines tại thời điểm cuối quý I lên tới 57,8 lần. 

Nếu chỉ tính nợ vay và thuê tài chính (loại trừ các khoản phải trả, doanh thu chưa thực hiện, ...) thì tỷ lệ đòn bẩy của Vietnam Airlines cũng lên tới 33,3 lần. 

Vietnam Airlines chỉ còn hơn 1.000 tỷ vốn chủ sở hữu, đòn bẩy cao hơn nhiều ngân hàng - Ảnh 3.

Ngay cả các ngân hàng - những tổ chức nổi tiếng là đi vay nhiều - cũng không có tỷ lệ đòn bẩy cao đến vậy. Chẳng hạn, tại ngày 31/3 năm nay, Techcombank có tỷ lệ tổng nợ/vốn chủ là 4,9 lần, ACB là 10,9 lần, VietinBank là 13,6 lần, Vietcombank là 11,7 lần, ...

Cổ đông Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối tại Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu 86,2%, cổ đông chiến lược ANA Holdings đến từ Nhật Bản đang sở hữu 8,77%. Còn lại khoảng 5% vốn – tương đương hơn 71 triệu cổ phiếu HVN – được tự do chuyển nhượng trên thị trường chứng khoán.

Với tư cách là chủ sở hữu lớn nhất, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ riêng cho Vietnam Airlines, bên cạnh các biện pháp trợ giúp ngành hàng không nói chung.

Ngày 26/3 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 450 quy định về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng (TCTD) cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

NHNN tái cấp vốn không cần tài sản bảo đảm trên cơ sở đề nghị của TCTD sau khi cho Vietnam Airlines vay. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn cho TCTD là 4.000 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn 0%. Hiện chưa rõ Vietnam Airlines đã nhận được tiền từ chính sách hỗ trợ này hay chưa.

Ngoài ra, Vietnam Airlines còn được phép phát hành thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu để huy động 8.000 tỷ đồng mà không cần đáp ứng điều kiện "Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán" như quy định trong Luật Chứng khoán 2019.

Vietnam Airlines dự kiến chào bán cổ phiếu trong nửa đầu năm 2021 này, số tiền thu được sẽ dùng để thanh toán các khoản nợ quá hạn, bù đắp vốn thiếu hụt trong sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn ... tuyệt đối không dùng để đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tại ngày cuối năm 2020, Vietnam Airlines đang nợ quá hạn 6.600 tỷ đồng.

Năm 2020, Tổng công ty (bao gồm ba hãng là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) đã khai thác tổng cộng gần 111.000 chuyến bay, giảm xấp xỉ 34% so với năm 2019.

Trong quý I/2021, Tổng công ty thực hiện 26.190 chuyến bay, giảm 29%. Toàn ngành hàng không Việt Nam thực hiện hơn 58.300 chuyến, giảm gần 25% so với cùng kỳ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vietnam-airlines-lo-ky-luc-gan-5000-ty-dong-trong-quy-i-20210429182128216.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/