Vì sao thị phần tín dụng của VietinBank, BIDV và Agribank thu hẹp, còn Vietcombank mở rộng trong 5 năm qua?

Theo VDSC, yêu cầu về an toàn vốn đã tạo cơ hội cho các ngân hàng có nguồn lực tốt và gây áp lực lên các ngân hàng còn lại. Qua đó, khiến thị phần tín dụng của của VietinBank, BIDV và Agribank bị thu hẹp, trong khi Vietcombank và một số ngân hàng tư nhân khác tiếp tục mở rộng.

Bộ phận nghiên cứu Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo cập nhật thị phần tín dụng của các ngân hàng. Trong đó, nhóm phân tích đưa ra một số lý giải cho sự thu hẹp thị phần tín dụng của Agribank, VietinBank và BIDV những năm qua.

Theo VDSC, trong 5 năm gần đây, ngành ngân hàng chứng kiến sự phát triển của các ngân hàng tư nhân về thị phần tín dụng.

Cụ thể, 26 ngân hàng niêm yết tính đến năm 2020 đã tăng tổng thị phần tín dụng từ 65,4% cuối năm 2015 lên 71,3% năm 2020. Khi tính cả Agribank - một trong hai bên cho vay lớn nhất thị trường, 27 ngân hàng này chiếm 84,5% tổng thị phần tín dụng năm 2020. 

Tuy nhiên, phần lớn thị phần gia tăng những năm qua thuộc về các ngân hàng thương mại tư nhân, trong khi thị phần tín dụng của các ngân hàng quốc doanh bị thu hẹp.

VDSC cho rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là yêu cầu về vốn, tạo cơ hội cho các ngân hàng có nguồn lực tốt và gây áp lực lên các ngân hàng còn lại. Trong quá trình phát triển của ngành ngân hàng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, kỳ vọng sẽ có sự phân hóa hơn nữa trong ngành.

151286080_202099488340607_8812294120141284964_n.png

Theo nhóm phân tích, áp lực về vốn có sự khác biệt trong số bốn nhà cho vay lớn nhất gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank. Điều này dẫn đến việc VietinBank đã kém hiệu quả về tăng trưởng tín dụng.

Vietcombank là ngân hàng duy nhất trong nhóm Big4 đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn trung bình toàn ngành (16,2% so với 14,6%). Ngân hàng này đã duy trì tốt đà tăng trưởng tín dụng với hệ số an toàn vốn (CAR) ổn định và mức ROE cao (trên 20%).

Trong khi đó, VietinBank bị hạn chế bởi nền tảng vốn mỏng, tỷ lệ đòn bẩy cao, hiệu quả thấp và không đủ dư địa để pha loãng tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Kết quả là, ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng tín dụng hàng năm một con số trong giai đoạn 2018 - 2020 và thị phần của ngân hàng đã giảm đáng kể trong 5 năm qua (-1,51 điểm %).

Agribank cũng bị mất thị phần tín dụng. Tỷ lệ CAR của ngân hàng, theo chuẩn Basel II, chỉ ở mức 6% trong năm 2020 và thị phần giảm 0,8 điểm % so với mức đỉnh năm 2018.

BIDV cũng đã chứng kiến tăng trưởng tín dụng chậm lại những năm gần đây, khi tác động tích cực từ đợt phát hành riêng lẻ giảm dần. Tỷ lệ CAR của nhà băng này tính đến nửa đầu năm 2020 ở mức 8,97%, gần mức yêu cầu 8% của Basel II. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tại BIDV tăng trưởng âm đã mang lại dư địa cho dư nợ cho vay khách hàng, do áp lực từ nền vốn mỏng lên hạn mức mở rộng tín dụng.

Số liệu của VDSC cho thấy, các ngân hàng quốc doanh đã mất 1,42 điểm % thị phần tín dụng trong 5 năm qua. Trong đó, Vietcombank là một ngoại lệ, với mức tăng 0,64 điểm %.

Các ngân hàng quốc doanh chủ yếu dựa vào khoản cho vay khách hàng để tăng trưởng dư nợ tín dụng. BIDV và VietinBank nắm giữ một lượng trái phiếu doanh nghiệp đáng kể trong giai đoạn 2016-2019. Mặc dù tăng trưởng tín dụng thấp, các ngân hàng này vẫn giảm đáng kể số dư trái phiếu doanh nghiệp trong 3 năm qua (73.000 tỷ đồng).

153318565_786779832225470_2687072561986300965_n.png

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-thi-phan-tin-dung-cua-vietinbank-bidv-va-agribank-thu-hep-con-vietcombank-lien-tuc-mo-rong-trong-5-nam-qua-20210223113342631.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/