Vì sao chứng khoán Mỹ vẫn tăng mạnh bất chấp số liệu thất nghiệp xấu chưa từng thấy?

Việc thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đà tăng trong phiên 26/3 bất chấp số lượng người xin trợ cấp thất nghiệp tăng vọt có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường giá xuống đang dần tạo đáy. Phố Wall đánh giá rằng thị trường giá xuống sẽ chấm dứt khi các đợt bán tháo đã cạn kiệt.

Vì sao chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm bất chấp các tin tức xấu - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Có thể giờ vẫn còn quá sớm để tuyên bố rằng thị trường giá xuống (thị trường gấu) đã kết thúc, nhưng động thái của thị trường chứng khoán Mỹ ngày 26/3 chắc chắn có ý nghĩa quan trọng.

(Thị trường giá xuống được xác định khi chỉ số chứng khoán chính giảm trên 20% so với mức đỉnh gần nhất, thường trong vòng 52 tuần)

Có một câu nói được phần đông các nhà đầu tư phố Wall coi là đúng: thị trường giá xuống chấm dứt khi có tin xấu. Và thực tế, những thông tin được công bố hôm 26/3 thì giống như một cơn ác mộng với nền kinh tế Mỹ.

Theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ, trong tuần vừa qua, số lượng đơn xin trợ cấp thấp nghiệp tăng vọt lên mức gần 3,3 triệu người. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cao nhất trước đó là chỉ là 695.000 người trong cuộc suy thoái năm 1982, chưa đến 1/4 con số kỉ lục được công bố ngày 26/3.

Vì sao chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm bất chấp các tin tức xấu - Ảnh 2.

Bất chấp thông tin này, chứng khoán Mỹ vẫn phục hồi mạnh mẽ, thậm chí có lúc đã tăng hơn 20% so với mức đáy gần đây nhất – đặc điểm của thị trường giá lên. Trong khi đó, mới chỉ vài ngày trước, chứng khoán Mỹ đã chấm dứt thị trường giá lên dài nhất trong lịch sử, và rơi sâu vào thị trường giá xuống trong khoảng thời gian ngắn kỉ lục.

Những người tin tưởng thị trường giá xuống chấm dứt khi có tin tức xấu lập luận rằng thị trường chứng khoán biến động dựa trên kì vọng trong tương lai, và sau khi mọi thông tin tiêu cực đã được phản ánh đầy đủ vào giá chứng khoán, các đợt bán tháo sẽ chấm dứt, bất kể tình hình hiện tại tồi tệ đến mức nào.

Dù biến động của thị trường hôm 26/3 không đủ để đưa ra kết luận chắc chắn, nhưng nó đã nhóm lên hi vọng rằng những thiệt hại tồi tệ nhất từ ảnh hưởng của COVID-19 đã qua đi.

Ông Randy Frederick, Phó Giám đốc của công ty chứng khoán Charles Schwab nhận định: "Thị trường chứng khoán và nền kinh tế không chạy song song với nhau. Thị trường chứng khoán luôn đi trước nền kinh tế".

"Thị trường chứng khoán không quan tâm đến điều gì đang xảy ra trong hiện tại, mà chú ý đến các sự kiện trong 6 tháng sau".

Nếu những gì ông Frederick nói là đúng, thì nó có thể giải thích cho lí do vì sao chỉ số Dow Jones lại đang hồi phục mạnh sau khi đã lao dốc mạnh so với mức đỉnh lịch sử được thiết lập ngày 12/2/2020.

Vì sao chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm bất chấp các tin tức xấu - Ảnh 3.

Chấm dứt bán tháo mù quáng

Các chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ sẽ sụt giảm mạnh trong quí II/2020: GDP có thể giảm đến 20%, hơn 10 triệu người mất việc làm, tỉ lệ thất nghiệp lên cao nhất trong lịch sử.

Dữ liệu lượng đơn xin trợ cấp thấp nghiệp cung cấp phép thử đầu tiên về việc liệu nhà đầu tư có sẵn sàng tiếp tục mua vào chứng khoán bất chấp những tin tức xấu hay không.

Theo các khảo sát do Dow Jones thực hiện, các nhà kinh tế dự báo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trung bình vào khoảng 1,5 triệu.

Một số người suy đoán rằng lí do chứng khoán Mỹ vẫn đi lên trong phiên 26/3 là vì dù con số 3,3 triệu người thất nghiệp cao hơn hẳn so với dự đoán trung bình của các nhà kinh tế, nhưng vẫn còn thấp hơn một số dự báo khác. Ví dụ, Citigroup ước tính số người thất nghiệp lên tới 4 triệu người.

Bà Quincy Krosby, Giám đốc đầu tư của Prudential Financial cho biết để thị trường có thể tạo đáy "thì chúng ta phải thấy các nhà đầu tư nói rằng "tình hình đã bớt xấu đi rồi". Bạn phải chờ đến thời điểm này rồi mới có thể đầu tư thực sự, thay vì chỉ mua đi bán lại chứng khoán".

Bà Krosby nói rằng diễn biến của thị trường trước khi có thông tin về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng có tính khích lệ rất lớn, khi các chỉ số chính như Dow Jones và S&P 500 hồi phục mạnh mẽ liên tiếp trong hai ngày 24 và 25/3.

"Các đợt bán tháo mù quáng để thu hồi tiền của nhà đầu tư đã lắng xuống, và đây cũng làm một yếu tố quan trọng".

Liệu thị trường đã chạm đáy?

Dù có nhiều khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ lao dốc trong vài tháng tiếp theo, phần lớn các chuyên gia kinh tế đều dự đoán rằng nền kinh tế số một thế giới sẽ nhanh chóng phục hồi.

Hôm 26/3, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell phát biểu trên chương trình của đài NBC rằng ông dự kiến kinh tế Mỹ sẽ "phục hồi tốt" trong những quí tiếp theo. Ông cam kết rằng Fed sẽ làm mọi thứ trong khả năng để nền kinh tế "vươn lên mạnh mẽ nhất có thể".

Những tuyên bố như thế này đang giúp thị các nhà đầu tư có thêm hi vọng.

Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group nói với CNBC: "Tôi nghĩ thị trường đã chạm đến một cái đáy". Tuy nhiên, việc sử dụng từ "một" cho thấy ông Boockvar không loại trừ khả năng chứng khoán Mỹ sẽ còn sụt giảm sâu hơn trong tương lai.

Ông nói thêm: "Tôi nghĩ mọi hung tin mà chúng ta sẽ được nghe về COVID-19 trong 4-6 tuần nữa, và mọi dữ liệu kinh tế xấu sẽ được công bố trong 4-6 tháng sau đều đã được phản ánh đầy đủ vào giá chứng khoán".

"Câu hỏi tiếp theo là điều gì sẽ xảy ra sau khi nền kinh tế chạm đáy và bắt đầu hồi phục? Liệu nền kinh tế sẽ bật tăng mạnh mẽ theo mô hình chữ V, hay sẽ cần đến rất nhiều thời gian? Cá nhân tôi thì cho rằng sự phục hồi sẽ diễn ra rất chậm chạp".

Theo ông Boockvar, đến lúc đó, nhà đầu tư sẽ phải đánh giá lại xem họ sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho cổ phiếu. Liệu họ sẽ chào mua cổ phiếu với mức giá gấp 19 lần thu nhập giống như trước khi thị trường sụp đổ, hay sẽ là một con số thấp hơn nhiều?

Dĩ nhiên, tình hình lúc đó sẽ có nhiều khác biệt so với hiện tại.

Trong tương lai, ngoài việc kiểm soát được đại dịch COVID-19, hệ thống tài chính Mỹ sẽ nhận được các nguồn lực hỗ trợ lớn chưa từng có.

Fed đã hạ khoảng lãi suất điều hành xuống còn 0-0,25%, đồng thời công bố các chính sách để thúc đẩy bơm thêm thanh khoản cho nền kinh tế với qui mô có thể lên đến 6.000 tỉ USD.

Quốc hội Mỹ cũng đang khẩn trương để thông qua một gói kích thích kinh tế lên đến 2.000 tỉ USD.

Ông Randy Frederick, phó giám đốc của công ty chứng khoán Charles Schwab nhận xét rằng với sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ của Fed và chính sách tài khóa của Quốc hội Mỹ, giờ đây nền kinh tế Mỹ chỉ còn phụ thuộc vào kết quả của những nỗ lực chống dịch COVID-19.

Ông Frederick nói: "Rắc rối của nền kinh tế sẽ chỉ được giải quyết với sự kết hợp của cả ba yếu tố tài khóa, tiền tệ và y tế. Nhưng chúng ta chỉ có thể kiểm soát được hai trong ba yếu tố. Diễn biến của dịch bệnh phụ thuộc vào thời gian và tự nhiên. Đó mới là phần khó khăn".

Đến sáng ngày 27/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ đã vượt qua cả Trung Quốc và Italy, biến nước này thành ổ dịch lớn nhất thế giới. Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, hiện Mỹ có hơn 85.650 trường hợp xác nhận nhiễm COVID-19, và hơn 1.200 người tử vong vì dịch bệnh này.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-chung-khoan-my-van-tang-manh-diem-bat-chap-so-lieu-that-nghiep-xau-chua-tung-thay-20200327110243084.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/