VEPR dự báo kinh tế tăng trưởng 6,1% năm 2017

Với mức tăng trưởng 5,1% trong quý I, VEPR cho rằng mức tăng trưởng mục tiêu sẽ không đạt được, cả năm ước ở mức 6,1%, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trước đó.

vepr du bao kinh te tang truong 61 nam 2017
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR tại buổi Công bố Báo cáo quý I.

Đây là dự báo do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR cho biết tại buổi Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý I/2017 chiều nay 10/4.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng với mức tăng trưởng kinh tế quý I/2017 ở mức 5,1% thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, mục tiêu tăng trưởng 6,7% sẽ khó đạt. Trước mắt, VEPR đưa ra dự báo quý II, tăng trưởng GDP sẽ ở mức 5,7% và cả năm dừng lại ở mức 6,1%. Dự báo này của VEPR thấp hơn mức tăng trưởng 6,5% mà Ngân hàng Phát triển Châu Á vừa đưa ra sáng nay.

Đồng thời, với chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng như đã bộc lộ trong Quý 1 được duy trì trong các quý tiếp theo, lạm phát cả năm có thể thấp hơn 5%. Dù vậy, VEPR lưu ý vẫn còn nhiều khả năng lạm phát sẽ cao hơn mức dự báo, do hiệu ứng điều chỉnh giá dịch vụ công trên toàn quốc và sự bất định của mức giá thế giới.

vepr du bao kinh te tang truong 61 nam 2017
Dự báo tăng trưởng và lạm phát của VEPR.

VEPR đưa ra khuyến cáo cẩn trọng trước những bất trắc về chính sách thương mại của ông Donald Trump hay thắng thể của chủ nghĩa cực hữu tại châu Âu có thể gây khó khăn với tình hình xuất khẩu của Việt Nam.

Trong nước, hầu hết các ngành công nghiệp suy giảm một cách bất thường khiến tình trạng tăng trưởng không được như kỳ vọng.

Giá trị GDP của Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt một số công ty lớn như Samsung.

Tương tự, thương mại tăng trưởng cao nhưng xuất khẩu vẫn chưa phục hồi thực sự về lượng. Đặc biệt, khuynh hướng tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, tiếp tục giảm xuống chỉ còn 28%. Điều này cho thấy khu vực sản xuất trông nước ngày càng trở nên yếu thế hơn trông quá trình hội nhập quốc tế đang mở rộng.

Về đầu tư, khu vực tư nhân có một số dấu hiệu khởi sắc, nhưng tốc đô ̣ giải ngân vốn đầu tư công cũng như đầu tư khu vực vốn đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu suy giảm. Đối với khu vực công, ràng buộc ngân sách có thể là một nguyên nhân chính. Trái ngược với nhận định TPP không ảnh hưởng nhiều tới đầu tư nước của ADB, VEPR cho rằng việc đầu tư nước ngoài chững lại nhiều khả năng liên quan đến việc hiệp định TPP bị hủy bỏ.

Bên cạnh đó sự sụt giảm của khu vực công nghiệp và phục hồi chưa rõ rệt của nông nghiệp cũng là điều đáng lo ngại cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017.

Theo đó, VEPR khuyến cáo cấp thiết là nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, không thể chỉ dừng lại ở chủ trương được nữa.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vepr-du-bao-kinh-te-tang-truong-61-nam-2017-18610.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/