VDSC: Rủi ro tác động của giảm sút của thương mại, sản xuất toàn cầu đến kinh tế Việt Nam năm 2020

VDSC nhấn mạnh sự ảnh hưởng này đến tiêu dùng hộ gia đình, chiếm tới trên 60% tổng quy mô nền kinh tế; hay tác động đến đầu tư tư nhân, đang đóng vai trò trụ cột thay thế khu vực FDI.

VDSC: Rủi ro tác động của giảm sút của thương mại, sản xuất toàn cầu đến tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2020 - Ảnh 1.

Cảng Hải Phòng (Ảnh: Enternews)

Nhận định mới đây về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, nền kinh tế trong hai chu kỳ vừa qua, giai đoạn 2000 - 2020 tăng trưởng “lành mạnh hơn” khi vai trò chi phối của tăng trưởng cung tiền đã giảm đáng kể.

Tăng trưởng cung tiền được điều chỉnh giảm dần về ngưỡng 12,5%, thấp hơn mức trung bình 16% trong 5 năm trước đó. Động lực tăng trưởng kinh tế đến từ nhiều ngành nghề kinh tế khác nhau, gồm sắt thép, lọc dầu, ô tô, thiết bị điện và điện tử, dệt may,…thay vì phụ thuộc lớn vào lĩnh vực bất động sản như trước kia.

VDSC: Rủi ro tác động của giảm sút của thương mại, sản xuất toàn cầu đến tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2020 - Ảnh 2.

Tuy nhiên sang năm 2020, VDSC đánh giá có nhiều thách thức với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức 6,8%. 

Các yếu tố rủi ro nảy sinh từ cả bên trong và bên ngoài, do đó công ty chứng khoán này cho rằng sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là điều cấp thiết.

Năm 2019, sản xuất kinh doanh, thương mại và đầu tư xuyên biên giới suy giảm trên quy mô toàn cầu do ảnh hưởng từ các bất ổn địa chính trị tại hầu hết các châu lục. Dưới góc nhìn của VDSC, biến số kỳ vọng đang nắm vai trò chi phối các hoạt động kể trên.

Theo số liệu từ Cục phân tích chính sách kinh tế Hà Lan (CPB), sản lượng thương mại toàn cầu, tháng 9/2019, giảm 1,1% trong khi mức giá trung bình giảm 4,1%. Tính chung 9 tháng 2019, sản lượng và giá trung bình lần lượt giảm 0,4% và 2,7%. 

VDSC cho rằng, những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế đến từ sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 5,8% trong quí III/2019, và bất ổn định chính trị đã khiến triển vọng nhu cầu hàng hóa cơ bản trở nên u ám và giá các mặt hàng này giảm trên diện rộng, ngoại trừ giá vàng.

Kết quả tương tự cũng được ghi nhận trong lĩnh vực sản xuất, trong khi các tác động cụ thể lên đơn hàng/việc làm còn chưa rõ ràng, môi trường kinh doanh “có vẻ rủi ro” là nguyên nhân chính khiến kết quả các cuộc khảo sát như PMI giảm mạnh trên quy mô toàn cầu. 

Tại Mỹ, khảo sát niềm tin kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất được thực hiện bởi ISM đã ghi nhận đợt giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2018, dù sản lượng công nghiệp thực tế vẫn ở mức cao.

Nhìn lại kinh tế Việt Nam trong các tháng gần đây, VDSC ghi nhận một số điểm cảnh báo về tác động lan tỏa của diễn biến kể trên và cần tiếp tục theo dõi trong năm 2020. 

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, theo giá hiện hành, tăng 11,6% trong 11 tháng 2019, thấp hơn mức tăng 12% cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu GDP, ngành bán buôn, bán lẻ tăng trưởng 7,9% trong năm 2019, thấp nhất trong ba năm trở lại đây.

Trong lĩnh vực sản xuất, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IPI) và chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) đang cho thấy dấu hiệu suy yếu trong hai tháng gần đây. Mặc dù kết quả khảo sát doanh nghiệp sản xuất, PMI vẫn ở trên 50 điểm, ngưỡng mở rộng, nhưng nhận thấy sự suy yếu đáng kể trong các tháng tới đây khi số lượng đơn hàng mới thấp hơn và mức độ lạc quan trong kinh doanh của các thành viên được khảo sát sụt giảm.

Với số liệu từ Tổng cục Thống kê (GOS), chỉ số sản xuất toàn ngành trong tháng 11 chỉ đạt 5,4%, qua đó kéo mức tăng trưởng trung bình ba tháng liên tiếp xuống mức 8,2%, thấp nhất kể từ tháng 7/2017. 

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tác động của các dự án lọc hóa dầu lên tăng trưởng toàn ngành suy yếu trong khi hoạt động sản xuất hàng điện tử của khu vực FDI chậm lại. Điều này được thể hiện thông qua chỉ số sản xuất của Bắc Ninh, giảm 15,8% và Thanh Hóa giảm 29,7% trong tháng 11 vừa qua.

VDSC: Rủi ro tác động của giảm sút của thương mại, sản xuất toàn cầu đến tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2020 - Ảnh 3.

VDSC nhấn mạnh tới rủi ro về tác động lan truyền của việc thương mại và sản xuất toàn cầu suy giảm ảnh hưởng lên tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư của doanh nghiệp trong năm 2020. 

Trong khi tiêu dùng hộ gia đình chiếm tới trên 60% tổng quy mô nền kinh tế, đầu tư tư nhân đang đóng vai trò trụ cột thay thế khu vực FDI với mức tăng trưởng 17,2% trong 9 tháng 2019. Do đó, để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, các nhà lập pháp cần trả lời câu hỏi cần làm gì để ổn định tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư của doanh nghiệp?

>>> Đón đọc phần II, nhận định của VDSC về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa của Việt Nam trong năm 2020. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vdsc-rui-ro-tac-dong-cua-giam-sut-cua-thuong-mai-san-xuat-toan-cau-den-tieu-dung-ho-gia-dinh-va-dau-tu-doanh-nghiep-viet-nam-trong-nam-2020-20191231104103721.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/