Từ đầu tư tài chính đến gọi xe công nghệ: Sự tiến hóa của mô hình 'đa cấp' tại Việt Nam

Mô hình đa cấp đã thay đổi nhiều so với những năm đầu thế kỉ 21. Hiện nay đa cấp có thể mặc thêm "chiếc áo đầu tư tài chính hoặc gọi xe công nghệ".

"Ồ, mình biết bạn đấy"

Đây chính là đoạn mở đầu của video quảng cáo Binomo, ứng dụng giao dịch tài sản từng gây sốt trong cộng đồng cách đây gần 1 năm. Gây sốt, bởi Binomo sẵn sàng chi rất mạnh tay cho các hoạt động truyền thông, từ quảng cáo Youtube cho tới việc thuê các KOLs trên nhiều lĩnh vực PR cho sản phẩm.

Nhân vật trong video quảng cáo của Binomo cho biết anh đã kiếm 1.000 USD/ngày sau một năm giao dịch, đủ tiền để mua rất nhiều tài sản có giá trị như điện thoại, nhà, xe.

Sau đó nhiều người phát hiện chiến dịch truyền thông của Binomo có vấn đề. Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm khi một video quảng cáo ứng dụng Binomo được cho là giả mạo VTV để tăng uy tín của ứng dụng.

Khi các chiến dịch truyền thông của Binomo dần đi vào quá khứ thì một ứng dụng khác bắt đầu nổi lên là Wefinex với hình thức gần tương tự: Mời khách hàng (nhà đầu tư) giao dịch trên một sàn nhị phân (gần giống trò chơi tài xỉu). Đoán đúng hướng đi của giá tài sản (lên hoặc xuống), khách hàng sẽ nhận tiền về và đương nhiên đoán sai thì sẽ mất trắng số tiền đặt cược.

Từ đầu tư tài chính đến gọi xe công nghệ: Sự tiến hóa của mô hình 'đa cấp' tại Việt Nam - Ảnh 1.

Video quảng cáo Binomo gây sốt cộng đồng mạng năm 2019. Ảnh: Chụp màn hình.

Nhiều người bắt đầu nghi ngờ "nhà đầu tư" phải dự đoán đúng xu thế của giá cả hàng hóa (dầu, tỉ giá hối đoái, vàng...) trong thời gian ngắn tính bằng giây và rõ ràng rất khó để có một căn cứ chính xác cho những lần "đầu tư" đó. 

Chính vì thế, việc "đầu tư" trên các ứng dụng này không hề dễ dàng, mà phụ thuộc rất nhiều may rủi. Và thậm chí sẽ chẳng thấy "may" mà toàn "rủi" nếu các sàn thao túng giá hiển thị trong khoảng thời gian ngắn đó, bởi chính họ là người tạo ra nền tảng giao dịch.

Wefinex thậm chí còn phát triển thêm một bậc trong mô hình kinh doanh, đó là trả tiền môi giới theo cấp, tức là người chơi có thể trở thành một đại lí, lôi kéo người khác giao dịch và hưởng hoa hồng theo từng bậc và nhận hoa hồng từ những đại lí cấp dưới. Như vậy, nhiều người thấy Wefinex là một ứng dụng có dấu hiệu đa cấp.

Từ đầu tư tài chính đến gọi xe công nghệ: Sự tiến hóa của mô hình 'đa cấp' tại Việt Nam - Ảnh 2.

Hệ thống trả thưởng theo cấp của Wefinex. Ảnh: Chụp màn hình

Bán hàng đa cấp không phải là một khái niệm quá xa lạ tại Việt Nam. Từ nhiều năm trước, mô hình kinh doanh kim tự tháp (ponzi) đã xuất hiện và gây hệ lụy cho một bộ phận người dân bỏ tiền ra chơi "đa cấp".

Những năm gần đây, việc huy động vốn theo hình thức "giống đa cấp" đã xuất hiện ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau, đa dạng và phong phú hơn rất nhiều. Wefinex, với sản phẩm là dịch vụ đầu tư tài chính, có thể coi là một trong số đó.

Không chỉ có mô hình đầu tư tài chính có 'đa cấp'

Cuối tháng 9/2019, cơ quan cảnh sát tiến hành bắt giữ Nguyễn Thái Luyện, người điều hành Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Theo kết luận của đơn vị điều tra, địa ốc Alibaba núp bóng hoạt động kinh doanh BĐS nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương phức đa cấp.

Alibaba lập nên nhiều dự án "ma", đồng thời dựa vào những dự án đó để huy động vốn theo kiểu đa cấp. Số tiền lấy được của nhà đầu tư sau sẽ dùng để thanh toán cho các nhà đầu tư trước. 

Thậm chí, một mô hình kinh doanh khá "hot" trong vài năm gần đây là gọi xe công nghệ cũng thế lồng ghép mô hình gọi vốn gần tương tự đa cấp. Cuối năm 2019, một ứng dụng gọi xe công nghệ là ZuumViet xuất hiện tại khu vực TP HCM. 

Ngay từ khi xuất hiện, ZuumViet đã tuyên bố "nói không với đa cấp". Tuy nhiên dường như cách huy động vốn cộng đồng của ứng dụng này lại có dấu hiệu đi ngược với cam kết.

Cụ thể, các tài xế sau khi gia nhập đội ngũ đối tác, nếu giới thiệu thêm một tài xế thì có thể nhận được hoa hồng từ tiền các cuốc xe "cấp dưới" chạy. Các tài xế cấp dưới lại tiếp tục "tuyển" thêm tài xế cấp thấp hơn và tiếp tục hưởng "hoa hồng".

Về bản chất, khi đăng kí làm đối tác của một hãng gọi xe công nghệ, các tài xế sẽ phải nộp tiền để mua đồng phục, và phần nào là nộp tiền vào ví để đảm bảo việc thanh toán. 

Các tài xế ZuumViet xây dựng đủ mạng lưới "cấp dưới" hoàn toàn có thể ngồi không mà vẫn hưởng tiền từ các đối tác cấp dưới. Do đó dù khẳng định "nói không với đa cấp" nhưng việc trả hoa hồng của ZuumViet lại rất có dấu hiệu đa cấp.

Từ đầu tư tài chính đến gọi xe công nghệ: Sự tiến hóa của mô hình 'đa cấp' tại Việt Nam - Ảnh 3.

Ứng dụng gọi xe ZuumViet có dâu hiệu trả thưởng theo mô hình đa cấp. Ảnh: ZuumViet.

Theo Bộ công thương, đặc điểm của một công ty kinh doanh đa cấp không đáng tin cậy bao gồm: Chỉ tập trung vào tuyển dụng, buộc người tham gia đóng tiền, hứa hẹn lợi nhuận hấp dẫn, sản phẩm không tốt và không chú trọng khách hàng, tiêu thụ sản phẩm.

Từ đó có thể thấy, mô hình "đa cấp" đã tiến hóa rất nhiều trong những năm trở lại đây. Về bản chất, tất cả đều huy động vốn dựa trên một sản phẩm, dịch vụ (từ đồ gia dụng, mĩ phẩm, dịch vụ gọi xe công nghệ, bất động sản cho tới đầu tư tài chính) cốt lõi.

Sự 'tiến hóa' của các mô hình đa cấp chưa được cấp phép

Kinh doanh đa cấp là một hoạt động hợp pháp, được cấp phép bởi bộ Công thương. Những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp phải phép, và được cấp giấy chứng nhận hoạt động. 

Báo cáo thường niên của Cục cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng cho thấy, năm 2019 chứng kiến 3 doanh nghiệp mới nhận giấy chứng nhận hoạt động, nhưng tới 5 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh đa cấp. Tính tới tháng 6/2020, chỉ còn đúng 22 cái tên xuất hiện trong nhóm công ty kinh doanh đa cấp có giấy phép hoạt động còn thời hạn.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong số 1 triệu người được phép hoạt động kinh doanh đa cấp, chỉ một nửa số đó tạo ra doanh thu, tức là tới 50% số người tham gia mạng lưới đa cấp chính thống nhưng không tạo ra giá trị cho mạng lưới.

Đối với những mô hình kinh doanh đa cấp trá hình hoặc huy động vốn theo mô hình đa cấp, tỉ lệ số người tạo ra doanh thu chưa được thống kê cụ thể. Tuy nhiên nếu như kinh doanh đa cấp trên một nền tảng chưa được cấp phép, thì quyền lợi của chính những người tham gia mạng lưới sẽ không được đảm bảo trước pháp luật.

Không những vậy, với các mô hình kinh doanh có dấu hiệu huy động vốn theo kiểu đa cấp, mặt hàng đưa ra kinh doanh cũng thường là những sản phẩm, dịch vụ không tạo ra quá nhiều giá trị cho người sở hữu (như các dự án ma của Alibaba).

Mới đây, Bộ công thương đã đưa cảnh báo về những trường hợp có dấu hiệu huy động vốn theo kiểu đa cấp. Đặc điểm chung thường là đơn vị sẽ "thu" một khoản phí của "nhà đầu tư" với cam kết người rót vốn sẽ nhận được một quyền lợi nhất định dựa trên nền tảng về sản phẩm, dịch vụ của công ty.

Chính vì sản phẩm, dịch vụ không có quá nhiều giá trị, nên khi bong bóng nổ (số tiền thu được của cấp dưới không đủ bù đắp tiền trả cho các cấp trên), nhà đầu tư cấp dưới cùng sẽ chỉ nhận về một sản phẩm, dịch vụ với giá trị thấp hơn nhiều so với số tiền ban đầu bỏ ra.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tu-dau-tu-tai-chinh-den-goi-xe-cong-nghe-su-tien-hoa-cua-mo-hinh-da-cap-tai-viet-nam-20200617170454034.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/