TS. Vũ Đình Ánh: Đề xuất cho ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp sắp tới hạn là khó khả thi

TS. Vũ Đình Ánh cho rằng đề xuất cho các ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt cần cụ thể hơn, nếu chỉ đề xuất chung chung thì không khả thi.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) mới đây đã có báo cáo gửi Chính phủ đề xuất nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại. 

Trong trường hợp cần thiết, Ban IV đề xuất tính tới các giải pháp đặc biệt trong giai đoạn nhất định nhằm giải nguy cho doanh nghiệp và nền kinh tế, như cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước tham gia mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường.

Vì lượng trái phiếu sắp tới hạn có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của một số tổng công ty nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). 

Liên quan tới đề xuất này, TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng đề xuất cần cụ thể hơn, nếu chỉ đề xuất chung chung như vậy thì không khả thi vì ngân hàng không phải ngân sách. Ngân hàng hoạt động trên thị trường và phải theo tín hiệu của thị trường, không thể ép họ mua được. 

 TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá cả, Bộ Tài chính. (Ảnh: Báo Công thương).

Trước hết, theo ông quyền mua lại trái phiếu hay không là thuộc về ngân hàng, họ sẽ mua các loại trái phiếu phù hợp với khẩu vị rủi ro của họ. Vấn đề tiếp theo là nguồn tiền để ngân hàng mua lại trái phiếu.

"Hiện nay, các ngân hàng đang rất khó khăn trong vấn đề huy động và hạn mức tín dụng cũng đã hết. Ngân hàng sẽ lấy nguồn tiền nào để trang trải cho hàng trăm nghìn trái phiếu đó?", chuyên gia đặt vấn đề.

Liên quan đến các loại trái phiếu, hiện nay có các loại trái phiếu chưa đến hạn và đến hạn, vậy việc xử lý trái phiếu có tách riêng các loại đến hạn và các loại còn dài hạn hay không.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, vấn đề quan trọng nhất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện nay là không phát triển được thị trường thứ cấp, mua đi bán lại các loại trái phiếu. Hơn nữa, trái phiếu hiện có mức độ rủi ro quá cao do thị trường trái phiếu đang không thực sự hoạt động đúng theo tính chất của nó.

Đưa ra giải pháp trước mắt, chuyên gia cho rằng cần có biện pháp áp dụng đối với các nhà phát hành TPDN. Còn phía các NHTM chỉ là các kênh phân phối, trong khi đó việc bảo lãnh phát hành và bảo lãnh thanh toán TPDN còn chưa cụ thể, minh bạch. Do vậy, cần xử lý từ nhà phát hành TPDN chứ không nên từ hệ thống phân phối.

"Trong trung và dài hạn, cần thiết lập lại thị trường TPDN, đặc biệt là các quy định liên quan đến việc nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường," ông Ánh cho biết thêm. 

Áp lực đáo hạn trái phiếu tăng mạnh trong năm 2023-2024 

Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến thời điểm 21/10, đã có 142.458 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn, chiếm khoảng 11,8% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp cuối 2021. Điều này đã làm giảm dư nợ đáo hạn năm 2023 và 2024 ước tính lần lượt còn lại ở mức 350.000 và 370.000 tỷ đồng.

Tổng giá trị đáo hạn năm 2023 ước tính ở mức 350.000 tỷ, tương đương gần bằng 1/4 dư nợ tăng thêm của hệ thống ngân hàng năm 2022 (giả định tăng trưởng tính dụng năm 2022 là 14%). 

Báo cáo về thị trường trái phiếu gần đây của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết việc các doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu giai đoạn 2019-2021 làm gia tăng áp lực đáo hạn vào năm 2022-2026.

Bên cạnh đó, thị trường TPDN bị ảnh hưởng nặng sau sự kiện Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, nguyên nhân chính đến từ việc phát hành bùng nổ thời gian qua nhưng quá trình phát hành, tài sản đảm bảo, phương thức phân phối tồn tại nhiều vấn đề, sai phạm.

Tâm lý nhà đầu tư hiện rất thận trọng với trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới trong khi lượng trái phiếu đáo hạn giai đoạn từ cuối năm 2022 đến 2024 là rất lớn.

Rủi ro đặc biệt đối với ngành bất động sản khi phần lớn dư nợ trái phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản trong khi thị trường bất động sản hiện đang gặp nhiều khó khăn giữa bối cảnh lãi suất tăng cao, rủi ro suy giảm kinh tế hay tình hình bắt bớ thời gian qua.

Rủi ro cao hơn, theo KBSV đánh giá, sẽ gia tăng trong năm 2023 đối với các doanh nghiệp không cơ cấu lại được nợ khi dòng tiền hiện tại chủ yếu đã được sử dụng để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện đã phải bắt đầu hạ giá bán hay bán lại chính các dự án của mình để đáp ứng như cầu thanh toán nợ.

Các nhà hoạch định chính sách cũng đang lên phương án hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhưng chưa có giải pháp cụ thể nào được đưa ra và Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm xử lí rủi ro trên. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ts-vu-dinh-anh-de-xuat-cho-ngan-hang-mua-lai-trai-phieu-doanh-nghiep-sap-toi-han-la-kho-kha-thi-2022111510579220.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/