TS. Lê Xuân Nghĩa: 'TTCK có thể nâng hạng vào năm tới, lạm phát thấp là lợi thế của Việt Nam'

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ được nâng hạng ngay trong đầu năm tới bởi hạ tầng kỹ thuật mới sẽ được vận hành vào tháng 8 và tính minh bạch của thị trường đã được đảm bảo.

Trao đổi bên lề Hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán" diễn ra sáng 15/7, chuyên gia tài chính - kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ được nâng hạng ngay trong đầu năm tới bởi đã đảm bảo 2 yếu tố: Hạ tầng kỹ thuật và tính minh bạch của thị trường.

Đối với hạ tầng kỹ thuật, tháng 8 này có thể đưa vào sử dụng hệ thống mới. Đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất để nâng hạng. Còn với đòi hỏi về tính minh bạch của thị trường thì việc xử lý các vụ việc thao túng, làm giá cổ phiếu đã xử lý xong rồi, TS. Nghĩa cho biết. 

Phân tích thêm về các lợi thế của thị trường chứng khoán, TS. Nghĩa cho rằng, lạm phát thấp là yếu tố thuận lợi cho thị trường chứng khoán Việt Nam, bất chấp các ngân hàng trung ương tăng lãi suất.

"Nếu lãi suất tăng mà không có suy thoái thì dĩ nhiên nhà đầu tư ngoại sẽ rời bỏ chứng khoán. Nhưng đợt tăng lãi suất này là gắn với suy thoái của các quốc gia lớn trên thế giới. Vì vậy, họ sẽ lại quay về với chứng khoán", TS. Nghĩa phân tích. 

Đối với Việt Nam, TS. Nghĩa cho rằng, đến giờ phút này có thể tin tưởng sẽ thoát khỏi “bóng ma” lạm phát. "Chúng ta vừa có may mắn, vừa có sức mạnh. May mắn là, trong suốt quá trình dịch bệnh, Việt Nam không in tiền ra để cho ngân sách vay như tất cả các nước khác", TS. Nghĩa nói.

Nhật Bản in tới 50% GDP, Mỹ in tới 30% GDP dưới những cái tên “mỹ miều” mua tài sản của Chính phủ, chính là mua trái phiếu Chính phủ. Trong lúc các quốc gia khác đều “điêu đứng”, may mắn là tiến độ hỗ trợ của chúng ta khá chậm chạp và cũng không có chủ trương in tiền ra cho ngân sách vay. Do đó, áp lực lạm phát của chúng ta ở thời điểm hiện tại không lớn như các quốc gia khác.

Dòng chảy lạm phát và sắp tới là suy thoái đang là nguy cơ cực lớn với các quốc gia khác mà Việt Nam có thể “nhẹ nhàng” đứng nhìn, TS. Nghĩa đánh giá.

Rủi ro lớn nhất của TTCK là thị trường trái phiếu 

TS. Cấn văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia (Ảnh: Hạ An)

Còn theo TS. Cấn văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, rủi ro lớn nhất của thị trường chứng khoán chính là thị trường trái phiếu doanh nghiệp và nợ phải trả của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong vòng 2-3 năm vừa qua rất nhiều và điểm rơi chính đáo hạn chính là năm tới. Nếu trường hợp “phanh” lại thì sẽ các doanh nghiệp lấy tiền ở đâu để trả nợ?

Vừa qua, nhiều doanh nghiệp phải bán tài sản để trả nợ, có trường hợp phải huy động cả tín dụng đen để trả nợ. Đây là vòng luẩn quẩn khiến doanh nghiệp thiếu vốn. Vì vậy, Chính phủ cần có động thái ngay ở thời điểm này.

Dù vậy, ở một góc nhìn khác, việc Chính phủ quản lý chặt chẽ hơn thị trường trái phiếu cũng là cơ hội để doanh nghiệp có một hành lang pháp lý mới để dựa vào đó huy động vốn một cách minh bạch, đúng mục tiêu. Đồng thời, thị trường được thanh lọc cũng sẽ hoạt động tốt hơn, TS. Lực đánh giá.

Sắp hoàn ban hành Nghị định sửa đổi về phát hành trái phiếu

 TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh (Ảnh: Hạ An)

Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho biết, sau tháng 4 lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp bằng 0 và sang tháng 5, lượng phát hành trong tháng 6 đạt 60.000 -70.000 tỷ, trong đó có khoảng 9.000 tỷ bất động sản. Tháng 6 thị trường này bắt đầu “nhúc nhích” trở lại mặc dù chưa thể bằng quý 1 nhưng đã bắt đầu khởi động phát hành lại.

Trong 6 tháng đầu năm, FDI vào bất động sản vẫn ở vị trí thứ 2 chỉ sau ngành chế biến chế tạo, tuy nhiên, M&A tăng rất mạnh. Như vậy, không ít doanh nghiệp bất động sản buộc phải dùng cách M&A để xử lý vấn đề vốn. Hiện tại, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bằng tổng giá trị trái phiếu Chính phủ, khoảng 1,5 triệu tỷ, bằng 17-18% GDP.

Vì vậy, cách xử lý là làm sao để doanh nghiệp vẫn có dòng tiền, tránh “phanh gấp” và vẫn tăng được tính kỷ luật của thị trường.

“Sai là phải xử nhưng tránh hình sự hoá các quan hệ kinh tế, tránh ảnh hưởng tới các nhà đầu tư cá nhân để ổn định thị trường”, TS. Thành nhấn mạnh và cho biết Bộ Tài chính sắp trình Chính phủ Nghị định 153 sửa đổi về phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Với thị trường chứng khoán, Việt Nam đang đặt ra mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam thành thị trường mới nổi trước năm 2025. Khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng sẽ thu hút được rất nhiều nguồn vốn từ các nhà đầu tư, thị trường trái phiếu cũng đặt mục tiêu bằng 25-27% GDP.

Đối với khoản hỗ trợ 62.000 tỷ của năm ngoái, Việt Nam mới giải ngân được chưa đến 20%. Nhưng thực chất, chúng ta cũng không phải in tiền, tiền đó là khoản dự trữ ngân sách từ những năm trước và tiết kiệm 20% chi tiêu thường xuyên. Việc điều hành chính sách tiền tệ tốt sẽ giảm áp lực lạm phát rất lớn. Đây là lợi thế của thị trường chứng khoán Việt Nam so với thế giới.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ts-le-xuan-nghia-ttck-co-the-nang-hang-vao-nam-toi-lam-phat-thap-la-loi-the-cua-viet-nam-202271516847796.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/