|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS Cấn Văn Lực: GDP quý III có thể giảm 2%, cần tăng thêm các gói hỗ trợ từ ngân sách

19:39 | 27/09/2021
Chia sẻ
Theo Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, TS Cấn Văn Lực, ước dự báo tăng trưởng GDP quý III có thể âm khoảng 2%. Nếu muốn GDP cả năm tăng trưởng 3,5% thì quý IV sẽ phải tăng trưởng 3,9%.

Sáng 27/9, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng chủ trì Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội.

Tại buổi tọa đàm, TS Cấn Văn Lực cho biết, ông đồng tình với dự báo Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH-ĐT), tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ khoảng 3,5 - 4%.

“Chúng tôi đã tính toán cụ thể, ước dự báo tăng trưởng GDP quý III có thể âm khoảng 2%. Và như vậy, nếu chúng ta muốn GDP cả năm tăng trưởng 3,5% thì quý IV sẽ phải tăng trưởng 3,9%. Còn nếu muốn đạt ngưỡng 4% thì quý IV sẽ phải tăng trưởng 5,2%", VTC dẫn lời ông Lực.

Tuy nhiên, theo Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, năm 2022, nếu chúng ta kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin thì khả năng phục hồi kinh tế sẽ rất nhanh.

"Năm tới, GDP tăng trưởng khoảng 6,5 - 7% là tương đối khả thi và lạm phát có thể tăng lên, ở mức trên 3%", ông Lực nhận định.

TS Cấn Văn Lực: GDP quý III có thể âm 2%, các gói hỗ trợ vẫn chưa chạm đến lao động tự do - Ảnh 1.

Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. (Ảnh: Quốc hội).

Bên cạnh nhận định về GDP, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng cho rằng lúc này cần có những gói hỗ trợ từ ngân sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân trong giai đoạn khó khăn, tạo đà vực dậy nền kinh tế.

Ông cho biết các quốc gia phát triển thường chi 16% GDP, gồm chính sách tài khóa vào khoảng 10% GDP, gói chính sách tiền tệ vào khoảng 6% để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Các nước mới nổi như Việt Nam bình quân hỗ trợ 7,7% GDP.

Số liệu từ IMF cho biết tính đến hết quý II/2021, thế giới đã cam kết chi 17.910 tỷ USD, tương đương 15,9% GDP toàn cầu năm 2020. Trong đó khoảng 10.905 tỷ USD (9,7% GDP, chiếm 61% tổng các gói hỗ trợ) là các gói hỗ trợ tài khóa, còn lại 7.005 tỷ USD (6,2% GDP, chiếm 39%) là các giải pháp tiền tệ, 

Với Việt Nam, nhằm đối phó với những tác động của đại dịch COVID-19, trong năm 2020, Việt Nam đã sớm đưa ra 4 gói hỗ trợ, tổng giá trị công bố khoảng 1,1 triệu tỷ đồng. 

Tuy nhiên tổng giá trị thực, tức là tổng chi phí mà Chính phủ và các tổ chức tín dụng cam kết bỏ ra ước tính khoảng 184.700 tỷ đồng, tương đương 2,94% GDP năm 2020 trong khi năm 2021 thậm chí còn dưới 1% GDP.

"Chúng ta cần thêm những gói hỗ trợ nữa. Thậm chí các gói hỗ trợ hiện nay còn chưa chạm đến lao động tự do", ông Lực nói.

Tham luận tại Tọa đàm, ông Terence Jones, quyền Trưởng đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) khuyến cáo Chính phủ Việt Nam có thể triển khai ngay gói trợ cấp tiền mặt với quy mô tương đương 5% GDP một quý, tương đương khoảng 77.000 tỷ đồng, ngay trong những tháng cuối năm, theo TTXVN.

"Số tiền này sẽ tạo ra "hiệu ứng cấp số nhân" tới việc gia tăng tiêu dùng lớn hơn. Gói trợ cấp 77.000 tỷ đồng sẽ có tác động lớn đến tổng tiêu dùng tư nhân và tổng sản lượng kinh tế. Gói này vừa trợ giúp các các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vừa kích thích tăng trưởng kinh tế", ông Terence Jones nhấn mạnh.

Các chương trình bổ sung cần giải quyết các vấn đề mà các chương trình ngắn hạn chưa giải quyết được. 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, cần phải tăng tỷ lệ chi cho hỗ trợ người dân.

Ông Jacques Morisset chỉ ra 4 bài học để đi vào trạng thái bình thường mới. Trong đó, ông nhấn mạnh, tiêm chủng (đồng thời với xét nghiệm) có ý nghĩa quan trọng để kiểm soát đại dịch cũng để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế. 

Bên cạnh đó, vẫn cần có những hạn chế đi lại nhưng phải thông minh hơn; tìm điểm cân bằng phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; tăng cường trợ giúp xã hội để ngăn chặn tình trạng kiệt quệ tài chính ở các nhóm dễ bị tổn thương, hạn chế gia tăng bất bình đẳng.

Phương Trang