TS Cấn Văn Lực: EVFTA có thể đóng vai trò thúc đẩy cải cách tương tự TPP

Cho rằng không cần quá lo lắng về việc TPP không thông qua sẽ làm giảm áp lực cải cách trong nước, TS Cấn Văn Lực nhận định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng yêu cầu về mặt thể chế không kém và đụng chạm vào những lĩnh vực nhạy cảm của Việt Nam.

Phóng viên vừa có cuộc trò chuyện với TS Cấn Văn Lực về vấn đề này.

ts can van luc khong co tpp evfta co the dong vai tro thuc day cai cach
TS. Cấn Văn Lực - Ảnh: BizLIVE.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về mức độ xáo trộn đối với thương mại, đầu tư và thế chế nếu TPP dừng lại?

TS Cấn Văn Lực: Trước hết về TPP hiện nay có 3 kịch bản và Chính phủ cũng đang làm theo tính toán của 3 kịch bản ấy.

Kịch bản thứ nhất, Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản có thể đảm nhận vai trò thủ lĩnh dẫn dắt TPP. Tất nhiên như vậy sẽ ảnh hưởng khá lớn đối với xuất khẩu, thương mại, đầu tư của Việt Nam.

Bởi hiện nay Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm tới 20% và tăng trưởng tích cực trong thời gian vừa qua. Nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ cũng khá lớn. Về đầu tư nước ngoài Mỹ đang đứng thứ 8 vào Việt Nam với lượng đầu tư vào khoảng 12 – 13 tỷ USD.

Kịch bản thứ 2 có thể xảy ra nhiều hơn. Mỹ trong TPP nhưng tổng thống mới của Mỹ vẫn yêu cầu đàm phán thêm, đàm phán lại một số điều khoản của hiệp định. Khi đó, sẽ làm chậm tiến độ của TPP. Tuy vậy, phương án này vẫn tích cực vì Mỹ vẫn tham gia là một điều kiện quan trọng.

Đối với phương án này tiến độ chậm lại nhưng tác động đến đầu tư, thương mại không phải là quá lớn. TPP chậm lại nhưng vẫn xảy ra. Trên thực tế, các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước vẫn đang tận dụng hiệu ứng của TPP.

Kịch bản thứ ba là Mỹ sẽ rút khỏi TPP, các nước trong TPP giải tán, không đàm phán TPP nữa. Kịch bản này xấu nhất có nhiều tác hại với cả thương mại, đầu tư và các uy tín quốc tế của các nước tham gia trong TPP. Nhưng hi vọng kịch bản này không xảy ra.

Như ông vừa nói đón đầu TPP có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam trong thời gian vừa qua, ví dụ như ngành sợi dệt. Vậy liệu lượng vốn FDI có đổi chiều hay không? Dự báo của ông về dòng vốn FDI trong thời gian tới?

TS Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng kể cả kịch bản xấu nhất TPP không xảy ra thì dòng vốn FDI cũng không đảo chiều. Rõ ràng là Việt Nam còn nhiều hiệp định thương mại tự do khác với nhiều đối tác. Các đối tác khác cũng đang tận dụng các cơ hội đầu tư đó. Ví dụ với Hàn Quốc chúng ta có hiệp định song phương. Vì vậy, cả về thương mại, đầu tư của Hàn Quốc - Việt Nam tăng trưởng đột biến năm 2016.

Dòng vốn FDI có thể chậm hơn một chút về giải ngân và tốc độ dự án nhưng về cơ bản cũng sẽ không đảo chiều như chúng ta lo lắng. Vì chúng ta có nhiều hiệp định FTA khác.

Hơn nữa, nhà đầu tư đã mang tiền đi đầu tư ở một nước khác không thể rút ngay vốn về. Bất cứ hành động gì họ đều phải nghiên cứu rất kĩ, có thể thu hẹp có thể thay đổi chứ không thể ngay 1 ngày 2 rút lại vốn đó khi còn chưa rõ thực hư thế nào.

Nhưng Tổng thông vừa đắc cử của Mỹ tuyên bố sẽ triệu hồi các công ty của Mỹ về lại quê hương?

TS Cấn Văn Lực: Tôi lấy một ví dụ, theo phân tích, Donald Trump yêu cầu hãng sản xuất điện thoại Iphone chuyển cơ sở kinh doanh của mình từ nước ngoài về Mỹ, lập tức chi phí của họ mỗi năm tăng lên là 4,6 – 4,7 tỷ USD. Dĩ nhiên doanh nghiệp không muốn điều đó xảy ra.

Chưa kể, khi đó, giá cuối cùng của chiếc Iphone sẽ tăng lên vì chi phí tăng lên. Nếu giá tăng lên, người tiêu dùng trong đó có người tiêu dùng Mỹ sẽ bị tác động. Tôi cho rằng, tổng thống mới của Mỹ sẽ phải cân nhắc tính toán nhiều chiều và không thể quyết định ngay được.

Kể cả khi Tổng thống Mỹ có dùng chiêu giảm thuế để kêu gọi doanh nghiệp về Mỹ, đây cũng không phải là biện pháp bền vững.

Vì vậy, theo tôi, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam vẫn duy trì ở mức đúng thứ 7 – 8.

Vậy còn về thương mại thưa ông?

TS Cấn Văn Lực: Trong trường hợp TPP chậm tiến độ, thương mại vẫn tích cực thôi, bởi như tôi đã nòi, Việt Nam còn nhiều FTA với các khối khác.

Khi đó, thương mại với Mỹ sẽ không tăng lên được 25 – 30% như chúng ta giả định với TPP nhưng có thễ vẫn duy trì được như hiện nay, tỷ trọng xuất khẩu ở mức 20% sang Mỹ.

TPP được kỳ vọng sẽ là áp lực lớn để Việt Nam cải cách thể chế trong nước, như vậy sự chậm trễ hay thất bại của TPP liệu có làm giảm hiệu quả áp lực này?

TS Cấn Văn Lực: Tôi hiểu TPP với Việt Nam là một cách tạo ra áp lực để cải cách trong nước nhưng thực ra nếu Việt Nam thực thi mạnh mẽ hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU thì rất nhiều thể chế cần phải đổi mới. Bởi hiệp định hiệp định Việt Nam - EU (EVFTA) cũng yêu cầu không kém gì về mặt thể chế so với TPP. Tức là hiệp định này cũng đụng chạm vào những lĩnh vực nhạy cảm của Việt Nam như lao động, sở hữu trí tuệ, môi trường, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm công...

Nhưng rõ ràng với một tổ chức như TPP, đặt dưới áp lực cải cách, họ có những tiêu chuẩn riêng. Nếu để chúng ta tự cải cách liệu có những đường hướng rõ ràng?

TS Cấn Văn Lực: Chúng ta vẫn có những áp lực cải cách từ bên ngoài. Như tôi đã phân tích, tiêu chuẩn của EVFTA không kém gì tiêu chuẩn giữa TPP. EVFTA cũng đưa ra những yêu cầu như vậy nên tôi cho rằng về mặt thể chế vẫn áp lực cải cách vẫn còn đó.

Vấn đề mấu chốt hiện nay là cần phải đẩy nhanh tiến độ hiệu lực hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.

Ngoài ra, Đảng, Chính Phủ, Quốc Hội cũng yêu cầu cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Đây là một trong ba trụ cột đột phá.

Thực tế theo tôi thấy thời gian qua Chính phủ cũng đã có những đột phá về mặt thể chếm Nghị quyết 35, nghị quyết 19 tiếp tục là những điểm nhấn về thế chế thời gian vừa qua và tiếp tục thời gian tới.

Hay trong trường hợp Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN khởi động đàm phán nhanh hơn hiệp định RCEP có lẽ Việt Nam cũng nên tích cực tham gia. Đó cũng là 1 hướng để Việt Nam đa dạng hóa thương mại tự do.

Tuy nhiên, liệu hiệp định với EU này có thể có hiệu lực sau Brexit và cả khi nguy cơ cao Italy cũng có thể rời khỏi EU...

TS Cấn Văn Lực: Như chúng ta đã biết hiệp định ký ngày 2/12/2015 và hi vọng đầu năm 2018 có hiệu lực. Quốc hội một số nước cũng đã thông qua nhưng còn vướng mắc tại Anh. Anh rời EU có thể làm chậm tiến độ. Việt Nam có thể đàm phán lại 1 chút với Anh, đàm phán lại với EU.

Có thể chậm tiến độ nhưng sẽ không quá lâu vì các nước EU hiện đang thúc đẩy cái hiệp định thương mại tự đó. Bởi EU cũng muốn chứng tỏ có Anh hay không các hiệp định thương mại tự do của EU cũng ít bị ảnh hưởng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ts-can-van-luc-evfta-co-the-dong-vai-tro-thuc-day-cai-cach-tuong-tu-tpp-9186.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/