Tranh chấp gia tăng, Hiệp hội BĐS TP HCM đề xuất có Luật Chung cư

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng mới đây, Hiệp hội BĐS TP HCM đã đề nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất xây dựng Luật Chung cư để đáp ứng yêu cầu phát triển chung cư trong những năm tới.

Tranh chấp gia tăng, Hiệp hội BĐS TP HCM đề xuất có Luật Chung cư - Ảnh 1.

Hiệp hội BĐS TP HCM đề nghị cần có Luật Chung cư riêng (Nguồn: internet)

Cụ thể, trong văn bản, Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) chỉ rõ trên địa bàn TP HCM có tỷ lệ căn hộ chiếm 8,4% tổng số nhà ở trên địa bàn thành phố và đang có xu thế tăng mạnh trong quá trình đô thị hóa. Chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây, căn hộ chung cư chiếm tỷ trọng 24,6% tổng số nhà ở xây dựng mới. Bên cạnh đó, theo HoREA, tình hình tranh chấp tại các nhà chung cư có biểu hiện gia tăng do xu thế phát triển ngày càng nhiều và các tầng lớp nhân dân đô thị đang có xu thế lựa chọn sinh sống ở loại hình này. Toàn thành phố hiện có khoảng 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó có 9 chung cư có tranh chấp gay gắt, phức tạp.

Hiệp hội chỉ ra nguyên nhân điển hình của những vụ tranh chấp như tranh chấp về quỹ bảo trì; dịch vụ quản lý vận hành; chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu, bầu Ban quản trị chung cư; hoặc tranh chấp phần sở hữu, chất lượng chung cư, bàn giao nhà không đúng tiến độ, chủ đầu tư bán căn hộ mà không thực hiện giải chấp,…

Ngoài ra, Hiệp hội cũng cho rằng, còn nhiều vướng mắc trong quản lý, vận hành và sử dụng nhà chung cư cần phải xem xét như vướng mắc do Ban quản trị chung cư chưa được cấp con dấu, vướng mắc về chủ tài khoản của Ban quản trị chung cư, vướng mắc về việc đóng góp kinh phí bảo trì đối với chung cư trong được thực hiện trong giai đoạn Luật nhà ở 2005 có hiệu lực,…

Trên cơ sở đó, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất xây dựng Luật Chung cư để đáp ứng yêu cầu phát triển chung cư trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, về phía chủ đầu tư, HoREA cũng đưa ra một số đề nghị như thực hiện nghiêm biện pháp cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho Ban quản trị, quy định chặt chẽ trách nhiệm của chủ đầu tư phải bàn giao nhà và làm sổ đỏ cho người mua nhà đúng cam kết theo hợp đồng, có biện pháp xử lý nghiêm chủ đầu tư thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không thực hiện giải chấp đồng thời đưa dân vào ở khi chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình,…

Hiệp hội cũng yêu cầu Bộ Xây dựng cần sớm ban hành tiêu chuẩn thiết kế, diện tích tối thiểu căn hộ nhà chung cư thương mại; quy chuẩn về loại hình shophouse, officetel, serviced apartment trong khối nhà chung cư. Trước đó Hiệp hội có kiến nghị cho phép căn hộ thương mại có diện tích tối thiểu 25 m2 tương đương diện tích tối thiểu căn hộ nhà ở xã hội.

Cũng liên quan đến vấn đề quỹ bảo trì chung cư, tại cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, khi sửa luật Nhà ở, nên bỏ quy định người mua nhà phải nộp 2% phí bảo trì nhà chung cư như hiện nay. Thay vào đó, cần đưa ra những chế tài liên quan đến trách nhiệm của cư dân khi phát sinh những vấn đề cần đến phí bảo trì nhà chung cư.

Lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM cho rằng việc đưa ra mức phí 2% phí bảo trì cũng hàm chứa nhiều bất cập. Chẳng hạn, khi chủ đầu tư và ban quản trị nảy sinh những tranh chấp về sở hữu quỹ bảo trì, yếu tố nào là căn cứ để xác định 2% tương đương với bao nhiêu tiền.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này phân tích thêm, phí bảo trì 2% sẽ chỉ dùng được trong một khoảng thời gian nhất định, từ 5 đến 10 năm. Sau đó, khi chung cư cũ đi, nhiều vấn đề khác phát sinh thì cư dân vẫn là người phải tiếp tục đóng phí. Do đó, không nhất thiết phải nộp 2% phí bảo trì ngay từ đầu.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tranh-chap-gia-tang-hiep-hoi-bds-tp-hcm-de-xuat-co-luat-chung-cu-20190308153829952.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/