TP HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2022

Kỳ họp thứ 4 HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) đã thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2022.

TP HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2022 - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Chiều 9/12, Kỳ họp thứ 4 HĐND TP HCM khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) đã thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2022, trong đó đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) đạt 6-6,5% trong năm 2022.

Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế-văn hóa-xã hội của TP HCM năm 2022 thống nhất xác định chủ đề năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Nghị quyết cũng đề ra 19 chỉ tiêu cụ thể, trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 6-6,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35%; chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 0,75% GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 86,05%...

TP HCM phấn đấu năm 2022 đạt tỷ lệ 20,4 bác sỹ/10.000 dân, 42 giường/10.000 dân; tiếp tục duy trì tỷ lệ 300 phòng/10.000 dân trong đội tuổi đi học, đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi đến trường được đi học; duy trì 100% dân số được sử dụng nước sạch; tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 6,6 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 21,2m2/người…

Thành phố cũng phấn đấu nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index); đạt trên 95% người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính.

HĐND Thành phố nhất trí thông qua một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2022. Trong đó, xác định để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19 cần xây dựng cơ chế kiểm soát, cảnh báo dịch bệnh, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, phát huy hiệu quả hoạt động Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, tổ hỗ trợ COVID-19, tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng…

Từng cấp, ngành xây dựng kế hoạch phòng chống, kiểm soát, thích ứng với dịch bệnh, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, chuẩn bị phương án trong tình huống khẩn cấp và xấu nhất, không để bị động, bất ngờ, ảnh hưởng năng lực đối phó; đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch trong hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa và thể thao…

Các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế của Thành phố được nhấn mạnh như: các giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; triển khai các chương trình phát triển kinh tế ở các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp; nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị; cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp…

Các đại biểu HĐND Thành phố cũng quyết nghị thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thành phố 5 năm (2021-2025). Trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2025, TP HCM sẽ là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.

Đến năm 2030, TP HCM sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD; là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến năm 2045: TP HCM trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

TP HCM phấn đấu các chỉ tiêu phát triển chủ yếu cho giai đoạn 2021-2025 gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8%/năm, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%. Phấn đấu năm 2025, kinh tế số đóng góp khoảng 25% trong GRDP; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm khoảng 35% GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 7%/năm…

HĐND Thành phố thống nhất với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trên địa bàn TP HCM 5 năm tới được chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ nay đến hết năm 2022: tập trung khắc phục hậu quả, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; hỗ trợ những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa-xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.

Giai đoạn 2 từ năm 2023-2025: tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19; giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Thành phố; tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh, xây dựng Thành phố trở thành trung tâm kinh tế, chính trị; trung tâm thương mại, trung tâm dịch vụ logistics; trung tâm du lịch; trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ; trung tâm dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục, trung tâm văn hóa của cả nước và khu vực Đông Nam Á./.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tp-hcm-dat-muc-tieu-tang-truong-6-65-trong-nam-2022-20211209210127384.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/