Tồn kho ngành sản xuất đồ uống 11 tháng năm 2017 tăng mạnh

Chỉ số hàng tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/11/2017 tăng 9,3% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, hàng tồn kho ngành sản xuất đồ uống tăng mạnh nhất với mức tăng 48,2%.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 ước tính tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng cao ở mức 24,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 13%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 10%; riêng ngành khai khoáng giảm 4,1%.

Tính chung 11 tháng năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,7% của 10 tháng năm nay và cao hơn nhiều mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016.

ton kho nganh san xuat do uong 11 thang nam 2017 tang manh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng cao với mức tăng 14,4%, đóng góp 10,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 7,1%, làm giảm 1,5 điểm phần trăm mức tăng chung.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 11 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 31,5%; sản xuất kim loại tăng 15,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 13,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 13,2%, đây là những ngành có tốc độ tăng cao trong những tháng gần đây, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng cao của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong những tháng cuối năm. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,7%; khai khoáng khác (chủ yếu khai thác đá, cát, sỏi) tăng 3,9%; sản xuất xe có động cơ giảm 0,2%; khai thác than cứng, than non và sản xuất sản phẩm thuốc lá cùng giảm 1%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 9%.

Trong 11 tháng năm nay, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Ti vi tăng 30,1%; sắt, thép thô tăng 26,7%; thép cán tăng 16,9%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 14,5%; phân urê tăng 13,4%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 3,6%; thuốc lá điếu tăng 1%; giày, dép da tăng 0,8%; than đá giảm 1%; ô tô giảm 6,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 7,2%; khí hóa lỏng (LPG) giảm 9,5%; dầu thô khai thác giảm 10,6%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Bắc Ninh tăng 35,5%; Hải Phòng tăng 20%; Thái Nguyên tăng 18,3%; Bình Dương tăng 10,4%; Hải Dương tăng 9,6%; Đà Nẵng tăng 9,5%; Đồng Nai tăng 8,6%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,9%; Vĩnh Phúc tăng 7,5%; Cần Thơ tăng 7,2%; Hà Nội tăng 7%; Quảng Ninh tăng 3,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 3,8%; Quảng Nam giảm 4,8%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10/2017 tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,6% so với 10 tháng năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 8,3%), trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Dệt tăng 30,5%; sản xuất kim loại tăng 26,6%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 23,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 18,2%; sản xuất trang phục tăng 15,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 15,3%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp: Sản xuất thiết bị điện tăng 6,5%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 5,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 4,3%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/11/2017 tăng 9,3% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2016 tăng 8,8%). Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 5,7%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 3,9%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 3,2%; dệt tăng 1,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 0,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 1,8%; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic giảm 21,7%.

Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với mức tăng chung: Sản xuất đồ uống tăng 48,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 46,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (chủ yếu là xi măng) tăng 28,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 21,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 19,3%.

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 10 tháng năm 2017 là 65,6% (cùng kỳ năm trước là 66,9%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 116,1%; sản xuất xe có động cơ 84,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 84,3%; sản xuất, chế biến thực phẩm 75,1%.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ton-kho-nganh-san-xuat-do-uong-11-thang-nam-2017-tang-manh-39179.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/