Toàn cảnh nợ xấu năm 2021: Tăng mạnh tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ bao phủ nợ lập kỷ lục mới

Trong năm COVID thứ hai, nợ xấu nhiều ngân hàng đồng loạt tăng mạnh, có nơi tăng trưởng ba chữ số, tỷ lệ nợ xấu nếu tính cả nợ đã cơ cấu lại theo Thông tư 01 lên đến 7,31%. Tuy vậy, cùng với đó các ngân hàng cũng tăng mạnh trích lập dự phòng đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên cao kỷ lục.

Bức tranh nợ xấu năm 2021 - Ảnh 1.

nẢnh minh hoạ: Alex Chu.

Nợ xấu tăng mạnh do COVID-19, sẽ sớm lộ diện trong năm nay

"Nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tức là nợ xấu của nền kinh tế, hiện nay có xu hướng tăng lên. Đây là điều dễ hiểu do hậu quả của dịch COVID-19 trong hai năm qua", Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú từng chia sẻ khi nhận định về ngành ngân hàng năm 2022 mới đây.  

15.887 tỷ đồng là con số nợ xấu nội bảng cao nhất toàn ngành (tính đến công bố hiện tại) của một ngân hàng (VPBank), tăng 60% so với năm trước, qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3,41% lên 4,47%. 

Trong đó, nợ xấu của công ty con là FE Credit chiếm khoảng 65%. Nợ nghi ngờ mất vốn (nhóm 4) của ngân hàng đã tăng gấp 8 lần cùng kỳ năm 2020 lên hơn 8.466 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý III, nợ xấu của hai "ông lớn" quốc doanh Vietcombank và VietinBank còn ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 108% và 90%. Tuy nhiên, con số này đã điều chỉnh về 49% và 17% vào cuối năm 2021.

Áp lực nợ xấu cũng gia tăng tại một số ngân hàng tư nhân vốn được đánh giá có chất lượng tài sản khỏe mạnh như ACB và Techcombank.

Về ACB, tính đến cuối năm 2021, nợ xấu của ngân hàng tăng 52,1% so với năm 2020 lên mức 2.799 tỷ đồng.

Trong khi Techcombank ghi nhận nợ xấu tăng đến 77%, lên 2.294 tỷ đồng. Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là 1.900 tỷ đồng, tương đương 0,5% tổng dư nợ, thấp hơn mức 2.800 tỷ đồng ở cuối quý III/2021.

Bức tranh nợ xấu năm 2021 - Ảnh 2.

Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Đáng chú ý, trong năm, nhiều nhà băng có số dư nợ xấu tăng mạnh so với cùng kỳ như Nam A Bank (tăng 117%) hay NCB (tăng 105%). 

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ngân hàng cho thấy nỗ lực trong việc cắt giảm nợ xấu. Như tại Kienlongbank, nợ xấu của ngân hàng giảm 61% so với năm trước, xuống còn 726 tỷ đồng;  kéo theo tỷ lệ nợ xấu giảm từ 5,42% vào năm 2020 xuống còn 1,89% năm 2021.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận nợ xấu giảm trong kỳ có thể kể đến như SHB (giảm 48%), BIDV (giảm 38%), TPBank (giảm 19%),...

Tuy vậy, con số nợ xấu nội bảng tại các ngân hàng vẫn không thể hiện hết được bức tranh nợ xấu chung. Theo số liệu từ NHNN, nếu tính cả nợ được tái cơ cấu và nợ tiềm ẩn, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ước đạt 7,31%, con số cao nhất trong 4 năm trở lại đây. 

Luỹ kế đến cuối năm trước, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 cho khoảng 607.000 tỷ đồng dư nợ. 

Cũng trong năm 2021, các ngân hàng đã bán 20.999 tỷ đồng nợ xấu sang VAMC, tăng 43,35% so với năm 2020.

Toàn cảnh nợ xấu năm 2021: Tăng mạnh tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ bao phủ nợ lập kỷ lục mới - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của NHNN.

Nhiều chuyên gia phân tích nhận định, nợ xấu sẽ sớm lộ diện trên báo cáo tài chính các ngân hàng khi thời hạn cơ cấu nợ xấu chỉ kéo dài đến ngày 30/6/2022. Do không còn đợt giãn nợ nào khác nên sau thời hạn này, các ngân hàng sẽ công bố nợ xấu thực tế.

Theo Mirae Asset, đối với các ngân hàng có tỷ trọng ngân hàng bán lẻ cao như VPBank, VIB, TPBank, tỷ lệ nợ xấu thực sẽ sớm được phản ánh trên báo cáo tài chính. Ngược lại, nợ xấu phát sinh từ cho vay doanh nghiệp và đầu tư trái phiếu sẽ mất nhiều thời gian hơn, phụ thuộc vào mức độ hồi phục của nền kinh tế và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bức tường phòng thủ ngày càng dày

Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, rủi ro nợ xấu tiềm ẩn, nhiều ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro cho vay, thậm chí chủ động trích lập đầy đủ cho toàn bộ các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 14 trước thời hạn 2023.

Cụ thể, tại nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank đã trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu, sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của NHNN. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng với mức 424%.

Tại, BIDV đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% cho nợ cơ cấu; qua đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 235%, mức cao nhất trong lịch sử.

Tương tự với VietinBank, khả năng phòng thủ nợ xấu cũng tăng đáng kể khi tỷ lệ bao phủ tính đến cuối năm 2021 đạt 171%, tăng mạnh so với mức 119% vào cuối tháng 9/2021 và 132% của cuối năm 2020.

Còn tại nhóm ngân hàng tư nhân, theo báo cáo tài chính quý IV/2021 vừa công bố, với việc nâng quỹ dự phòng rủi ro cho vay khách hàng gấp đôi lên 8.758 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hợp nhất của MB đã tăng mạnh lên 268%. Thậm chí, nếu xét riêng của ngân hàng mẹ, con số này còn lên tới gần 400%, tức mỗi đồng nợ xấu được dự phòng bằng 4 đồng.

Tại ACB, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã tăng từ mức 160% lên 210%. Trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại Techcombank là 162,9%.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng công bố tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao như Techcombank tăng từ 171% vào cuối năm 2020 lên 184% như hiện nay, TPBank tăng từ 134% lên 152%, LienVietPostBank tăng từ 90% lên 143%,....

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, công tác kiểm soát nợ xấu sẽ gặp khó khăn bởi dịch bệnh kéo dài, tác động có độ trễ nên sẽ ảnh hưởng lớn hơn hoạt động ngân hàng trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Lãnh đạo NHNN nhận định nợ xấu của các nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tức là nợ xấu của nền kinh tế, hiện nay có xu hướng tăng lên. Đây là điều dễ hiểu do hậu quả của dịch COVID-19 trong hai năm qua.

Vì vậy về lâu dài, muốn kiểm soát được nợ xấu, giảm được nợ xấu thì phải làm cho doanh nghiệp thoát ra khỏi khó khăn, sớm phục hồi trở lại hoạt động bình thường.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/toan-canh-no-xau-nam-2021-tang-manh-tai-nhieu-ngan-hang-ty-le-bao-phu-no-lap-ky-luc-moi-20220210112051879.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/