Tòa tuyên án đại án Đinh La Thăng: Đủ cơ sở kết luận các bị cáo có hành vi phạm tội

Trước đó, bị cáo Đinh La Thăng nhận trách nhiệm người đứng đầu, thừa nhận sai phạm trong việc chỉ định PVC làm tổng thầu mà không qua HĐTV. Tuy nhiên ông Thăng không thừa nhận trách nhiệm chỉ đạo cấp dưới ký kết hợp đồng 33, không nhận trách nhiệm trong việc để PVC chi và sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích.

toa tuyen an dai an dinh la thang du co so ket luan cac bi cao co hanh vi pham toi Ngày mai tuyên án ông Đinh La Thăng và 21 đồng phạm
toa tuyen an dai an dinh la thang du co so ket luan cac bi cao co hanh vi pham toi [Ảnh] Dấu ấn 10 ngày xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm

Đủ cơ sở kết luận các bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo khác có hành vi phạm tội

8h sáng nay ngày 22/1, TAND TP Hà Nội đã tuyên bản án đối với các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu (khí PVC).

Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định cáo trạng truy tố các bị cáo trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, tham ô tài sản xảy ra tại PVC và PVN là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Theo HĐXX, về cơ bản các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình, đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Đinh La Thăng nhận trách nhiệm người đứng đầu, thừa nhận sai phạm trong việc chỉ định PVC làm tổng thầu mà không qua HĐTV.

Tuy nhiên ông Thăng không thừa nhận trách nhiệm chỉ đạo cấp dưới ký kết hợp đồng 33, không nhận trách nhiệm trong việc để PVC chi và sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích.

toa tuyen an dai an dinh la thang du co so ket luan cac bi cao co hanh vi pham toi
Bị cáo Đinh La Thăng (Ảnh: TTXVN)

Đối với một số bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng của VKS truy tố, theo HĐXX, căn cứ vào tài liệu điều tra, hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo cũng như quá trình tranh luận tại tòa có đủ cơ sở kết luận các bị cáo có hành vi phạm tội.

Cụ thể, đối với hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về triển khai, lựa chọn nhà thầu: Năm 2010, PVC mất cân đối tài chính nghiêm trọng, thay vì tìm giải pháp, PVN lại cho PVC gánh thêm các khoản đầu tư tài chính vào các dự án khác làm mất cân đối dòng tiền đầu tư của đơn vị này.

HĐXX nhận định, mặc dù biết PVC đang gặp khó khăn về tài chính, chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu nhưng bị cáo Đinh La Thăng vẫn chỉ định PVC làm tổng thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Trong khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ dự thầu nhưng bị cáo Thăng vẫn chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng 33 và 4194. Việc chỉ định thầu này vi phạm nhiều quy định của Nhà nước.

Về việc tạm ứng tiền theo hợp đồng 33, bản án xác định hợp đồng này được ký không đúng quy định pháp luật, một số hợp đồng khác ký khi chưa được HĐTV phê duyệt. Căn cứ trên hợp đồng không đứng quy định này PVN đã chỉ đạo PVC chuyển tiền tạm ứng cho ban quản lý dự án.

Sau khi nhận được tiền tạm ứng các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận… đã sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không được đưa vào thực hiện dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Số tiền này đã bị ông Thanh, Thuận và một số đồng phạm dùng trả nợ, đầu tư dự án khác giống như nội dung cáo trạng đã truy tố và phần luận tội của VKS tại phiên tòa. Việc sử tiền tạm ứng của các bị cáo là trái quy định của pháp luật.

Tính thiệt hại 119 tỷ đồng là còn có lợi cho các bị cáo

Về thiệt hại do hành vi của các bị cáo gây ra, tại bản kết luận giám định, giám định viên tư pháp kết luận thiệt hại do PVN và ban quản lý dự án tạm ứng cho PVC trái quy định, gây thiệt hại 119 tỉ đồng.

Tại tòa một số luật sư bị cáo cho rằng giám định không đúng không khách quan. HĐXX nhận thấy việc tính toán thiệt hại được xác định dựa trên nhiều căn cứ.

Dự án chậm tiến độ 18 tháng, đội vốn hàng triệu USD, máy móc bị đắp chiếu, hết thời hạn bảo hành mà dự án chưa hoàn thành, việc dùng tiền không đúng mục đích thời gian dài… còn gây ra những thiệt hại không thể tính được trong quá trình điều tra vụ án.

"Cách tính thiệt hại như bản giám định là đã có lợi cho các bị cáo", thẩm phán Trương Việt Toàn nói sẽ kiến nghị CQĐT tiếp tục điều tra làm rõ những thiệt hại này.

Theo HĐXX, việc các luật sư cho rằng hành vi của các bị cáo không gây hậu quả, không gây thiệt hại là không có căn cứ. Nếu như các doanh nghiệp, địa phương đều tùy tiện sử dụng tiền sai mục đích như PVC thì sẽ gây rối loạn, hậu quả khó lường.

PVC phải thực hiện liên doanh với nhà thầu nước ngoài đủ năng lực

Về tội Cố ý làm trái của bị cáo Đinh La Thăng, căn cứ lời khai của bị cáo, HĐXX thấy rằng vào ngày 15/10/2010, HĐQT Tập đoàn PVN đã ra nghị quyết phê duyệt phương án thành lập liên doanh tổng thầu EPC nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trong đó có nội dung: PVC là thành viên đứng đầu liên doanh, nhà thầu nước ngoài tham gia lựa chọn theo hình thức đấu thầu thực tế. Như vậy nghị quyết của HĐTV PVN đã nêu rất rõ, PVC phải thực hiện liên doanh tổng thầu với các nhà thầu nước ngoài đủ năng lực và kinh nghiệm.

Tuy nhiên lúc đó bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ định PVC là tổng thầu duy nhất, EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, vi phạm nghị quyết của HĐTV của PVN, điều lệ PVN. Lời khai bị cáo thừa nhận việc này do sức ép tiến độ, nên có sai phạm trong quy trình chỉ định thầu PVC khi không qua HĐTV. Bị cáo khai do nôn nóng, sức ép công việc nên bị cáo Thăng đã chỉ đạo ký HĐ 33 trái quy định.

Tại tòa, Nguyễn Quốc Khánh khai chỉ đạo việc nhanh chóng ký hợp đồng EPC, do bị cáo Thăng và Phùng Đình Thực chỉ đạo ký cho kịp tiến độ trước ngày 28/2/2011. Do vậy có cơ sở khẳng định bị cáo Đinh La Thăng được báo cáo đến trung tuần tháng 6/2011 mới có đủ hồ sơ EPC để ký, nhưng vẫn chỉ định cấp dưới ký trước ngày 28/2/2011, trái quy định. Hợp đồng 33 cũng thiếu nhiều nội dung quan trọng, vi phạm nghị định 48 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.

PVC tại thời điểm được chỉ định thầu trái pháp luật, ký hợp đồng 33 là doanh nghiệp đang thâm hụt tài chính, không đủ kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn. Thời điểm đó PVC được PVN chỉ định thầu một số dự án như: Dự án Ethanol Dung Quất, Ethanol Phú Thọ… cho đến nay xác định thất thoát, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Mỗi dự án như vậy có thể trở thành một vụ án, lãnh đạo PVC đang phải đối mặt với nguy cơ điều tra, truy tố, xét xử trong các vụ án hình sự khác.

Theo HĐXX, quyết định chỉ định thầu và chuyển tiền quyết liệt, vội vã chi doanh nghiệp không đủ năng lực đã trái pháp luật, trái chỉ đạo của Chính phủ. Việc này gây nghi ngờ trong nhân dân trong tính minh bạch của chủ trương, tính thanh liên của cán bộ khi thực hiện.

Bị cáo Đinh La Thăng biết rõ PVC khó khăn nhưng vẫn chỉ định PVC tổng thầu thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Bị cáo là người đứng đầu PVN nhưng vẫn có hành vi chỉ định thầu cho PVC, khi biết rõ PVC không đủ năng lực. Hành vi của bị cáo vi phạm quy định pháp luật, vi phạm luật đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng.

Đối chiếu với các quy định của Bộ luật hình sự, hành vi của bị cáo Đinh La Thăng thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của tội Cố ý làm trái, không phải tội danh khác như bị cáo và luật sư nêu.

HĐXX ghi nhận quá trình cống hiến của bị cáo Đinh La Thăng, như tình tiết giảm nhẹ được quy định Bộ luật hình sự, nhưng pháp luật cần được tôn trọng, công minh, bình đẳng, không loại trừ bất kỳ ai. Một bản án có tình, có lý, tính đến cả công và tội nhưng nghiêm khắc là đủ cảnh báo cho việc lạm dụng quyền lực và tùy tiện vi phạm pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho lợi ích Nhà nước và nhân dân.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/toa-tuyen-an-dai-an-dinh-la-thang-du-co-so-ket-luan-cac-bi-cao-co-hanh-vi-pham-toi-43773.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/