Tín dụng vào chứng khoán tăng nóng vào cuối năm 2020 và giờ ra sao?

Vào tháng 1/2021, tín dụng vào chứng khoán đã giảm khoảng 10%, tuy nhiên từ tháng 3 lại tiếp tục tăng trở lại đưa về chỉ giảm 1% so với cuối năm 2020.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 03, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết tăng trưởng tín dụng tăng yếu vào hai tháng đầu năm và tăng mạnh hơn vào tháng 3.

Cụ thể, trong khi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến cuối tháng 2 mới đạt 0,66% thì tới tháng 3 đã đạt mức 2,93%, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước (1,3%). Tổng tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng.

Tín dụng chủ yếu tập trung vào vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng vào lĩnh vực thương mại dịch vụ tăng 2,93%; nông lâm thuỷ sản đạt 2,42%; công nghiệp 3,04%;... Đáng chú ý, tín dụng vào chứng khoán đạt 45.300 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020, tín dụng vào bất động sản đạt 1,85 triệu tỷ, tăng 3%.

Tín dụng vào chứng khoán tăng nóng vào cuối năm 2020 và giờ ra sao? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế. (Ảnh: SBV).

"Tín dụng vào chứng khoán vào tháng 11 và tháng 12 năm 2020 tăng trưởng khá nóng, sang tháng 1/2021 đã giảm khoảng 10%, tuy nhiên từ tháng 3 lại tiếp tục tăng trở lại đưa về chỉ giảm 1% so với cuối năm 2020", ông Tuấn Anh cho biết.

Nhận định về tình hình tăng trưởng tín dụng trong quý I, ông Tuấn Anh cho biết tín dụng của quý I tăng trưởng ổn định, các mục tiêu đạt được theo Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước.

Tính đến cuối tháng 3/2021 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ hơn 353.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn hơn 660.000 khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỷ đồng.

Đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3 triệu tỷ đồng cho trên 452.000 khách hàng.

Đối với chương trình cho vay người sử dung lao động để trả lương ngừng việc, đến 31/1/2021 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định), NHNN đã giải ngân cho NHCSXH với tổng số tiền 42,9 tỷ đồng và NHCSXH đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ 41,82 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc; Dư nợ của chương trình tại NHCSXH đến nay là 39,66 tỷ đồng.

Năm 2021, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tin-dung-vao-chung-khoan-tang-nong-vao-cuoi-nam-2020-giam-nhe-vao-dau-nam-2021-va-tang-tro-lai-vao-thang-3-20210414090613136.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/