Tiêu thụ thuỷ sản của Trung Quốc có thể phục hồi chậm sau khi gỡ bỏ chính sách Zero COVID

Sự phục hồi trong tiêu thụ thuỷ sản có thể diễn ra chậm chạp và ngắn ngủi do ảnh hưởng của sự lây lan của COVID-19 đối với người tiêu dùng trong nước. Số lượng người bệnh cao làm giảm sức tiêu thụ. Người mua Trung Quốc có hàng dự trữ và bây giờ họ bắt đầu giảm tốc độ nhập khẩu.

Theo Seafood Sources, có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu thủy sản đang tăng lên ở Trung Quốc sau khi nước này từ bỏ chính sách Zero COVID vào tháng 11/2022. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc sẽ loại bỏ quy trình kiểm tra và khử trùng đối với thủy sản nhập khẩu tại các cảng.

Nhưng cũng còn rất nhiều điều bất ổn liên quan đến việc virus đang lây lan nhanh chóng sẽ ảnh hưởng thế nào đến tiêu dùng và hoạt động chế biến thuỷ sản. 

Ông Pablo Resnik, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh của nhà xuất khẩu tôm Tây Ban Nha Roda International, có văn phòng tại Trung Quốc cho biết lượng đơn hàng đã phục hồi trong tháng 1.

Tuy nhiên, sự phục hồi đó có thể diễn ra chậm chạp và ngắn ngủi do ảnh hưởng của sự lây lan của COVID-19 đối với người tiêu dùng trong nước.

“Số lượng người bệnh cao làm giảm sức tiêu thụ. Người mua Trung Quốc có hàng dự trữ và bây giờ họ bắt đầu giảm tốc độ nhập khẩu,” ông nói.

Oliver Nikolovski, tổng giám đốc của công ty thương mại và tìm nguồn cung ứng Ocean Treasure có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết ông hy vọng hoạt động chế biến thuỷ sản ở Trung Quốc sẽ phục hồi nhanh chóng trở lại bởi các lệnh hạn chế liên quan đến COVID-19 đã được dỡ bỏ.  Các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng đang lấy lại can đảm để tiếp tục kinh doanh.

“Họ đang bắt đầu đặt hàng với chúng tôi trở lại với đơn hàng từ 1-2 container,” ông nói.

 Tuy nhiên, Nikolovski cho biết ông lo lắng một số lượng lớn các nhà máy Trung Quốc đã bị phá sản vì đại dịch và nhu cầu thị trường nội địa – ngày càng quan trọng đối với các nhà máy Trung Quốc – sẽ mất nhiều tháng để phục hồi về mức trước đại dịch.

“Có rất nhiều người bị bệnh và nhiều nhà hàng ở Thượng Hải đã phải đóng cửa. Chúng tôi đang hoạt động khoảng 60% công suất bình thường. Sẽ mất 3-4 tháng để phục hồi một phần và một năm để phục hồi hoàn toàn nhu cầu.” 

Một số người khác đang hy vọng cho một sự phục hồi diễn ra nhanh hơn. Landy Chow, người đứng đầu văn phòng Quảng Châu của Siam Canada, cho biết ông hy vọng nhu cầu thuỷ sản tại các nhà hàng sẽ bình thường trong tháng 3. Theo thông lệ, đây cũng là thời điểm mà các nhà nhập khẩu Trung Quốc bắt đầu đặt hàng nhiều hơn.

Ông nói: “Xuất nhập khẩu thủy sản giờ đây dễ dàng hơn so với trước kia. Chi phí vận chuyển hàng hóa cũng đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch , tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thương mại”. 

Theo Gary Wilcox, Giám đốc điều hành của JAG UFS Group, một công ty vận tải hàng hóa có văn phòng tại Trung Quốc, các biến thể Covid hiện đang hoành hành khắp Trung Quốc ảnh hưởng đến lực lượng lao động.

“Một biến thể mới xuất hiện gần đây và lan rộng khắp cả nước rất nhanh. Lực lượng lao động của chúng tôi buộc phải làm việc tại nhà một lần nữa,” ông nói.

Ông Wilcox cho biết thêm các biến thể mới có khả năng lan rộng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Mặc dù vậy, ông cũng tin rằng giá cước vận tải thấp hơn cũng có thể thúc đẩy nhu cầu từ các khách hàng nước ngoài của Trung Quốc. Xuất khẩu của Trung Quốc yếu do lạm phát ở EU và Mỹ, hai thị trường chủ lực của nước này, lần lượt giảm 8,7% và 9,9% so với cùng kỳ năm 2021 trong tháng 11 và tháng 12/2022.

Theo Nick Ovchinnikov, Giám đốc điều hành của công ty kinh doanh thủy sản Lotus Seafood có trụ sở tại Mỹ cho biết nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu thủy sản dường như vẫn yếu .

Theo ông nhu cầu có thể phục hồi vào quý III và người tiêu dùng có xu hướng chuyển từ hải sản đắt tiền hơn sang các mặt hàng rẻ hơn do lạm phát cao và suy thoái kinh tế có thể xảy ra.

Điều đó có thể giúp ích cho các nhà chế biến Trung Quốc tăng tốc độ phục hồi, từ đó sẽ giúp cân bằng giá cả toàn cầu, ông Ovchinnikov nói.

Mặc dù người tiêu dùng phương Tây đang cắt giảm chi tiêu cho hải sản , Bjorn Marius Jonasson, trưởng bộ phận bán hàng của Iceland Seafood, vẫn hoài nghi rằng các nhà máy chế biến của Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ các điều kiện kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn. Ông chỉ ra rằng chi phí năng lượng cũng tăng ở Trung Quốc, trong khi chi phí vận chuyển hàng hóa đã giảm. Ông kỳ vọng các nhà nhập khẩu và chế biến thủy sản Trung Quốc sẽ phục hồi hoạt động kinh doanh khi dỡ bỏ các rào cản liên quan đến COVID-19.

Theo Geoff Irvine, người đứng đầu Hiệp hội Tôm hùm Canada, cho biết ngay cả khi một số nhà hàng đóng cửa do COVID-19, nhu cầu đối với các sản phẩm cao cấp ở Trung Quốc dường như vẫn ổn định, một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ hơn có thể sắp xảy ra. Ông cho biết nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán “tốt hơn dự kiến”.

Ông nói: “Xuất khẩu tôm hùm sống sang Trung Quốc năm 2022 rất gần với năm 2021, đây là một năm kỷ lục”.

 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tieu-thu-thuy-san-cua-trung-quoc-co-the-phuc-hoi-cham-sau-khi-go-bo-chinh-sach-zero-covid-20232391937737.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/