Tiến sĩ về làng xây bảo tàng nước mắm

Đang là doanh nhân thành đạt ở Sài Gòn, Trần Ngọc Dũng bán sạch tài sản, dốc vốn liếng được 100 tỷ đồng về quê khởi nghiệp ở tuổi 40.

Trần Ngọc Dũng sinh ra ở làng chài Bình Hưng, Phan Thiết, ngay cửa sông Cà Ty đổ ra biển. Năm 1993, khi đang học ĐH Kinh tế TP HCM, Dũng được học bổng du học ngành quản trị kinh doanh tại Australia. Đối với anh, đây là quãng thời gian khổ nhất, vì... thiếu nước mắm.

Tốt nghiệp đại học, Dũng quay về TP HCM, làm việc cho một công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ và sau đó tiếp tục du học tiến sĩ ở Pháp. Ước mơ về một bảo tàng nước mắm dần hình thành trong quãng thời gian này.

Anh thành lập công ty riêng, liên doanh với Nhật khi về Việt Nam, để nghiên cứu thị trường hàng tiêu dùng. Anh mê nhất chương trình "Mỗi làng một sản phẩm" (One village, One product - OVOP), khởi phát năm 1979 tại tỉnh Oita, Nhật Bản. Từ những bài học của OVOP, anh rút ra kết luận: Muốn phát triển sản phẩm làng nghề phải có sản phẩm du lịch và câu chuyện văn hóa tương thích.

Với suy nghĩ đó, anh quyết định mạo hiểm. Sau khi sắp xếp để gia đình định cư ở nước ngoài, anh bán sạch tài sản, dốc hết vốn liếng 20 năm làm việc được khoảng 100 tỷ đồng về quê khởi nghiệp ở tuổi 40.

Tiến sĩ về làng xây bảo tàng nước mắm - Ảnh 1.

Anh Dũng (áo đen) đang trao đổi với du khách về nước mắm tại khu trưng bày sản vật địa phương tại bảo tàng.

Bắt đầu bằng sản phẩm du lịch với câu chuyện văn hóa "Huyền thoại làng chài"(Fisherman Show), anh cùng nhóm cộng tác lên ý tưởng, phác thảo sân khấu, thiết kế, kỹ thuật và nhờ các chuyên gia thi công. Khó nhất là làm sao biến những ngư dân thành người dẫn dắt câu chuyện đi biển, đánh cá, làm muối, nước mắm như diễn viên chuyên nghiệp. Hàng trăm diễn viên được chọn từ người dân địa phương.

Cả năm tập dượt, nhiều người chịu không nổi, nhân viên nghỉ gần hết vì chán nản. Anh Dũng lại tìm người thay thế, tập lại từ đầu. Đôi khi ông chủ này cũng hoài nghi dự án, nhưng mệt mỏi chốc lát rồi thôi.

Trải qua vô số lần tổng dượt, chạy thử, điều chỉnh, Fisherman Show công diễn vào năm 2017. Anh Dũng cho biết, vào mùa hè, khách Việt chiếm 80% còn lại, khách Tây chiếm đa số. Chị Vũ Phương, du khách từ TP HCM, chia sẻ cảm nhận sau buổi diễn: "Tôi rất ngạc nhiên khi biết tại Phan Thiết có show diễn tốt như thế. Kịch bản dẫn dắt người xem từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Cách dàn dựng cũng đầy kỹ thuật và nghệ thuật".

Từ 2019 trở về trước, mỗi tuần anh có 3 show diễn trong không gian nhà hát rộng 6.000 m2. Trung bình năm ngoái, anh tổ chức 200 suất diễn, với số lượng khách xem 500.000 người. Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, hiện chương trình chỉ còn 2 buổi trong tuần.

Tiến sĩ về làng xây bảo tàng nước mắm - Ảnh 2.

Diễn viên của chương trình hầu hết là người dân địa phương, không phải vũ công chuyên nghiệp.

Thành công bước đầu của show diễn thôi thúc anh Dũng làm bước tiếp theo: xây dựng Bảo tàng nước mắm. Theo anh, Phan Thiết chính là cái nôi nước mắm Việt Nam cách đây 300 năm; thừa hưởng từ kỹ nghệ ủ chượp của người Chăm Pa trấn Thuận Thành xưa. Phan Thiết còn có ông tổ nghề nước mắm Trần Gia Hòa, có bà hàm hộ Lục Thị Đậu bỏ tiền túi, làm con đường nối từ Phan Thiết ra Mũi Né.

Anh mất ba năm để sưu tập được 2.000 hiện vật trưng bày. Bảo tàng là làng chài xưa thu nhỏ thân thuộc, chỉ giới thiệu duy nhất "nhân vật chính", đó là nước mắm. Khu vực lịch sử hình thành, phát triển của nghề làm nước mắm thiết kế như rạp chiếu phim, với nhiều hình ảnh, tư liệu quý. Không gian thực tế với cảnh làm muối, làm mắm, phố cổ Phan Thiết và có cả một đồi cát thật. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu quy trình ủ chượp thủ công, nếm thử thứ nước mắm hảo hạng trước khi đến không gian chợ xưa, nơi bán đủ loại sản vật địa phương.

Tiến sĩ về làng xây bảo tàng nước mắm - Ảnh 3.

Năm 2019, bảo tàng nước mắm đón khoảng 1 triệu lượt khách.

Hiện anh Dũng đang lập kế hoạch làm bảo tàng nước mắm online (virtual museum) và kết nối trực tiếp nhà thùng đến bếp ăn người tiêu dùng. Năm 2018 anh mở thêm nhà hàng, cùng cửa hàng đặc sản nước mắm tĩn và các sản vật chọn lọc khác của làng chài, ngay trong khuôn viên bảo tàng.

Anh cho biết: "Sau 4 năm khởi nghiệp và 3 năm đi vào hoạt động, sản phẩm đã sinh lời, trước dự tính 2 năm". Anh nói, đất nước có vô số làng nghề; rất nhiều sản phẩm "một thời vang bóng", chỉ có thể vực dậy thông qua sản phẩm du lịch tại địa phương được lồng vào câu chuyện văn hóa, và dùng nghệ thuật dẫn chuyện để đi vào lòng du khách.

Bảo tàng nước mắm

Giá vé show diễn Huyền thoại làng chài là 300.000 đồng một người, còn vé vào bảo tàng 100.000 đồng. Bảo tàng mở cửa từ 9h đến 18h ngày trong tuần, tại 360 Nguyễn Thông, đối diện ĐH Phan Thiết, cửa ngõ vào Mũi Né.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tien-si-ve-lang-xay-bao-tang-nuoc-mam-20200314142111847.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/