Thủy sản thế giới hướng đích bền vững

Hiểm họa dịch bệnh, kháng sinh vẫn đang đe dọa sự bền vững ngành thủy sản toàn cầu. Những giải pháp tăng trưởng xanh, đi đôi với các mô hình nuôi thông minh và mục tiêu vươn khơi có thể là những ý tưởng hay cho ngành thủy sản bền vững.

thuy san the gioi huong dich ben vung

Tăng trưởng nhảy vọt

Sản lượng NTTS toàn cầu, gồm cả thực vật và động vật trong năm 2016 đạt 110,2 triệu tấn, trị giá 243,5 tỷ USD. Trong số này, có 80 triệu tấn động vật nuôi làm thực phẩm (231,6 tỷ USD) và 30,1 triệu tấn thực vật (11,7 tỷ USD) và 37.900 tấn thủy sản không dùng làm thực phẩm (214,6 triệu USD).

Từ năm 2000, ngành NTTS đã không còn đạt tốc độ tăng trưởng cao hàng năm như thập niên 80 và 90 (lần lượt 10,8 và 9,5%). Nhưng tốc độ phát triển của ngành NTTS đang vượt xa các ngành sản xuất thực phẩm khác. Tăng trưởng hàng năm của ngành đã giảm xuống mức khiêm tốn 5,8% suốt giai đoạn 2001 - 2016 nhưng tăng trưởng kép vẫn xuất hiện ở một số quốc gia, đặc biệt là châu Phi vào giai đoạn 2006 - 2010.

Sự đóng góp của ngành NTTS vào tổng sản lượng thủy sản toàn cầu, gồm cả nuôi và khai thác tăng liên tục, đạt 46,8% vào năm 2016, tăng từ 25,7% trong năm 2000. Nếu loại trừ Trung Quốc, ngành NTTS đóng góp tỷ lệ 29,6% trong năm 2016, tăng từ 12,7% từ năm 2000. Ở khu vực, NTTS chiếm 17 - 18% tổng sản lượng thủy sản tại châu Phi; châu Mỹ và châu Âu đứng thứ 2, với tỷ lệ 12,8%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở châu Á, loại trừ Trung Quốc là 40,6% trong năm 2016, tăng từ 19,3% trong năm 2000.

Nuôi vượt khai thác

Trong năm 2016, 37 quốc gia đạt sản lượng nuôi trồng thủy sản vượt sản lượng khai thác tự nhiên. Tuy nhiên, hoạt động nuôi cá làm thực phẩm trên toàn thế giới hiện nay đang ngày càng phụ thuộc vào nuôi thủy sản trên đất liền, chủ yếu trong các mô hình nuôi nước ngọt. Ở một số ít quốc gia như Trung Quốc và Ai Cập, nuôi thủy sản ở những vùng nước mặn - kiềm được thực hiện bằng các đối tượng nuôi bền vững trong khu vực có các điều kiện đất đai và đặc tính hóa học của nguồn nước không phù hợp với các loài cây lương thực truyền thống. Ao đất vẫn là hình thức phổ biến nhất tại các cơ sở nuôi thủy sản trên đất liền, mặc dù các bể nuôi tuần hoàn, bể nuôi trên cạn hoặc lồng nuôi cũng được sử dụng rộng rãi ở những nơi mà điều kiện tự nhiên cho phép. Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản ngày càng quan trọng ở nhiều vùng sản xuất truyền thống, nhưng mô hình này đang được mở rộng nhanh chóng, đặc biệt tại châu Á.

Năm 2016, NTTS trên đất liền mang lại 51,4 triệu tấn thủy sản thực phẩm, tương đương 64,2% tổng sản lượng thủy sản nuôi của toàn thế giới, tỷ lệ này ở năm 2000 là 57,9%. Nuôi cá vây thống trị lĩnh vực nuôi thủy sản trên đất liền, chiếm 92,5% (47,5 triệu tấn) tổng sản lượng thủy sản nuôi trên đất liền. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm từ 97,2% trong năm 2000, phản ánh sự tăng trưởng tương đối mạnh mẽcác loài nuôi khác, đặc biệt là giáp xác ở châu Á, gồm tôm và cua. Nuôi thủy sản trên đất liền cũng gồm một số loài tôm biển, như tôm thẻ chân trắng, có thể phát triển tốt trong môi trường nước ngọt hoặc nước mặn - kiềm sau khi được thuần hóa.

Nói đến NTTS đất liền, phải nhắc đến người khổng lồ Trung Quốc. Sản lượng thủy sản nuôi của Trung Quốc chiếm tới hơn 1/2 tổng sản lượng toàn thế giới hàng năm từ năm 1991. Mặc dù vị thế này ngày càng suy giảm kể từ cuối thập niên 90, nhưng vai trò quan trọng của Trung Quốc trong ngành NTTS toàn cầu và tầm ảnh hưởng của quốc gia này trong điều chỉnh nguồn cung thủy sản thế giới thì không thể phủ nhận. Từ khi sản lượng cá nuôi vượt sản lượng cá khai thác tự nhiên lần đầu tiên vào năm 1993, Trung Quốc đã đặt tham vọng bành trướng ngành NTTS.

Kế hoạch 5 năm lần 3 cho mục tiêu phát triển ngành thủy sản Trung Quốc cùng hàng loạt chính sách và luật lệ, đã nhanh chóng tạo sự thay đổi lớn cho ngành thủy sản. Nhà chức trách còn tăng trường cải thiện hàng loạt công nghệ nuôi mới và hệ thông nuôi sản lượng cao từ năm 2016, đi đôi với việc mở rộng mô hình nuôi xen canh.

Cần giảm thiểu rủi ro

Nông dân, nhà quản lý và các thành phần khác trong ngành NTTS ngày càng nâng cao nhận thức trước những rủi ro trong quá trình sản xuấtvà đang liên kết hành động để quản lý rủi ro hiệu quả hơn. Những chiến lược thú y quốc gia ngành thủy sản của FAO/NACA đang góp phần giải quyết những vấn đề an toàn sinh học và bảo vệ sức khỏe cũng như phúc lợi động vật thủy sản. Ngoài ra, Nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA) trong NTTS đang bắt đầu được sử dụng nhằm phát triển kỹ thuật, chính sách và điều kiện đầu tư cần thiết để phát triển ngành nông nghiệp bền vững trong điều kiện khí hậu biến đổi. CSA chính là một hướng tiếp cận thay thế và tiến bộ để tăng sản lượng thủy sản trong khi tránh được các tác động tiêu cực từ khí hậu lên sự bền vững. Thách thức để áp dụng NTTS thông minh với khí hậu là phải phù hợp với Bộ quy tắc ứng xử khai thác thủy sản bền vững (CCRF) và Quản lý thủy sản dựa vào tiếp cận hệ sinh thái (EAA) để giải quyết được 3 mối liên kết không tách rời gồm bền vững kinh tế, môi trường và xã hội.

Rủi ro trong ngành thủy sản có thể được giảm bằng những công nghệ mang tính đột phá. IoT, Big Data hay Blockchain… đã giúp thu thập và xử lý thông tin, từ đó nâng cao ý thức chấp hành luật thủy sản, tăng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm và là nền tảng cho sự quản lý hiệu quả và bền vững ngành thủy sản. FAO đang khuyến khích đầu tư cho cải tiến và ứng dụng các công nghệ mới, gồm những công nghệ mang tính đột phá vì nó có thể mang lại nhiều cách thức khai thác và nuôi trồng mới bền vững, hiệu quả và tiết kiệm năng lượng hơn. Tuy nhiên, thách thức của công nghệ cao hiện nay chính là rào cản năng lực hoặc nguồn tài chính.

Tăng trưởng xanh (Blue growth) cũng là một hướng tiếp cận quản lý tiến bộ, tổng hợp va đa ngành trong quản lý các nguồn lợi thủy hải sản nhằm mục đích tối đa hóa dịch vụ và hàng hóa hệ sinh thái đạt được từ việc sử dụng nguồn lợi biển, đất liền và ao hồ, trong khi vẫn mang lại lợi ích kinh tế và xã hội. Dịch vụ hệ sinh thái biển đặc biệt cung cấp 60% giá trị kinh tế toàn cầu. Do đó, cộng đồng cần phải tập trung nhiều hơn vào nỗ lực phát triển năng lực kinh tế để khai thác hệ sinh thái thủy hải sản và dịch vụ mà hệ sinh thái này cung cấp theo những cách thức bền vững nhất.

FAO đã xây dựng Diễn đàn xanh, nơi để các chuyên gia, mọi thành phần hoạt động trong ngành NTTS và khai thác được lên tiếng, thảo luận và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề có nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội. Nhưng tăng trưởng xanh chỉ có thể được duy trì lâu dài nếu nó liên kết tất cả thành phần hoạt động trong ngành khai thác và NTTS và toàn chuỗi cung ứng. Rõ ràng, công cuộc tìm kiếm giải pháp cho các thách thức chung của ngành thủy sản bền vững đòi hỏi sự chung tay của tất cả thành phần trong ngành này trên toàn thế giới.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thuy-san-the-gioi-huong-dich-ben-vung-119832.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/